Thông tin từ A đến Z về bệnh sùi mào gà ở lưỡi

Thông tin từ A đến Z về bệnh sùi mào gà ở lưỡi
Sùi mào gà ở lưỡi là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời u nhú ở lưỡi có thể lan rộng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây ung thư vòm họng.

Sùi mào gà ở lưỡi thường không phổ biến nhưng cần phải đặc biệt lưu ý virus gây bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và kiểm soát kịp thời.

1. Sùi mào gà ở lưỡi là gì?

Sùi mào gà, hay còn gọi là mụn cóc sinh dục, bệnh mồng gà là bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến do virus HPV gây ra. Sùi mào gà có thể gặp ở cả nam và nữ. Biểu hiện đặc trưng của bệnh này là các vết sùi nhỏ, mềm, có màu hồng tươi và nhô cao hơn vùng da hay niêm mạc xung quanh.

Các triệu chứng của bệnh sùi mào gà không chỉ xuất hiện ở cơ quan sinh dục mà còn có thể phát sinh ở miệng hoặc thậm chí ở lưỡi.

Sùi mào gà ở lưỡi ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn uống, sinh hoạt, tâm lý của người bệnh. Không những thế, sùi mào gà ở lưỡi nếu không được điều trị đúng cách có thể gây nhiễm trùng và biến chứng, thậm chí gây ung thư vòm họng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Sùi mào gà ở lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 1.

Sùi mào gà ở lưỡi là bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục do virus HPV gây ra - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Bệnh sùi mào gà ở nữ: Thông tin từ A đến Z về bệnh sùi mào gà

- Cách xét nghiệm bệnh sùi mào gà: Bao lâu thì xét nghiệm bệnh? Khi nào thì có kết quả?

2. Nguyên nhân gây ra sùi mào gà ở lưỡi

Nguyên nhân gây ra sùi mào gà ở lưỡi là do lưỡi tiếp xúc với virus HPV. Theo đó, cụ thể các nguyên nhân dẫn đến bệnh lý sùi mào gà ở lưỡi bao gồm các nguyên nhân sau đây:

- Quan hệ tình dục bằng miệng hoặc hôn người mắc bệnh.

- Sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải, son môi, thìa… với người nhiễm bệnh.

- Lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

- Virus HPV gây sùi mào gà tồn tại trong các nốt nhỏ, vì vậy khi tiếp xúc với dịch thông qua các hoạt động như ôm, dùng chung bồn tắm hoặc vô tình tiếp xúc với da…người bị nhiễm bệnh cũng có thể dẫn đến bệnh sùi mào gà ở lưỡi.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn tới sùi mào gà ở lưỡi. Do đó, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, với những trường hợp trẻ nhỏ bị sùi mào gà nhưng không phải do lây nhiễm từ người mẹ, trẻ có thể bị lạm dụng tình dục nên cần phải quan tâm trẻ và có cách xử lý kịp thời.

3. Triệu chứng của sùi mào gà ở lưỡi

Vì các nốt sùi xuất hiện ở lưỡi nên thường khó nhận biết và dễ nhầm sang các bệnh lý về họng. Tuy nhiên, sùi mào gà dù xuất hiện ở vị trí nào trên cơ thể thì hầu hết các triệu chứng đều tương tự nhau và thời gian ủ bệnh đều khoảng từ 2 - 9 tháng.

Các bác sĩ cho biết đối với các bệnh nhân mắc sùi mào gà ở lưỡi thì các giai đoạn phát triển của bệnh thường rõ rệt hơn, cụ thể:

- Giai đoạn đầu: Dấu hiệu nhận biết sùi mào gà ở lưỡi giai đoạn này là các hạt sần vẫn còn nhỏ, chỉ nổi li ti và thưa thớt ở nhiều vị trí. Các nốt sần này có thể là trên lưỡi, trong má, môi hay khoang miệng. Những dấu hiệu này tương đối giống với dấu hiệu của nhiệt miệng nên thường bị nhầm lẫn.

- Giai đoạn 2: Lúc này, các vết sần đã nổi nhiều hơn với kích thước lớn và lan rộng, dễ quan sát. Đồng thời, ở giai đoạn này chúng tạo thành các mảng màu hồng nhẹ hoặc màu trắng, có dạng như mào gà. Tuy nhiên, chúng không gây cảm giác đau đớn hay ngứa ngáy. Cần lưu ý, khi ăn uống, chúng rất dễ bị xước gây chảy mủ hoặc chảy máu.

- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn nặng nhất vì các nốt sần đã phát triển rất to kèm theo lở loét, cảm giác đau đớn, khó chịu. Ở giai đoạn này, khi người bệnh ăn uống, thức ăn va chạm với các nốt sần khiến chúng chảy dịch thì khả năng viêm nhiễm càng cao. Đồng thời, xuất hiện mùi hôi từ miệng. Trong một số trường hợp, các nốt sần lan ra ngoài miệng khiến bệnh nhân cảm thấy rất tự ti.

