Thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp và những điều cần biết

Thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp và những điều cần biết
Trong các nhóm thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc chẹn kênh Calci là nhóm thuốc rất thường được dùng trên thực tế. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp cần phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

Ngày nay, sử dụng thuốc là một trong các phương pháp chữa tăng huyết áp được áp dụng chủ yếu trên thực tế. Trong đó, nhóm thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp là một trong các nhóm thuốc thường dùng nhất. Tuy nhiên, phần đông người bệnh vẫn chưa có cái nhìn cụ thể về vấn đề sử dụng thuốc đúng cách cùng với các ưu, nhược điểm của thuốc chẹn kênh Calci.

1. Cơ chế tác dụng của thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp

Trên hệ tim mạch, ion Calci có vai trò quan trọng đối với sự tương tác giữa sợi myosin và sợi actin trong quá trình co cơ ở các tế bào cơ trơn thành mạch, cơ tim,... Ngoài ra, ion Calci còn có vai trò rất quan trọng đối với sự dẫn truyền hoạt động điện trong mạng lưới dẫn truyền ở tim. Những vai trò sinh lý này của ion Calci được tạo nên do sự chênh lệch nồng độ của ion Calci giữa hai bên màng tế bào, mà con đường để ion Calci có thể di chuyển giữa hai bên màng tế bào chính là kênh Calci.

Các loại thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp hoạt động dựa trên cơ chế gắn vào kênh Calci có ở cơ trơn mạch máu, cơ tim,... khiến cho các kênh này không thể vận chuyển được ion Calci, không thể tạo ra được sự chênh lệch nồng độ ion Calci cần thiết ở hai bên màng.

Do đó, các quá trình co cơ ở cơ trơn mạch máu và cơ tim bị ức chế dẫn đến giãn cơ, giảm sức co bóp của cơ. Đồng thời quá trình dẫn truyền điện thế trong mạng lưới dẫn truyền của tim cũng bị ức chế nên nhịp tim trở nên chậm hơn. Những điều này đưa đến tác dụng sau cùng là hạ huyết áp của bệnh nhân.

Tùy thuộc vào mức độ ưu tiên tác dụng của thuốc chẹn kênh Calci thể hiện ở trên tim nhiều hơn hay ở trên mạch máu nhiều hơn mà người ta thường phân chia thuốc thành ba nhóm, bao gồm:

- Dihydropyridine (DHP): Nhóm thuốc chẹn kênh Calci này có tác dụng chủ yếu trên thành mạch, gây tác dụng giãn mạch nhiều hơn là tác dụng ở trên tim.

- Benzothiazepine: Nhóm này có sự cân bằng tương đối giữa tác dụng gây giãn mạch và tác dụng trên tim khi vừa tác dụng lên mạch máu và lên tim của người bệnh khi sử dụng.

- Phenylalkylamine: Là nhóm thuốc chẹn kênh Calci có tác dụng chủ yếu trên tim, ít tác dụng trên mạch máu.

Thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp và những điều cần biết - Ảnh 1.

Thuốc chẹn kênh Calci là nhóm thuốc chữa tăng huyết áp rất hiệu quả (Ảnh: Internet)

2. Sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp như thế nào?

Thuốc chẹn kênh Calci là nhóm thuốc được sử dụng rất phổ biến trong chữa thực tế cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Đối với các bệnh nhân bị tăng huyết áp mức độ 1, nguy cơ tim mạch thấp và có tuổi lớn hơn 60 thì thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp có thể được sử dụng làm lựa chọn đầu tay khi khởi đầu chữa cho người bệnh. Còn đối với các bệnh nhân có độ tuổi dưới 60 tuổi, thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp thường không được ưu tiên sử dụng bằng thuốc chẹn thụ thể Angiotensin 2 hay thuốc ức chế men chuyển.

Trong trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp mức độ 2 trở lên hoặc tăng huyết áp mức độ 1 nhưng có nguy cơ tim mạch cao, thì có thể cho người bệnh sử dụng thuốc chẹn kênh Calci phối hợp cùng với một nhóm thuốc hạ huyết áp khác để điều trị chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể Angiotensin 2, hay thuốc lợi niệu,...

Nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp khẩn cấp, tăng huyết áp cấp cứu thì các thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp đường tĩnh mạch có thể được sử dụng để hạ huyết áp nhanh cho người bệnh.

3. Các chống chỉ định của thuốc chẹn kênh Calci tăng huyết áp

Mặc dù có hiệu quả tốt trong chữa tăng huyết áp, tuy nhiên việc sử dụng thuốc chẹn kênh Calci cũng cần phải được xem xét kỹ tránh các trường hợp bị chống chỉ định để không gây các hậu quả đáng tiếc khi điều trị.

