Bệnh nhân ung thư vòm họng nên ăn gì?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Bệnh nhân ung thư vòm họng nên ăn gì?
Người bị ung thư vòm họng rất khó ăn, khó nuốt trong khi đó việc điều trị bằng thuốc và hóa chất lại gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Duy trì thực đơn cho người ung thư vòm họng có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường thể trạng, hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị của bệnh nhân.

Ung thư vòm họng là sự phát triển của các khối ung thư trong họng, thanh quản, amiđan. Điều trị ung thư họng thường liên quan đến xạ trị liệu, có thể dẫn đến viêm họng và miệng, họng đau nhức hoặc nóng rát rất khó ăn uống. Vì thế cần phải có thực đơn cho người ung thư vòm họng tốt nhất để nâng cao thể trạng cho người bệnh.

1. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, chẳng hạn như:

- Giới tính: nam giới thường có nguy cơ cao mắc bệnh này;

- Chủng tộc: loại ung thư này thường xuất hiện ở các khu vực Trung Quốc, Đông Nam Á và Bắc Phi;

- Tuổi tác: bệnh thường xảy ra ở người lớn trong độ tuổi từ 30 và 50;

- Những thực phẩm chứa muối: chế độ ăn nhiều cá và thịt muối khi còn trẻ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn;

- Virus Epstein-Barr : virus này liên quan đến một số bệnh ung thư hiếm gặp, trong đó có ung thư vòm họng;

- Bệnh sử gia đình: nếu thành viên trong gia đình bị ung thư vòm họng, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ tăng lên;

- Rượu và thuốc lá: nếu bạn uống hoặc hút một lượng lớn các chất này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Thực đơn cho người ung thư vòm họng cần bổ sung những gì?

Do quá trình điều trị ung thư vòm họng có sự ảnh hưởng nhất định đến các cơ quan khác, bao gồm cả tiêu hóa nên việc ăn uống của người bệnh thường khó khăn hơn. Do đó, để dễ hấp thụ thức ăn, bệnh nhân nên chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày theo thực đơn cho người ung thư vòm họng tốt nhất sau đây:

- Bệnh nhân có thể ăn 5 – 6 bữa nhỏ một ngày thay vì 3 bữa chính như những người bình thường.

- Bệnh nhân ung thư vòm họng thường bị khó nuốt nên cần lựa chọn những loại thực phẩm mềm, chế biến dạng nhừ để dễ ăn.

Một số loại thực phẩm bệnh nhân ung thư vòm họng nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày là:

- Các loại cháo, súp lỏng đều rất phù hợp cho những người bị ung thư họng.

- Các loại nước ép trái cây không chứa hàm lượng acid cao. Một số loại nước ép mà bệnh nhân ung thư vòm họng có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày là nước ép dưa hấu, đu đủ…

- Các loại thịt mềm như: cá, thịt gia cầm không da, thịt bò thăn, trứng… là những loại thực phẩm cung cấp lượng đạm cần thiết cho cơ thể người bệnh

- Rau xanh cung cấp chất xơ cần thiết cho người bệnh. Một số loại rau xanh bệnh nhân nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày là súp lơ xanh, cải ngọt, rau ngót, bina…

- Các loại ngũ cốc tinh chế, pho mát, phô mai cũng là những thực phẩm tốt trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư vòm họng.

3. Những lưu ý trong thực đơn cho người ung thư vòm họng

Người bệnh ung thư vòm họng cần lưu ý nên loại bỏ ra khỏi thực đơn những thực phẩm nào cứng, cay hoặc khó nhai và nuốt.

Nên chia bữa ăn trong ngày thành 5 hoặc 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa ăn lớn. Việc ăn những bữa ăn nhỏ hơn có thể giúp bạn dễ ăn, hấp thu được nhiều dinh dưỡng hơn.

Bạn hãy xay nhỏ món ăn thành dạng súp, xốt lỏng để ăn nuốt cho dễ và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Hầu hết các loại đồ uống người bệnh đều có thể sử dụng, tuy nhiên người bệnh nên tránh xa đồ uống nóng, rượu và nước ép trái cây có chứa hàm lượng a-xít cao, chẳng hạn như nước ép cà chua, nước chanh và nước cam, nếu miệng đau nhức.

Những loại thực phẩm hạn chế ăn trong thực đơn cho người ung thư vòm họng có quá nhiều đường, thực phẩm chế biến mặn

Bệnh nhân ung thư vòm họng có nguy cơ nhiễm trùng cao, đặc biệt là khi ung thư vòm họng di căn đến xương, tủy… nên người bệnh cần tránh ăn các đồ sống, tái, chần mà chỉ ăn các thực phẩm đã được nấu chín kỹ.

Trên đây chỉ là những thông tin tham khảo về thực đơn cho người ung thư vòm họng. Thực tế, ăn uống cho bệnh nhân ung thư vòm họng như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để tìm cho mình chế độ ăn phù hợp nhất với thể trạng, bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn trực tiếp của bác sĩ điều trị.


Tác giả: Lan Dương