Thuốc giảm đau bệnh thoát vị đĩa đệm: các loại thuốc thường dùng và biến chứng khi lạm dụng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Thuốc giảm đau bệnh thoát vị đĩa đệm: các loại thuốc thường dùng và biến chứng khi lạm dụng
Bệnh thoát vị đĩa đệm hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị nên thuốc giảm đau bệnh thoát vị đĩa đệm được nhiều người lựa chọn mỗi khi các cơn đau hành hạ cơ thể. Vậy khi bị bệnh thoát vị đĩa đệm có nên dùng thuốc giảm đau không?

Bệnh thoát vị đĩa đệm hầu hết không có triệu chứng cảnh báo với cảm giác đau nhức là rõ ràng nhất. Thuật ngữ thoát vị đĩa đệm được dùng để chỉ hiện tượng dịch chuyển vị trí của đĩa đệm trong đốt sống. 

Bệnh thoát vị đĩa đệm thường gặp nhất là ở thắt lưng và cổ. Hiện tượng đĩa đệm bị lệch chèn ép lên rễ dây thần kinh tọa sẽ khiến cảm giác đau nhức lan từ cổ hoặc thắt lưng tới chân, vai, cánh tay. 

Tâm lý chung của người bệnh khi có cảm giác đau nhức xương khớp dù biết là bệnh thoát vị đĩa đệm hay không đều là tìm đến các loại thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau thoát vị đĩa đệm chỉ tốt cho sức khỏe khi được sử dụng hợp lý và theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

1. Các loại thuốc giảm đau thường dùng với bệnh thoát vị đĩa đệm

Trước hết, cần khẳng định rằng, thuốc giảm đau không phải là thuốc chữa thoát vị đĩa đệm triệt để. Sử dụng thuốc giảm đau thường chỉ là biện pháp tình thế, tức thời của người bệnh đối phó với những cơn đau cấp tính ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. 

Sau đây là một số loại thuốc thường được sử dụng để giảm đau cho người bệnh thoát vị đĩa đệm:

Nhóm thuốc giảm đau thoát vị đĩa đệm đơn thuần

- Paracetamol: có tác dụng giảm đau hữu hiệu với các trường hợp chấn thương hoặc thoái hóa cơ xương khớp, giúp tăng ngưỡng chịu đau và giảm cảm giác đau đớn cho người bệnh.

- Aspirin: là một trong những loại thuốc giảm đau thoát vị đĩa đệm được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng bởi nó có thể gây xuất huyết tiêu hóa trong một số trường hợp nhất định.

Nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid

Trong trường hợp bệnh thoát vị đĩa đệm có hiện tượng viêm nhiễm tiến triển nhanh, các loại thuốc sau đây có thể được sử dụng để hỗ trợ giảm đau nhanh cho người bệnh:

- Thuốc diclofenac: có tác dụng ức chế và làm giảm các chất gây đau trong cơ thể, kháng viêm hiệu quả, nhất là với bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.

- Thuốc meloxicam: là loại thuốc kháng viêm thông dụng thường được kết hợp với các loại thuốc chữa thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, viêm dính khớp cột sống…

Nhóm thuốc giảm đau thần kinh

Giảm đau thoát vị đĩa đệm bằng thuốc giảm đau thần kinh cũng là lựa chọn của nhiều người bệnh. Thuốc naproxen được sử dụng khá phổ biến, vừa có tác dụng giảm đau nhanh vừa kháng viêm hiệu quả.

Điểm chung của tất cả các loại thuốc giảm đau thoát vị đĩa đệm là hiệu quả giảm đau nhanh, có thể nói là "tức thời", mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người bệnh trong khoảng thời gian nhất định. 

Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc giảm đau trên khi bị bệnh thoát vị đĩa đệm đều cần hết sức cẩn trọng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, tuân thủ chỉ định và sự theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ điều trị.

2. Biến chứng nguy hiểm khi lạm dụng thuốc giảm đau thoát vị đĩa đệm

Có thể nói các cơn đau nhức xương khớp là đặc trưng của bệnh thoát vị đĩa đệm. Tùy từng mức độ và giai đoạn bệnh mà cảm giác đau sẽ nhiều hay ít, kéo dài hay đau âm ỉ. Mặc dù sử dụng thuốc giảm đau là một trong những cách giảm đau thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhưng các bác sĩ đều khuyên rằng người bệnh cần nhận thức được rằng chúng không phải là thuốc đặc trị bệnh. Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng tức thời, không thể điều trị được tận gốc và chống tái phát.

Việc lạm dụng thuốc giảm đau (sử dụng quá nhiều lần) hoặc sử dụng quá liều, chống lại chỉ định của bác sĩ đều mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh thoát vị đĩa đệm.

Trước hết, sử dụng thuốc giảm đau với tần suất cao sẽ gây ra hiện tượng "chờn thuốc", tức là lần dùng thuốc sau sẽ không mang lại hiệu quả giảm đau như mong muốn so với lần trước. Bên cạnh đó còn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp phải khi lạm dụng thuốc giảm đau như:

- Gây hại cho đường tiêu hóa: gây cảm giác buồn nôn hoặc nôn, đau tức thượng vị, trướng bụng đầy hơi, khó tiêu, chán ăn.

- Một số loại thuốc có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, viêm loét niêm mạc dạ dày nếu bị lạm dụng (chảy máu dạ dày, đại tiện ra máu).

- Gây hại cho thần kinh: gia tăng cảm giác căng thẳng, lo âu, giảm chú ý, gây nhức đầu, ù tai, đau nhức mắt, giảm thị lực

- Biến chứng nguy hiểm: co thắt phế quản, co giật, suy hô hấp.

Như vậy, khi có cảm giác đau nhức lưng, vai gáy, chân, tay, người bệnh cần đi khám ngay. Việc thăm khám sớm sẽ giúp bạn điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm nhẹ nhàng và đơn giản hơn so với việc chủ quan lạm dụng thuốc kháng sinh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.


Tác giả: hoangtrang