Iot là một chất vi lượng trong cơ thể, mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các chất khác nhưng nó lại là yếu tố quan trọng hàng đầu để cơ thể sản xuất hormon tuyến giáp có vai trò điều hòa sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể cả về thế chất và trí tuệ, điều hòa sự trao đổi chất, điều hòa nhiệt độ,...
Nhu cầu sử dụng iot của một người trưởng thành thông thường khoảng 150mcg/ngày, có thể thay đổi tùy theo tuổi hoặc một số trạng thái sức khỏe đặc biệt. Tuy nhiên trong tự nhiên, khá ít loại thực phẩm có chứa iot dồi dào để có thể cung cấp đủ nhu cầu iot cho cơ thể, vì vậy người ta thường hay sử dụng các loại chế phẩm tổng hợp để bổ sung iot (phổ biến hàng đầu là muối ăn).
Khi sử dụng iot nhiều hơn lượng nhu cầu của cơ thể có thể gây nên hiện tượng thừa iot.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên hiện tượng thừa iot như sử dụng nhiều thực phẩm chứa iot (rong biển, hải sản,...), sử dụng nhiều các chế phẩm bổ sung iot, sử dụng các loại dược phẩm làm tăng hàm lượng iot, các kỹ thuật y tế có sử dụng iot (chụp xạ hình tuyến giáp,...).
Khi cơ thể được cung cấp một lượng iot quá nhiều vượt ngoài khả năng hấp thụ sẽ có thể gây nên các biểu hiện của thừa iot. Những biểu hiện của thừa iot có thể sẽ khác nhau ở các bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ thừa iot nhiều hay ít, thời gian kéo dài hay ngắn, và một số bệnh lý đi kèm.
- Thừa iot mức độ nhẹ: Những bệnh nhân có thừa iot ở mức độ nhẹ có thể biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn, buồn nôn,... hoặc có cảm giác bỏng rát ở miệng, họng, dạ dày.
- Thừa iot mức độ nặng: Khi lượng iot đưa vào quá nhiều khiến bệnh nhân thừa iot mức độ nặng có thể gây nên các biểu hiện cấp tính nặng như phù nề đường thở gây cản trở hô hấp, da niêm có mầu xanh tái, mạch yếu khó bắt, thậm chí có thể đưa đến trạng thái hôn mê.
- Các biểu hiện của cường giáp: Sự cung cấp thừa iot sẽ khiến tuyến giáp hoạt động quá mức sản xuất nhiều hormon tuyến giáp. Điều này có thể gây nên các biểu hiện của cường giáp như thân nhiệt cao, nhịp tim tăng, lo lắng bồn chồn, gầy sút cân, mắt có thể lồi,...
Thừa iot khi phối hợp với một số tình trạng cơ thể đặc biệt có thể sẽ gây nên các hậu quả trầm trọng hơn so với khi thừa iot trên một người khỏe mạnh bình thường. Các yếu tố nguy cơ có thể làm trầm trọng thêm nguy hiểm khi thừa iot kể đến như:
- Người có các bệnh lý tuyến giáp: Người mắc các bệnh lý tuyến giáp làm tuyến giáp hoạt động không bình thường như bệnh lý viêm giáp Hashimoto, bệnh Graves,...
- Người đã từng phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp.
- Người mắc một số bệnh tim mạch như suy tim, tăng huyết áp,... hoặc một số bệnh lý hệ thống khác.
Nhìn chung thừa iot không quá nguy hiểm với sức khỏe so với thiếu iot do thiếu iot có thể gây nên các tổn thương não bộ vĩnh viễn không hồi phục. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là thừa iot không nguy hiểm và ta có thể bỏ qua nó.
Thông thường người bị thừa iot nên được đưa đến cơ sở y tế để tiến hành điều trị. Tại đây người ta có thể cho bệnh nhân sử dụng than hoạt tính để hấp thụ bớt hàm lượng iot dư thừa trong cơ thể người bệnh. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng có trên người bệnh và theo dõi tình hình diễn tiến để có các xử trí kịp thời.
Trên đây là giới thiệu về các biểu hiện thường gặp trên bệnh nhân thừa iot cũng như cách xử trí khi có thừa iot xảy ra. Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh chỉ nên sử dụng iot trong khoảng nhu cầu của cơ thể.
Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/iodine-poisoning#treatment