Thuốc giảm đau gai cột sống: phân loại và ưu - nhược điểm

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Thuốc giảm đau gai cột sống: phân loại và ưu - nhược điểm
Để giảm đau cho bệnh nhân gai cột sống người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng thuốc, châm cứu, vật lý trị liệu,... Trong đó sử dụng thuốc giảm đau gai cột sống là phương pháp được sử dụng phổ biến hàng đầu hiện nay. 

1. Ưu, nhược điểm giảm đau gai cột sống bằng thuốc

1.1. Ưu điểm giảm đau gai cột sống bằng thuốc

- Sử dụng tiện lợi: Hầu hết các loại thuốc giảm đau được sử dụng cho bệnh nhân đều có dạng bào chế dưới dạng uống. Vì vậy bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau rất dễ dàng, thuận tiện. Điều này tạo điều kiện lớn cho bệnh nhân, vì phần lớn bệnh nhân gai cột sống đều được điều trị ngoại trú.

- Tác dụng phát huy nhanh chóng: Sử dụng thuốc giảm đau gai cột sống có khả năng giúp bệnh nhân giảm đi triệu chứng đau đớn một cách nhanh chóng ngay sau khi sử dụng.

1.2. Nhược điểm giảm đau gai cột sống bằng thuốc

- Hiệu quả không kéo dài: Mặc dù phát huy hiệu quả nhanh chóng sau khi sử dụng, tuy nhiên hiệu quả giảm đau gai cột sống của các loại thuốc giảm đau thường không kéo dài. Tác dụng giảm đau của thuốc sẽ mất dần khi nồng độ thuốc giảm dần do cơ chế đào thải, chuyển hóa thuốc của cơ thể.

- Nhiều tác dụng phụ: Khi sử dụng các loại thuốc giảm đau gai cột sống, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ khác nhau do thuốc gây nên. Điều này khiến việc chỉ định các loại thuốc gai cột sống cho bệnh nhân cần được xem xét rất kỹ lưỡng.

2. Các loại thuốc giảm đau gai cột sống

Để giảm đau cho bệnh nhân gai cột sống, người ta có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ đau đớn của bệnh nhân, các chống chỉ định sử dụng thuốc,... mà bác sĩ sẽ đưa ra loại thuốc phù hợp nhất nhằm tối ưu hiệu quả giảm đau và hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể xảy ra.

2.1. Paracetamol

Paracetamol là loại thuốc giảm đau thường được sử dụng trên các bệnh nhân gai cột sống bởi sự cân bằng giữa hiệu quả giảm đau và tác dụng phụ do thuốc gây nên. Thuốc thường được chỉ định sử dụng trên các bệnh nhân có mức độ đau nhẹ hoặc trung bình.

Paracetamol có thể được chỉ định sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với một số thuốc khác như codein hay tramadol để gia tăng hiệu quả giảm đau.

2.2. Kháng viêm giảm đau không Steroid

Các thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid cũng là những thuốc giảm đau gai cột sống được dùng rất phổ biến. Thuốc cho hiệu quả giảm đau tốt, thấm tốt vào các tổ chức xương khớp vì vậy có tác dụng rất tốt trên các bệnh nhân bị gai cột sống. Các thuốc kháng viêm giảm đau không Steroids thường dùng cho bệnh nhân gai cột sống là ibuprofen, naprofen,...

Tuy nhiên, sử dụng thuốc kéo dài có thể gây nhiều tác dụng phụ khác nhau trên bệnh nhân, đặc biệt là đối với hệ tiêu hóa. Do vậy, chống chỉ định tuyệt đối không được kết hợp hai thuốc chung nhóm giảm đau kháng viêm không Steroid để gia tăng hiệu quả giảm đau vì sẽ làm tăng nặng các tác dụng phụ.

2.3. Steroid

Sử dụng các chế phẩm Steroid để tiêm ngoài màng cứng cũng là phương pháp giảm đau gai cột sống rất hiệu quả. Phần đông bệnh nhân thường giảm đau nhanh chóng sau khi tiêm thuốc và có thể không cần sử dụng đến mũi tiêm kế tiếp.

Do tiêm Steroid ngoài màng cứng có thể gây nên nhiều tác dụng phụ khác nhau, vì thế bệnh nhân không được tiêm Steroid để giảm đau gai cột sống quá 3 lần/năm tại cùng một vị trí đau.

Có thể thấy rằng, sử dụng thuốc giảm đau gai cột sống là phương pháp giảm đau tiện lợi, dễ sử dụng và có hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, do có thể xảy ra nhiều tác dụng phụ khác nhau nên việc sử dụng thuốc cần được cân nhắc bởi bác sĩ có chuyên môn, bệnh nhân không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau gai cột sống khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.


Tác giả: QN