Thời tiết lạnh ảnh hưởng như thế nào đến những người mắc bệnh tim?

Thời tiết lạnh ảnh hưởng như thế nào đến những người mắc bệnh tim?
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nhiệt độ không khí và bệnh nhồi máu cơ tim có mối liên quan mật thiết đến nhau, cụ thể, khi nhiệt độ giảm cũng là lúc nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng cao hơn.

Nhiệt độ không khí giảm 10 độ C sẽ tăng 7% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp

Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy mối quan hệ giữa nhiệt độ không khí và bệnh nhồi máu cơ tim. Theo đó, vào mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, kéo theo các biến chứng về tim mạch có thể tăng tới 21%.

Với những người có bệnh mạch vành, nhu cầu oxy cho cơ tim sẽ tăng lên khi nhiệt độ giảm sâu. Do đó bệnh nhân có nguy cơ cao xuất hiện các bệnh như: đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp.

Thời tiết lạnh ảnh hưởng như thế nào đến những người mắc bệnh tim? - Ảnh 1.

Nhồi máu cơ tim nếu không phát hiện sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. (Ảnh: Binipatia)

Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim. Tình trạng này có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, còn những trường hợp được cứu sống thì nhiều khả năng phải đối mặt với nguy cơ suy tim.

Do đó, BS.CK2 Phạm Thanh Phong khuyến cáo những người mắc bệnh lý nhồi máu cơ tim nên được điều trị sớm.

Để giải thích mối liên quan giữa nhiệt độ và bệnh nhồi máu cơ tim có rất nhiều cơ chế. Theo đó, nhiệt độ càng xuống thấp càng làm tăng trị số huyết áp, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Thời tiết giảm sâu, những người mắc bệnh tim nên làm gì để phòng ngừa nguy cơ bị nhồi máu cơ tim?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, không chỉ riêng những người có tiền sử mắc bệnh tim mà tất cả mọi người đều cần được giữ ấm, đồng thời tránh di chuyển đột ngột từ khu vực có nhiệt độ ẩm ra bên ngoài vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy để hạn chế tối đa các bệnh nguy hiểm có thể xảy ra với sức khỏe.

Bên cạnh đó, khi tắm, nếu cảm thấy không gian phòng tắm quá lạnh, mọi người có thể làm ấm phòng bằng cách dùng đèn sưởi. Tuyệt đối không đốt củi, than hoa, than tổ ong để hạn chế nguy cơ cháy nổ và ngộ độc khí CO.

Còn với những trẻ nhỏ mắc bệnh lý về tim mạch bẩm sinh, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lạnh, trong trường hợp bắt buộc phải đi nên giữ ẩm cơ thể (đặc biệt chú ý 2 vị trí là tai và cổ). Bởi, trời lạnh không chỉ làm bệnh tim bẩm sinh của trẻ có khả năng nặng hơn mà còn khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm đường hô hấp trên.

Nếu thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu của bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế (chuyên khoa về tim mạch) để thăm khám và điều trị.

Các biện pháp phòng tránh rét hại do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai khuyến cáo

Những ngày gần đây, miền Bắc đang trong giai đoạn rét đậm rét hại khi nhiệt độ đột ngột giảm sâu xuống mức chỉ còn từ 11-14 độ C. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã gửi công văn khẩn cấp về việc chủ động ứng phó với rét đậm rét hại. 

Thời tiết lạnh ảnh hưởng như thế nào đến những người mắc bệnh tim? - Ảnh 3.

Miền Bắc đang trong giai đoạn rét đậm rét hại khi nền nhiệt luôn duy trì ở mức rất thấp, chỉ từ 11-14 độ C.

Đồng thời, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã khuyến cáo người dân các biện pháp như sau:

- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể: Ăn đủ chất, tăng cường đạm và các loại gia vị cay như hành, tỏi, gừng, quế…

- Tránh uống nước lạnh, đồ có cồn.

- Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp quần áo mỏng, chống gió, đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai và vào ngay phòng kín khi bắt đầu cảm thấy lạnh.

- Tăng cường hoạt động, lao động chân tay để cơ thể sản sinh nhiều nhiệt.

- Sưởi ấm an toàn: khi đốt củi, than hoa, than tổ ong để sưởi ấm phải đặc biệt lưu ý nguy cơ cháy nổ và ngộ độc khí CO.

- Nếu phải làm việc ngoài trời hay ra ngoài: Khi trời mưa phải đội mũ che kín tai để tránh nước vào tai gây viêm nhiễm (viêm tai giữa), viêm họng, viêm xoang,...

- Không ra ngoài khi trời mưa hay quá lạnh.

- Ngâm chân vào nước muối ấm để điều hoà khí huyết, giữ ấm cơ thể vào buổi tối.

Theo nguồn tin từ Tạp chí Zing.vn, ngày 16/12, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết khoa Tim mạch can thiệp của đơn vị đã cứu liên tiếp 10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trong hai ngày 9/12 và 11/12 bằng hình thức can thiệp mạch vành.

Hiện tại, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.

Tác giả: An Nhi