Sở Y tế Khánh Hòa đã thông báo kết quả phân lập từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là Salmonella group, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh, trong đó ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.
Có thể tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Salmonella thường gây bệnh tiêu chảy nhiều nhất, ngoài ra có các loại Salmonella khác – Salmonella Typhi và Salmonella Paratyphi – gây sốt thương hàn và phó thương hàn.
CDC ước tính vi khuẩn Salmonella gây ra khoảng 1,35 triệu ca nhiễm trùng, 26.500 ca nhập viện và 420 ca tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm và thực phẩm là nguồn gốc của hầu hết các bệnh này.
Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây nghiêm trọng. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy có thể ra máu, sốt và co thắt dạ dày.
Hầu hết mọi người hồi phục trong vòng 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Nhưng một số người bị tiêu chảy nặng có thể phải nhập viện hoặc dùng thuốc kháng sinh.
Đối với nhiễm khuẩn Salmonella xâm lấn có thể nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng, những trường hợp này xảy ra ở khoảng 8% những người bị nhiễm khuẩn Salmonella được phòng thí nghiệm xác nhận.
Có thể xảy ra các tình trạng như:
+ Nhiễm trùng máu
+ Viêm màng não (nhiễm trùng màng lót não và tủy sống)
+ Viêm tủy xương (nhiễm trùng xương)
+ Viêm khớp nhiễm trùng (nhiễm trùng khớp)
Hiếm khi gây tử vong, nhưng thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc cao tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Đọc thêm:
+ Nghiên cứu mới: Làm điều này giúp bạn giảm 99% nguy cơ ngộ độc thực phẩm
+ Ba loại thực phẩm nhiều độc tố phổ biến trong gia đình Việt, cẩn thận khi chế biến tránh ngộ độc
Một số người có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn Salmonella nghiêm trọng hơn. Những người này bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một số tình trạng bệnh lý (chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh gan hoặc thận và ung thư).
Nhiễm khuẩn Salmonella phổ biến hơn trong các tháng mùa hè (tháng 6, 7 và 8) so với mùa đông.
Chúng ta có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella từ nhiều loại thực phẩm , bao gồm thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn.
Một số đợt bùng phát Salmonella gần đây khiến nhiều người bị bệnh ở nhiều bang ở Hoa Kỳ có liên quan đến thịt gà, gà tây xay, thịt bò xay, cá ngừ sống, nấm, hành tây, đào, đu đủ, trái cây cắt miếng, hạt điều và sốt tahini.
Thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn cũng lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người khác và động vật.
Ngay cả vật nuôi và động vật mà bạn có thể tiếp xúc tại vườn thú, trang trại, hội chợ, trường học và nhà trẻ cũng có thể mang vi khuẩn Salmonella và các vi trùng có hại khác.
Tuân thủ 10 nguyên tắc an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế để phòng bệnh:
- Chọn thực phẩm an toàn
- Nấu kỹ thức ăn
- Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
- Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
- Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn
- Không để lẫn thực phẩm sống và chín
- Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ
- Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ
- Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác
- Sử dụng nguồn nước sạch
Theo đó, vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Ischool Nha Trang xảy ra ngày 17/11 (như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin). Các em bị ngộ độc trong lứa tuổi từ 7 tuổi đến 16 tuổi.
Sau khi ăn bữa cơm trưa ngày 17/11 tại trường, nhiều em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, sốt, buồn nôn, nôn... nên được đưa đến các bệnh viện trong TP. Nha Trang. Ban đầu các bệnh viện điều trị cho hơn 100 em. Nhưng số học sinh nhập viện rải rác ngày càng tăng.
Qua báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, thống kê đến trưa 20/11, tổng số ca nhập viện điều trị nội trú là 360 ca. Tổng số ca đã xuất viện là 93 ca. Tổng số ca đang điều trị tại các bệnh viện ở Nha Trang là 266 ca.
Trong số các em đang điều trị, có 21 trường hợp nặng, cần phải theo dõi tích cực.
Đối với một trường hợp đã tử vong ngày 20/11 được xác định là em L.Z.X (sinh năm 2016, học lớp 1).
Bệnh nhân này nhập viện ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng. Đến chiều tối 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím và được các bác sĩ hồi sức tích cực.
Đến sáng 20/11, bệnh nhân li bì, sốt 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản, dấu hiệu suy đa phủ tạng… Trên đường chuyển viện vào TP.Hồ Chí Minh thì bệnh nhân tử vong.