Thừa cân béo phì ở trẻ: Nguyên nhân, cách phòng ngừa

Thừa cân béo phì ở trẻ: Nguyên nhân, cách phòng ngừa
Thừa cân béo phì ở trẻ là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại, khiến nhiều cha mẹ đau đầu loay hoay đi tìm nguyên nhân và cách khắc phục.

Thừa cân béo phì là tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể do hậu quả của sự mất cân bằng năng lượng, trong đó năng lượng đưa vào vượt quá năng lượng tiêu hao. Thừa cân béo phì có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người lớn.

Ảnh 1.

Ảnh: Internet

1. Nguyên nhân gây tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị thừa cân béo phì, trong đó phổ biến là do yếu tố môi trường sống hoặc gen di truyền.

Trong đó, yếu tố môi trường sống bao gồm chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực được coi là nguyên nhân chủ yếu gây ra thừa cân béo phì ở trẻ. Khi năng lượng nạp vào lớn hơn năng lượng tiêu hao, phần dư thừa đó sẽ được chuyển hoá thành mỡ tích tụ trong cơ thể, đặc biệt là với chế độ ăn giàu chất béo, sử dụng nhiều nước ngọt có ga...

Ảnh 2.

Chế độ ăn nhiều chất béo, nước ngọt có ga là nguyên nhân gây thừa cân béo phì ở trẻ (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, không hoạt động thể dục thể thao và ít vận động cũng làm giảm lượng năng lượng tiêu hao hàng ngày, gây nên tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển, việc trẻ lười vận động ở trẻ trở nên ngày càng phổ biến.

Bên cạnh đó, rối loạn hormon tăng trưởng cũng là nguyên nhân gây thừa cân béo phì ở trẻ. Hormon tăng trưởng có liên quan đến hoạt động tiêu mỡ, diễn ra mạnh mẽ khi ngủ. Do đó, việc thiếu ngủ ở trẻ có khả năng làm rối loạn các hormon, gây mất cảm giác no hoặc tăng cảm giác thèm ăn.

Yếu tố di truyền và bẩm sinh cũng là nguyên nhân gây thừa cân béo phì ở trẻ. Trẻ có bố mẹ bị thừa cân béo phì hoặc sinh ra với cân nặng cao thường có nguy cơ mắc thừa cân béo phì cao hơn bình thường. 

2. Làm gì với tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ?

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, gia đình có thực hiện các biện pháp sau để góp phần giảm tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ

Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn lành mạnh với lượng chất béo, đường và tinh bột giảm có thể có tạo nên kết quả tốt. Đồng thời, mẹ nên tăng cường lượng rau xanh, cân đối thời gian giữa các bữa ăn sao cho hợp lí. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tránh hạn chế ăn uống quá mức gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Ảnh 3.

Chế độ ăn uống hợp lí là biện pháp làm giảm tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ (ẢNh: Internet)

Tăng cường vận động, tập thể dục thể thao: Lựa chọn hình thức vận động phù hợp và giảm bớt thời lượng sử dụng các thiết bị điện tử là biện pháp hữu hiệu. Mẹ cần động viên, tạo hứng thú cho bé trong quá trình vận động để đạt được hiệu quả cao nhất.

Thăm khám bác sĩ: Để có phương pháp điều trị phù hợp nhất, nên đưa trẻ tới khám và xin lời khuyên từ bác sĩ. Việc điều trị bằng thuốc và phẫu thuật chỉ được thực hiện đối với người lớn.

3. Phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ

Thừa cân béo phì ở trẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với tập luyện thường xuyên. Vì vậy, ngay từ nhỏ, mẹ nên tạo cho bé thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn ngủ điều độ để tránh các nguy cơ gây thừa cân béo phì. Thực đơn hàng ngày của trẻ cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo lượng chất dinh dưỡng và năng lượng đi vào cơ thể phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Ảnh 4.

Ảnh: Internet

Ngay trong quá trình mang thai, mẹ cũng cần được chăm sóc tốt để đảm bảo sự phát triển khoẻ mạnh của thai nhi.

Theo PGS.BS. Đào Ngọc Diễn

Tác giả: Bùi Thảo Ngân