Dùng máy sưởi có nên mở cửa không, dùng máy sưởi bật liên tục cả đêm có hại không hay máy sưởi để cạnh giường có sao không,... là rất nhiều băn khoăn khi sử dụng quạt sưởi hay máy sưởi thường gặp. Dưới đây là một số thông tin cần chú ý để sử dụng máy sưởi đúng cách.
Ngoài điều hòa hai chiều thì trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy sưởi bằng điện, chẳng hạn như máy sưởi dây mayso, máy sưởi đèn Halogen, máy sưởi gốm, máy sưởi dầu (diathemic oil) với các mức giá thành và kích thước máy sưởi khác nhau. Tùy từng không gian phòng mà bạn có thể lựa chọn máy sưởi phù hợp.
Vào mùa lạnh, ngủ trong phòng đủ ấm có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ có khả năng điều chỉnh thân nhiệt kém. Phòng đủ ấm và đủ ấm giúp bạn ngủ sâu giấc hơn, thư giãn cơ thể hiệu quả để bắt đầu ngày mới vào hôm sau.
Đọc thêm:
+ 9 thực phẩm giúp giữ ấm cơ thể và tăng cường miễn dịch vào mùa đông
+ Ngạt khí sưởi: Hiểm họa chết người, cách xử lý và phòng tránh ngạt khí
Các lưu ý khi sử dụng máy sưởi bao gồm:
- Không sử dụng máy sưởi trong không gian kín: Điều đáng lo ngại nhất của các loại quạt sưởi bằng đèn halogen hay hồng ngoại là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc khí carbon monoxide. Do một số cấu trúc của máy sưởi mà có những loại máy sẽ đốt oxy trong phòng, nếu bật liên tục có thể dẫn tới thiếu oxy và gây hại cho người dùng nếu phòng không có hệ thống thông gió thích hợp, sử dụng lâu dài có thể dẫn đến không đủ oxy, dẫn đến ngộ độc khí carbon monoxide.
Carbon monoxide là một loại khí không màu, không mùi, con người không thể phát hiện được và có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể con người nếu hít phải trong thời gian dài. Vì vậy, khi sử dụng máy sưởi, hãy mở hé cửa ra vào để duy trì sự lưu thông không khí trong phòng. Hoặc tốt nhất là bạn nên chọn loại máy sưởi dầu sử dụng công nghệ làm nóng dầu khép kín, không đốt cháy oxy, giữ không khí trong phòng luôn thông thoáng.
- Đặt máy sưởi tránh xa các vật dụng dễ cháy, nổ: Do vận hành bằng nguyên lý dùng điện năng chuyển thành nhiệt năng ở mức cao nên khi bật máy sưởi, cần để xa các vật dụng dễ cháy bao gồm cả ga trải giường, vật dụng bằn vải, giấy hoặc các vật liệu dễ cháy khác.
Khoảng cách được các hãng khuyến nghị thường trên 1,5 mét - 2 mét. Đặt ở gần cửa sổ sẽ giúp khí từ máy sưởi làm ấm không khí lạnh từ cửa vào hoặc ở góc phòng; tránh đặt ở những vị trí bị che khuất bởi các vật dụng khác cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng tỏa nhiệt của máy. Bạn cũng có thể hỗ trợ, giảm tải thêm cho máy sưởi bằng cách kéo rèm hay hạn chế mở cửa để tránh "thất thoát nhiệt".
Tương tự, không nên tiếp xúc quá gần với máy sưởi. Nhiều loại quạt sưởi không được che kín thanh mayso, khiến người dùng dễ chạm tay hay vướng tóc vào, khi đó nguy cơ điện giật hay bỏng là rất cao.
- Công suất máy sưởi: Mỗi không gian phòng khác nhau thì công suất máy sưởi sẽ khác nhau. Phòng càng lớn thì nên chọn máy sưởi công suất lớn để hiệu quả làm ấm tốt. Ngược lại, nếu dùng máy sưởi công suất nhỏ trong phòng lớn sẽ ảnh hưởng tới độ bền của máy sưởi cũng như thời gian làm ấm phòng lâu hơn. Trên mỗi thiết bị sưởi, nhà sản xuất sẽ có hướng dẫn về diện tích phòng phù hợp với thiết bị công suất bao nhiêu.
- Không tăng nhiệt độ phòng lên quá cao: Sự chênh lệch giữa nhiệt độ phòng có máy sưởi và nhiệt độ bên ngoài phòng không nên quá lớn. Nếu không, việc di chuyển từ phòng ngủ ra ngoài khiến mạch máu dưới da tiếp xúc với không khí lạnh dẫn tới co lại đột ngột, ảnh hưởng tới lưu thông máu, dễ khiến bạn bị tê chân tay, chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Nhiệt độ phòng nên duy trì ở 22 - 25 độ C là phù hợp. Khi đang ngồi trong phòng trước khi di chuyển ra ngoài vào mùa đông, bạn nên mặc áo khoác và đi giầy trước mấy phút khi ra ngoài sẽ giúp cơ thể ấm hơn, tránh hạ thân nhiệt đột ngột.
