Thực hiện các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm cần nhớ nguyên tắc gì?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Thực hiện các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm cần nhớ nguyên tắc gì?
Thực hiện đều đặn các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm hàng ngày sẽ giúp giảm đau, hỗ trợ điều trị bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên có những nguyên tắc quan trọng khi tập luyện người bệnh cần lưu ý để tránh gây chấn thương, đau đớn nhiều hơn.

Vận động, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý là điều kiện lý tưởng giúp chúng ta có sức khỏe tốt, cơ thể dẻo dai, săn chắc. Với người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cũng vậy, tập luyện, thực hiện các bài tập thoát vị đĩa đệm hàng ngày sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn. 

Đặc biệt là ở giai đoạn đầu mắc bệnh, các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm phù hợp sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe, thậm chí có thể dần dần chữa khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật. 

Tốt nhất trước khi bắt đầu thực hiện bài tập chữa thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần thăm khám và xin ý kiến, hướng dẫn của bác sĩ về các hình thức vận động phù hợp với sức khỏe của mình. Cùng với đó, người bệnh cũng cần lưu ý tới những nguyên tắc tập luyện quan trọng sau đây:

1. Lựa chọn bài tập chữa thoát vị đĩa đệm phù hợp với sức khỏe

Không phải bài tập, vật lý trị liệu nào cũng áp dụng được với tất cả những người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Bệnh thoát vị đĩa đệm chia thành nhiều loại với các mức độ khác nhau, vì vậy, vận động vừa sức, lựa chọn bài tập phù hợp là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm lưng thì không thể tập trung vào các bài tập thoát vị đĩa đệm cổ được.

Biên độ và cường độ tập luyện cũng cần phù hợp với sức khỏe của người bệnh. Tốt nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm phù hợp nhất. 

Việc tập luyện cần thực hiện đều đặn, đúng động tác, không tự ý biến thể bài tập theo ý muốn bản thân.

2. Tập đúng, đủ động tác và lắng nghe cơ thể mình

Trước khi tập luyện các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm, bạn nên khởi động làm nóng cơ thể bằng cách động tác căng dãn cơ. Việc khởi động cẩn thận sẽ giúp bạn tránh được cảm giác đau trong những lần tập đầu tiên, đồng thời lưu thông khí huyết giúp hiệu quả tập luyện tốt hơn.

Trong khi tập luyện, hãy kết hợp với nhịp thở đều đặn. Hít thở sâu sẽ giúp tăng lượng oxy vào cơ thể. Thở ra từ từ, nhẹ nhàng để điều hòa khí huyết. Nếu cảm thấy đau khi tập, hãy dừng lại ngay để tìm hiểu vị trí và nguyên nhân gây đau cho cơ thể, không cố gắng tập có thể gây chấn thương đáng tiếc.

Bệnh thoát vị đĩa đệm do nhiều nguyên nhân gây ra như: tổn thương cột sống, lao động, làm việc quá sức, tập luyện thể dục thể thao sai tư thế… và nhiều nguyên nhân thứ yếu khác. Vì vậy, ngay từ những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bạn cũng cần phải điều chỉnh cho đúng chuẩn, không riêng gì tập luyện các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm đúng cách, phù hợp với sức khỏe và thể trạng.

3. Tránh các bài tập có động tác vặn mình

Nếu để ý tìm hiểu các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm l4 l5 chuẩn, bạn sẽ thấy không hề có động tác vặn mình. Nguyên nhân là động tác này có thể khiến đĩa đệm ở cột sống thắt lưng dễ bị lệch nhiều hơn, tăng thêm tình trạng thoái hóa, đặc biệt với những người bị thoát vị đĩa đệm lưng nặng. 

Hình dung cụ thể hơn, chúng ta sẽ thấy rằng, ở những người bị thoát vị đĩa đệm lưng, đĩa đệm vốn đã bị chệch ra ngoài quỹ đạo chuẩn, nay bạn thường xuyên tập các động tác vặn mình sang trái, sang phải vô hình chung sẽ tạo thêm lực đẩy khiến đĩa đệm lệch nhiều hơn. Cùng với đó, áp lực lớn khi tập luyện cũng sẽ tác động lên bề mặt sụn của đĩa đệm khiến vị trí này bị thoái hóa nhanh hơn.

4. Hạn chế các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm tư thế ngồi xổm, hạ thấp trọng tâm

Động tác hạ thấp trọng tâm, ngồi xổm rất tốt cho vóc dáng, đặc biệt là vòng 3, giúp cho đùi và bắp chân săn chắc, khớp gối cũng linh hoạt hơn. Nhưng điểm qua các bài tập chữa thoát vị đĩa đệm từ thông thường tới chuyên biệt, chúng ta có thể thấy không hề xuất hiện động tác này.

Tư thế ngồi xổm sẽ làm tăng áp lực lên phần cột sống và đĩa đệm. Ngồi xổm lâu, đứng lên ngồi xuống liên tục sẽ khiến đĩa đệm bị chèn ép nhiều, không đủ thời gian cần thiết để hấp thụ chất dinh dưỡng. Thiếu hụt dinh dưỡng và áp lực lớn khiến cho đĩa đệm trở nên yếu hơn, dễ bị thoát vị, sưng đau khó chịu. Khi bị thoát vị đĩa đệm mà vẫn thường xuyên ngồi xổm, vô tình bạn đã làm cho bệnh khó có cơ hội phục hồi, tăng cảm giác đau đớn cho thân dưới.

Ngoài việc phải hạn chế ngồi xổm lâu, người bệnh cũng cần tránh các động tác có biên độ vận động nhanh, các bài tập cần phải chạy nhảy nhiều. Các động tác vận động mạnh sẽ làm tăng cảm giác đau ở các vị trí thoát vị đĩa đệm, có thể làm cho bệnh nặng hơn. Vì vậy, với những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, các bài tập như nhảy dây, chạy bộ, bóng chuyền, bóng rổ, aerobic… cần tuyệt đối tránh.


Tác giả: hoangtrang