Sùi mào gà ở lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 2.

Sùi mào gà ở lưỡi giai đoạn đầu thường khó phát hiện - Ảnh Internet.

4. Các loại sùi mào gà ở lưỡi

Trên thực tế, sùi mào gà ở lưỡi không chỉ đơn thuần là các nốt sần xuất hiện trên lưỡi mà còn có những biểu hiện khác. Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong các triệu chứng là do giữa các chủng HPV gây ra bệnh sùi mào gà cũng có sự khác biệt.

Theo đó, các loại sùi mào gà ở lưỡi cũng như các vị trí khác thường gặp là:

- Dạng u nhú hình vảy: Dạng này là những tổn thương do chủng HPV-6 và HPV-11 gây ra và dễ quan sát bằng mắt do những vết sần sùi có hình dáng như súp lơ.

- Dạng mụn cóc : Dạng mụn cóc khá phổ biến và có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể như hậu môn, dương vật, âm đạo, lưỡi. Theo các thống kê, những vết sưng này thường xuất phát từ chủng HPV-2 và HPV-4.

- Bệnh Heck: Biểu hiện của dạng này là ở phần lưỡi các lớp biểu mô khu trú có triệu chứng sưng lên. Các nghiên cứu chỉ ra dạng này do HPV-13 và HPV-32 tạo ra.

- Bướu Condyloma: Bưới Condyloma là loại bướu thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất hiện ở lưỡi. Nguyên nhân là do người bệnh quan hệ tình dục bằng miệng với người mắc bệnh. Ở dạng này, chủng HPV-2, HPV-6 và HPV-11 là nguyên nhân gây nên những tổn thương cho người bệnh.

5. Ai dễ mắc sùi mào gà ở lưỡi?

Các nghiên cứu và các thống kê chỉ ra rằng các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sùi mào gà ở lưỡi chủ yếu là những đối tượng sau đây:

- Nam giới: Nam giới dễ mắc sùi mào gà ở lưỡi hơn các đối tượng khác vì nam giới thường có xu hướng tình dục bằng miệng.

- Những đối tượng có thói quen quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh.

- Những người lạm dụng rượu bia và thường xuyên sử dụng các chất kích thích.

- Những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ bị lây nhiễm bệnh.

6. Phương pháp điều trị sùi mào gà ở lưỡi

Hiện nay, bệnh lý sùi mào gà ở lưỡi có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc can thiệp các biện pháp xâm lấn tối thiểu. Tùy vào từng người bệnh cũng như vị trí, kích thước các nốt sùi, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

6.1. Điều trị sùi mào gà ở lưỡi bằng thuốc

Các loại thuốc điều trị sùi mào gà ở lưỡi được sử dụng nhằm ức chế virus, thu nhỏ kích thước nốt sùi và cải thiện các triệu chứng đi kèm ở người bệnh.

Theo đó, thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc để điều trị sùi mào gà ở lưỡi bao gồm:

- Interferon alpha – 2b: Loại thuốc này được sử dụng ở đường tiêm nhằm ức chế quá trình nhân đôi và tăng sinh tế bào của virus gây bệnh. Từ đó hạn chế việc gia tăng kích thước và xuất hiện các nốt sùi mới ở lưỡi.

- Inosine pranobex: Đây là loại thuốc thường được dùng ở dạng uống, có tác dụng chống virus.

- Cidofovir: Loại thuốc này có tác dụng chọn lọc tổng hợp DNA của virus, từ đó làm giảm tốc độ của quá trình nhân đôi virus gây bệnh. Thuốc này được dùng ở dạng pha tiêm tĩnh mạch.

Vì sùi mào gà xảy ra ở vị trí lưỡi nên thông thường được điều trị bằng các sử dụng thuốc tiêm hoặc uống vì nếu dùng thuốc bôi trong trường hợp này có thể gây lở loét và hoại tử niêm mạc lưỡi, miệng.

Lưu ý, mỗi người bệnh sẽ đáp ứng những loại thuốc khác nhau. Vì thế, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Sùi mào gà ở lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 1.

Thuốc điều trị sùi mào gà ở lưỡi thường ở dạng tiêm hoặc uống - Ảnh Internet.

6.2. Điều trị sùi mào gà ở lưỡi bằng can thiệp ngoại khoa

Khi điều trị bằng thuốc mà không hiệu quả thì điều trị sùi mào gà ở lưỡi cần có sự can thiệp ngoại khoa. Hiện nay, các thủ thuật trong điều trị ngoại khoa sùi mào gà ở lưỡi bao gồm các phương pháp sau đây:

- Đốt điện: Đây là thủ thuật sử dụng dao điện để loại bỏ các nốt sùi, tuy nhiên thủ thuật này có nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên ít được sử dụng.