Các đối tượng bị chống chỉ định với thuốc chẹn kênh Calci bao gồm:

- Người bị suy tim nặng

- Rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp tim chậm dưới 50 nhịp/phút, bệnh nhân block nhĩ thất, suy nút xoang,...

- Bệnh nhân bị sốc tim

- Người bị hẹp động mạch chủ

- Có bệnh cơ tim phì đại

Ngoài ra, thuốc cần phải được sử dụng thận trọng cho các trường hợp bệnh nhân bị táo bón và bị phù chân nặng trước đó.

Thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp và những điều cần biết - Ảnh 2.

Suy tim nặng là một trong các chống chỉ định của thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp (Ảnh: Internet)

4. Một số dạng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp phổ biến

Hiện nay, có rất nhiều thuốc thuộc nhóm thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp. Tùy từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Có thể tham khảo như:

- Amlodipine: Dùng thuốc khởi đầu với liều 2,5mg/ngày, sau đó duy trì liều từ 5-10mg/ngày, sử dụng thuốc duy nhất một lần trong ngày.

Felodipine.: Khởi đầu điều trị với liều 2,5mg/ngày, sau đó duy trì liều hằng ngày ở mức 5-20mg, sử dụng thuốc duy nhất một lần mỗi ngày.

- Lacidipine: Khởi đầu điều trị với liều 2mg/ngày, tăng dần liều lên đến 2-6mg duy trì hằng ngày, dùng thuốc một lần mỗi ngày.

- Nifedipine: Dùng thuốc khởi đầu với liều 15mg/ngày, sau đó duy trì liều hằng ngày từ 30-90mg, dùng thuốc duy nhất một lần mỗi ngày.

- Diltiazem: Khởi đầu với liều 120mg, duy trì liều hằng ngày từ 240-360mg.

Verapamil: Bắt đầu điều trị với liều 120mg, sau đó duy trì điều trị hằng ngày với liều 240-480mg.

**Lưu ý: Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, tránh dùng sai thuốc, dùng không đúng liều dẫn tới nguy hiểm cho sức khỏe.

5. Tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp

Cũng giống như việc sử dụng các loại thuốc khác, việc sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp cũng khiến bệnh nhân phải đối mặt với một số nguy cơ tác dụng phụ nhất định. Những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp kể đến như:

- Nhịp tim chậm: Có thể gặp khi sử dụng thuốc chẹn kênh Calci không phải nhóm DHP. Các thuốc này tác dụng ưu thế trên tim, gây chậm dẫn truyền nhịp tim nên làm nhịp tim chậm đi. Khi gặp tác dụng phụ này cần phải xem xét giảm liều sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp để tránh xảy ra block nhĩ thất.

- Đỏ bừng mặt: Đỏ bừng mặt khi sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp thường do tác dụng giãn mạch của thuốc gây nên. Đây là tác dụng phụ không nguy hiểm và thường sẽ mất đi theo thời gian. Vì vậy người bệnh không cần quá lo lắng mà vẫn nên kiên trì thực hiện y lệnh điều trị.

Thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp và những điều cần biết - Ảnh 3.

Đỏ bừng mặt là tác dụng phụ khá thường gặp khi sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp (Ảnh: Internet)

- Phù chân: Giãn mạch khi sử dụng thuốc chẹn kênh Calci làm dịch trong lòng mạch thoát ra ngoài khoảng kẽ và gây phù, vị trí phù thường thấy là ở mắt cá chân. Nếu có phù xảy ra, người bệnh có thể được xem xét thay thế thuốc chẹn kênh Calci bằng thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể Angiotensin 2 để điều trị.

- Hạ huyết áp có triệu chứng: Hạ huyết áp quá mức khi sử dụng thuốc có thể gây nên một số biểu hiện của hạ huyết áp như chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi,... Khi này cần giảm liều thuốc để điều chỉnh huyết áp về mức phù hợp với bệnh nhân.

- Táo bón: Thuốc chẹn kênh Calci gây ức chế hoạt động của cơ trơn, do đó nó gây giảm trương lực và giảm giảm sức co của cả các cơ trơn trên thành của ống tiêu hóa. Điều này dễ gây nên tình trạng táo bón ở người bệnh hoặc làm nặng nề hơn tình trạng táo bón đã có sẵn từ trước đó.

Qua đây có thể thấy rằng, thuốc chẹn kênh Calci là một nhóm thuốc chữa tăng huyết áp hiệu quả và được sử dụng rất phổ biến. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc chẹn kênh Calci chữa tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ đã đề ra.


Tác giả: QN