Tắm nước nóng hay tắm nước lạnh đều có một số lợi ích và rủi ro sức khỏe tiềm ẩn. Cùng tìm hiểu lợi ích của việc tắm nước nóng và tắm nước lạnh - để xem nhiệt độ tắm phù hợp là bao nhiêu độ.
Nhiều người có sở thích tắm nước lạnh, bất kể thời tiết như thế nào.
Khi tắm bằng nước nóng, lỗ chân lông của bạn sẽ mở ra nhưng khi tắm nước lạnh, lỗ chân lông sẽ tạm thời se khít lại và giữ được lớp dầu tự nhiên trên bề mặt da. Điều này giúp da được ngậm nước tốt hơn và cũng đúng đối với mái tóc. Những người dễ bị khô da và khô óc có thể cân nhắc tới việc gội đầu bằng nước lạnh.
Nước lạnh kích thích sản xuất noradrenaline và beta-endorphin. Các xung điện được gửi từ các đầu dây thần kinh đến não khi chúng ta tắm nước lạnh và phản ứng hóa học này có thể có tác dụng chống trầm cảm đối với một số người.
Tắm nước lạnh có thể giúp bạn không bị cảm lạnh bằng cách tăng cường hệ miễn dịch và giúp bạn chống lại bệnh tật tốt hơn.
Khi tắm nước lạnh, cơ thể tự nhiên sẽ khởi động cơ chế "sinh tồn" bằng cách tăng nhịp tim. Điều này thúc đẩy hệ tuần hoàn hoạt động, máu được bơm tới các cơ quan hiệu quả hơn từ đó quá trình lưu thông tổng thể được cải thiện.
Với việc quá trình lưu thông máu tăng lên, theo thời gian bạn có thể cảm thấy mụn trên cơ thể biến mất dần và tổng thể khỏe mạnh. Điều này cũng đúng với việc tắm nước lạnh vào buổi sáng giúp bạn tăng năng lượng để bắt đầu ngày mới. Và đáng ngạc nhiên hơn là các nghiên cứu cho thấy khi cơ thể sinh nhiệt do tiếp xúc với nước lạnh sẽ tạm thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp bạn giảm cân.
Tất nhiên, nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, bạn phải duy trì hoạt động thể chất thường xuyên. Tắm nước lạnh không bao giờ nên được coi là sự thay thế cho các liệu pháp, chế độ chăm sóc da và tập thể dục khác.
Theo một đánh giá năm 2014 thì việc tiếp xúc với nước lạnh có thể kích hoạt phản ứng giảm đau do căng thẳng gọi là SIA nên bạn có thể thấy nhiều vận động viên có thói quen ngâm mình trong nước đá lạnh sau khi thi đấu. Mục đích là để giảm đau nhức cơ và mệt mỏi sau khi vận động với cường độ cao.
Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi có lẽ nhiều người sẽ yêu thích khoảng thời gian được ngâm mình trong làn nước nóng.
Khi ngâm mình trong nước nóng, bạn có thể đang giảm một ít calo. Tuy nhiên bạn không nên coi đây là biện pháp để giảm cân thay thế cho việc tập thể dục.
Hơn nữa, bạn cần hạn chế thời gian ngâm mình trong nước nóng bởi thời gian quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ bị bóng hoặc say nhiệt.
Tắm nước nóng có thể giúp lỗ chân lông mở ra để loại bỏ các độc tố bị mắc kẹt trong làn da sau một ngày dài ở ngoài. Nước ấm có thể mang lại làn da tươi mát hơn và ngậm nước hơn.
Có lẽ một trong những lợi ích lớn nhất của việc tắm nước nóng được nhắc đến chính là giúp các cơ được thư giãn, xoa dịu cơ thể và tâm trí. Tắm dưới vòi nước nóng trước khi đi ngủ thực sự có thể giúp bạn có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Ngoài ra, việc tắm rửa sạch sẽ trước khi đi ngủ cũng giúp giảm sự tích tụ của vi khuẩn, bụi bẩn, mồ hôi và dầu cơ thể trên giường theo thời gian.
Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận không ngâm mình trong bồn nước ấm quá lâu trước khi đi ngủ và hạn chế tắm dưới vòi hoa sen quá 20 phút.
Một nghiên cứu năm 2012 đã khám phá ra các tác động tích cực khi ngâm mình trong nước ấm đối với tình trạng cứng động mạch - xảy ra khi các động mạch trong cơ thể trở nên kém linh hoạt hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2018 cũng cho kết luận việc ngâm nước nóng giúp thúc đẩy tăng trưởng và sống còn của một số tế bào thần kinh, thúc đẩy tập trung và tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên nghiên cứu này quy mô còn nhỏ nên cần thêm các bằng chứng rõ ràng với quy mô sâu rộng hơn.
Nhìn chung thì tắm nước lạnh hay nước nóng đều đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên bạn cần thận trọng với thể trạng của mình để lựa chọn nhiệt độ nước tắm.
Chẳng hạn, nếu bạn bị viêm khớp thì việc tắm nước ấm vào buổi sáng sẽ có lợi ích hơn so với tắm nước lạnh vì tiếp xúc với nước lạnh khiến các khớp có thể nhức hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị các chấn thương thể thao thì tắm nước lạnh lại giúp giảm viêm hiệu quả hơn. Hoặc người bị bệnh chàm hoặc các dạng phát ban khác cần tránh tắm nước nóng hoàn toàn do da có thể bị khô hơn.
Nước lạnh cũng không phù hợp với người mắc các bệnh tim phổi. Nhưng nhìn chung là bạn cần tránh tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh bởi điều này có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu muốn tắm nước lạnh, bạn cần chú ý tránh bị sốc do nhiệt độ lạnh bằng cách, tiếp xúc với nước lạnh không quá 30 giây/1 lần xả nước; bắt đầu tắm bằng nước ấm và điều chỉnh nhiệt độ lạnh hơn sau đó.
Nguồn dịch:
1. What to Know About the Benefits of a Cold Shower vs. a Hot Shower
2. Are Cold Showers Good for You?