- Áp lạnh bằng nito lỏng: Đây là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất khi điều trị sùi mào gà ở lưỡi bằng can thiệp ngoại khoa. Các thống kê chỉ ra rằng áp lạnh cho kết quả điều trị khả quan nhất với khoảng 60 – 90% bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh vẫn có nguy cơ tái phát vì không tác động đến virus.

- Liệu pháp quang động không xâm lấn (PDT): Đây là liệu pháp kết hợp giữa việc dùng thuốc với tia ánh sáng để loại bỏ những u sùi.

- Phẫu thuật: Trong trường hợp sùi có kích thước lớn, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u.

- Đốt laser: Đây là thủ thuật sử dụng tia laser để phá hủy nốt sùi ở lưỡi. Phương pháp này thường được kết hợp với việc dùng thuốc để tăng tác dụng điều trị bệnh lý này.

Cần lưu ý các thủ thuật ngoại khoa điều trị sùi mào gà ở lưỡi chỉ giúp loại bỏ nốt sùi do virus HPV gây ra nhưng không tác động đến nguyên nhân trực tiếp. Vì vậy, sùi mào gà ở lưỡi vẫn có nguy cơ tái phát sau vài năm. Để giảm thiểu nguy cơ tái phát, các bác sĩ thường chỉ định người bệnh kết hợp can thiệp ngoại khoa với việc sử dụng thuốc.

7. Phòng ngừa sùi mào gà ở lưỡi

Bệnh lý sùi mào ở lưỡi không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tâm lý của người bệnh mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ung thư. Chính vì vậy, tất cả mọi người cần có các biện pháp phòng ngừa thích hợp để bảo vệ bản thân.

Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa sùi mào gà ở lưỡi:

- Tránh quan hệ tình dục bằng miệng và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

- Không quan hệ tình dục bừa bãi, chỉ nên quan hệ với một bạn tình để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus HPV.

- Tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV.

- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải, khăn mặt, son môi...

- Thăm khám phụ khoa, nam khoa định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.

8. Một số câu hỏi liên quan tới bệnh sùi mào gà ở lưỡi

8.1. Sùi mào gà ở lưỡi gây biến chứng gì?

Sùi mào gà ở lưỡi gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường mặc cảm, e ngại trong giao tiếp...

Hơn nữa, biến chứng nguy hiểm của sùi mào gà ở lưỡi là virus HPV còn có thể lây lan khắp vòm họng và làm tăng nguy cơ hình thành khối u ác tính. Ngoài ra, sùi mào gà ở lưỡi còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư hậu môn, ung thư dương vật…

8.2. Bệnh sùi mào gà ở lưỡi có chữa được không?

Sùi mào gà ở lưỡi có chữa được không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo các bác sĩ, sùi mào gà nói chung và sùi mào gà ở lưỡi đều không có khả năng chữa trị triệt để, bệnh thường hay tái phát. Tuy nhiên với những trường hợp nốt sùi nhỏ, không gây khó chịu và ngứa ngáy, người bệnh có thể không phải tiến hành điều trị.

Ngược lại, trong trường hợp sùi phát triển lớn thành mào gà hoặc hoa súp lơ, người bệnh cần thoa thuốc và áp dụng các biện pháp can thiệp chuyên sâu để ức chế bệnh. Trong những trường hợp chẩn đoán và được điều trị sớm, sùi mào gà có thể ít tái phát và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân.

8.3. Sùi mào gà ở lưỡi kiêng ăn gì?

Có những thực phẩm khi người bệnh ăn sẽ khiến sùi mào gà nói chung, sùi mào gà ở lưỡi nói riêng trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, khi bị bệnh, cần kiêng nhóm thực phẩm này.

Cụ thể, sùi mào gà ở lưỡi nên kiêng:

- Đồ ăn cay nóng.

- Hải sản.

- Chất kích thích.

- Thực phẩm ăn nhanh, chiên rán.

8.4. Sùi mào gà ở lưỡi nên ăn gì?

Bên cạnh việc kiêng những thực phẩm trên, người bệnh nên tăng cường vào trong thực đơn dinh dưỡng của mình những thực phẩm sau:

- Tỏi.

- Nhóm thực phẩm giàu vitamin C.

- Nhóm thực phẩm giàu vitamin B12.

- Sữa ong chúa.

Sùi mào gà ở lưỡi là tình trạng không phổ biến nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần hiểu được sự nghiêm trọng của bệnh lý sùi mào gà ở lưỡi và thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh. Nếu nghi ngờ mắc bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn và điều trị sớm nhất.


Tác giả: Ngọc Điệp