- Chú ý vệ sinh máy sưởi: Tương tự như các thiết bị điện khác trong gia đình thì thiết bị sưởi ấm cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, nhất là với các máy sưởi có bộ cảm biến nhiệt. Vệ sinh sạch sẽ máy sưởi cũng giúp tăng thời hạn sử dụng của máy cũng như giảm nguy cơ bị chập điện hay cháy nổ do bụi bẩn quá nhiều gây ra. Vào đầu mùa, khi lấy máy sưởi ra để sử dụng, cần phải kiểm tra các chi tiết máy sưởi, xem có bị gỉ sét, dây mayso đốt nóng có vấn đề gì không, lau chùi sạch sẽ rồi mới dùng.
- Dùng ổ cắm chuyên dụng: Do máy sưởi điện tiêu thụ lượng lớn điện năng khi sử dụng nên các gia đình nên chú ý chọn các loại ổ cắm và dây điện chịu tải lớn để tránh chập cháy do quá tải; đồng thời không nên sử dụng chung với các thiết bị điện thường xuyên sử dụng khác.
- Dùng máy sưởi bật liên tục cả đêm có hại không? Câu trả lời là có. Mặc dù ngày nay các loại máy sưởi đã được cải thiện trong việc đốt oxy hay gây không còn gây khó thở nếu dùng trong thời gian dài. Nhưng do đặc trưng tạo ra nhiệt nóng nên bật máy sưởi liên tục cả đêm có thể dẫn tới khô da, bong tróc da, độ ẩm không khí trong phòng giảm dẫn tới kích ứng niêm mạc mũi họng khi thức dậy. Các không gian nhỏ như phòng ngủ, có thể dùng máy sưởi điện, sưởi dầu để có không khí ấm tự nhiên, ít khô da và thoải mái khi ngủ.
- Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi dùng: Có nhiều mẫu máy sưởi điện khác nhau. Do vậy để đảm bảo an toàn cho cả gia đình, hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và đặc biệt chú ý đến những cảnh báo được liệt kê trong đó.
- Bù ẩm cho phòng ngủ: Nếu cảm thấy quá khô, hãy đặt thêm một chiếc máy bù ẩm hay một thau nước trong phòng và tránh đặt gần máy sưởi để tạo ra sự cân bằng ẩm, giúp giảm khô mũi, khô da. Các thiết bị bù ẩm cũng cần được vệ sinh thường xuyên, tránh trở thành môi trường thuận lợi cho vi sinh vật như vi khuẩn hay nấm mốc phát triển và phát tán trong không khí gây bệnh.
Vào mùa lạnh, để giữ ấm cơ thể, bạn có thể áp dụng các mẹo sau:
- Mặc nhiều lớp quần áo: Hãy mặc nhiều lớp quần áo mỏng thay vì một lớp dày để tạo ra các lớp không khí cách nhiệt.
- Chọn chất liệu quần áo giữ ấm phù hợp: Quần áo làm từ len, nỉ hoặc lông cừu sẽ có thể giữ nhiệt tốt hơn.
- Giữ chân ấm: Đeo tất chân dày và đi giày sẽ giúp giữ ấm cho đôi chân. Theo Đông Y, bàn chân ở xa tim nhất, vì thế việc lưu thông máu đến bộ phận này cũng kém hơn. Nếu không giữ ấm bàn chân sẽ khiến sức đề kháng của cơ thể giảm sút đáng kể và càng dễ có nguy cơ mắc các bệnh do trời lạnh gây ra.
- Giữ ấm vùng vai gáy, cổ mũi, bụng và bàn tay.
- Chế độ ăn ưu tiên các thực phẩm giàu năng lượng và gia vị có tính sinh nhiệt, chẳng hạn như các loại hạt, chất béo lành mạnh, carbs, gừng, tiêu, ớt,... giúp cơ thể sản sinh nhiệt lượng và giữ ấm tốt hơn.
- Duy trì thói quen vận động thể chất, ưu tiên các bài tập trong nhà vào những ngày nhiệt độ xuống thấp và tránh tập thể dục vào sáng sớm hay đêm muộn.
- Uống các đồ uống ấm như canh, súp, trà.
- Đảm bảo căn nhà được chắn gió tốt.
- Ngâm chân bằng nước ấm giúp kích thích quá trình lưu thông máu, giúp thư giãn cơ thể thoải mái, ấm áp hơn.
- Thăm khám bác sĩ khi có các dấu hiệu hạ thân nhiệt như: Cảm thấy lạnh, rùng mình liên tục; nổi da gà, môi thâm; thở chậm; da chuyển sang màu tím ngắt hoặc xám lạnh; có dấu hiệu lú lẫn thậm chí sảng; rối loạn ngôn ngữ; khó kiểm soát chân tay; vã mồ hôi liên tục; cơ thể yếu ớt, vô lực.
Nhìn chung, có nhiều lưu ý khi dùng thiết bị sưởi vào mùa lạnh. Cho dù bạn sử dụng điều hòa hay quạt sưởi, máy sưởi với công nghệ nào thì điều quan trọng vẫn là chú ý tới cảm nhận của cơ thể, triệu chứng bất thường khi dùng máy sưởi, nhất là dùng máy sưởi qua đêm để điều chỉnh sao cho phù hợp. Người mắc bệnh thần kinh ngoại biên như tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách dùng máy sưởi đúng cách do bệnh có thể ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận nhiệt của cơ thể.
Nguồn: Sohu, ETToday, Health.udn