Thừa vitamin A có thể gây nhiễm độc gan và quái thai

Thừa vitamin A có thể gây nhiễm độc gan và quái thai
Thừa vitamin A do bổ sung không đúng cách và không có chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ra những tác dụng phụ cho cơ thể chẳng hạn như hiện tượng nhiễm độc gan do không đào thải được gây ra đau cơ, sưng khớp,..

Bổ sung vitamin A có thể được sử dụng qua đường uống bằng viên nang hoặc viên nén. Việc bổ sung vitamin A cần có sử chỉ dẫn của bác sĩ tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra. Mỗi một độ tuổi khác nhau thì nhu cầu bổ sung vitamin A cũng khác nhau.

Vậy thừa vitamin A gây hại tới cơ thể như thế nào?

1. Nhiễm độc gan

Vitamin A là dạng vitamin tan trong đầu, có thể được lưu trữ trong gan một thời gian dài. Liều lượng vitamin A thích hợp thường không tác động đến gan. Nhưng thừa vitamin A ở liều cao hơn (thường là hơn 40.000 IU mỗi ngày, ~ 12.000 g) có thể gây ngộ độc. 

- Nhiễm độc gan cấp tính gây ra bởi bổ sung một hoặc vài liều vitamin A rất cao (thường gấp 100 lần lượng khuyến nghị) lặp đi lặp lại trong vài ngày đến vài tuần. 

Triệu chứng điển hình của nhiễm độc gan cấp tính do thừa vitamin A là đau đầu dữ dội, buồn nôn, chóng mặt, mờ mắt, đau cơ và thiếu phối hợp , tiếp theo là bong tróc da và rụng tóc. Quá liều nghiêm trọng có thể gây tăng áp lực nội sọ, buồn ngủ tiến triển và hôn mê.

- Nhiễm độc gan mãn tính thường phát sinh từ 3 tháng đến nhiều năm sau khi bắt đầu sử dụng lượng vitamin A ở mức độ vừa phải (thường gấp 10 lần lượng khuyến nghị). Triệu chứng điển hình của nhiễm độc gan mãn tính do thừa vitamin A là da khô và bong tróc, viêm nướu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, trầm cảm và xét nghiệm gan bất thường. 

Vitamin A liều cao gây độc trực tiếp đến gan bởi vitamin A dư thừa được lưu trữ trong các tế bào sao trong gan. Sự tích tụ vitamin A  có thể dẫn đến việc kích hoạt và phì đại gan, sản xuất collagen dư thừa, xơ hóa và tổn thương gan. Các bệnh về gan do thừa vitamin A thường là sưng gan, xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

2. Quái thai

Vitamin A, khi được sử dụng trong thai kỳ, rất hữu ích trong việc biệt hóa tế bào và là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của em bé, nhưng quá nhiều vitamin A có thể gây hại. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nếu người mẹ tiêu thụ quá nhiều vitamin A trong những tháng đầu mang thai có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở thai nhi.

Theo thống kê, nếu phụ nữ mang thai tiêu thụ hơn 10.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày (gấp 4 lần lượng khuyến cáo) từ thực phẩm, hoặc thuốc bổ sung, hoặc cả 2, thì thai nhi có khả năng sinh ra bị dị tật ở đầu, tim, não và tủy sống.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy liều lượng thừa vitamin A càng cao thì nguy cơ càng lớn. Bà bầu tiêu thụ hơn 10.000 đơn vị vitamin A có nguy cơ sinh ra trẻ bị dị tật cao hơn 2,4 lần so với những bà bầu chỉ tiêu thụ 5000 đơn vị vitamin A trở xuống. Những thai nhi tiếp xúc với hơn 20.000 đơn vị vitamin A trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ có nguy cơ sinh ra bị khuyết tật sứt môi, hở hàm ếch, tràn dịch não và dị tật tim lớn cao hơn 4 lần bình thường.

Vì vitamin A được lưu trữ trong cơ thể trong thời gian dài, những phụ nữ tiêu thụ thừa vitamin A trước khi mang thai cũng có thể khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật. 

Tin vui là beta-carotene (một dạng tiền vitamin A, cơ thể có thể chuyển đổi thành vitamin A để sử dụng) không liên quan đến việc tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai không cần phải lo lắng về việc ăn quá nhiều rau và trái cây giàu beta-carotene hoặc uống bổ sung thuốc có chứa beta-carotene. Bởi cơ thể sẽ không chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A vượt ngưỡng an toàn.

Ngoài 2 căn bệnh trên, dư thừa vitamin A còn bị nghi ngờ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Vitamin A giúp duy trì các mô và biểu mô. Nó cũng rất quan trọng đối với sự ổn định của lysosome và tổng hợp glycoprotein. Vai trò phòng chống ung thư biểu mô của beta-carotene, retinol và retinoids đang được nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy, nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cũng có thể tăng lên sau khi bổ sung thừa vitamin A dạng beta-carotene.

Nguồn dịch: https://livertox.nlm.nih.gov/VitaminARetinoids.htm

Tác giả: Mai Nhung