Thời tiết chuyển mùa, số lượng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp tăng cao: Dấu hiệu, biện pháp điều trị và phòng ngừa

Thời tiết chuyển mùa, số lượng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp tăng cao: Dấu hiệu, biện pháp điều trị và phòng ngừa
Virus hợp bào hô hấp rất dễ lây nhiễm, bệnh có thể gặp quanh năm nhưng thường là vào mùa mưa ở các tỉnh miền Nam hay mùa lạnh ở các tỉnh miền Bắc.

Số ca mắc virus hợp bào hô hấp tăng gấp đôi

Theo nguồn tin từ báo Nhân Dân, thời tiết giao mùa, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh hô hấp do virus hợp bào hô hấp tăng nhiều hơn so với trước. Chỉ tính trong một tháng gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca nhập viện tăng gấp hơn hai lần so với trước, với trung bình 40-50 ca/ngày, hầu hết đều dưới 6 tháng tuổi.

Theo Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương - PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh, có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp. Trong thời tiết giao mùa, ca mắc bệnh lý này sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi của virus phát tán mạnh hơn. 

Đồng thời, BS Dương Thị Thủy – Chuyên khoa Nhi, BV Đa khoa Medlatec, ngày 2/11 cũng cho biết, từ đầu tháng 10 tới nay, số bệnh nhi tới khám gia tăng đột biến, chủ yếu là bệnh lý liên quan tới thay đỏi thời tiết như viêm mũi họng, cảm cúm, viêm phế quản, sốt phát ban,…

Lý giải cho tình trạng này, các chuyên gia hầu hết đều cho rằng, đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ khi thời tiết diễn biến thất thường từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nắng do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp trên nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này nhất.

Hầu hết trẻ em đều tiếp xúc với virus hợp bào hô hấp ít nhất một lần từ lúc sinh ra đến khi chúng được 2 tuổi. Theo các tống kê cho thấy, có từ 1 đến 2% các trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ sơ sinh cần phải nhập viện. Trên người lớn, chúng có khuynh hướng ảnh hưởng đến người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính.

Thời tiết chuyển mùa, số lượng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp tăng cao: Dấu hiệu, biện pháp điều trị và phòng ngừa - Ảnh 1.

Theo ghi nhận tại một số BV, trong những ngày qua, số trẻ mắc bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng gấp đôi, nhiều bé nhiễm virus hợp bào RSV dễ lây. (Ảnh: Internet)

Những điều cần biết về virus hợp bào hô hấp

Dưới đây là những điều cần biết về Virus hợp bào hô hấp được BS. Trần Văn Phúc (BV Đa khoa Xanh Pôn, HN) đăng tải trên trang cá nhân để mọi người có thể hiểu rõ hơn về loại virus này.

Thời tiết chuyển mùa, số lượng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp tăng cao: Dấu hiệu, biện pháp điều trị và phòng ngừa - Ảnh 2.

BS. Trần Văn Phúc (BV Đa khoa Xanh Pôn, HN)

1. Virus hợp bào hô hấp là gì?

Virus hợp bào hô hấp có tên tiếng Anh là Respiratory Syncytial Virus (RSV), được phân lập từ đường hô hấp của những con tinh tinh từ năm 1956, tên gọi có chữ "hợp bào – syncytial" là vì khi gây bệnh virus có thể hợp nhất các tế bào lân cận.

RSV chỉ cư trú ở niêm mạc đường hô hấp.

Virus không xâm nhập vào máu, nên không gây bệnh ở các cơ quan khác ngoài đường hô hấp. Tổn thương ở các mức độ khác nhau, từ viêm mũi họng mức độ nhẹ, đến nặng như viêm tiểu phế quản, nặng hơn nữa là viêm phổi và có thể tử vong.

RSV gây bệnh thường tạo ra các vụ dịch trong mùa thu và mùa đông, hơn 80% trẻ dưới 5 tuổi viêm đường hô hấp cấp do RSV gây ra, đặc biệt những khi thời tiết mưa ẩm, mùa hè rất ít khi bị bệnh.

Virus có trong GIỌT NƯỚC BỌT NHỎ nên rất dễ lây lan.

RSV dễ biến đổi, nên hệ miễn dịch cơ thể không đặc hiệu, nhất là trẻ em không thể tạo ra miễn dịch bền vững sau khi nhiễm virus, trẻ không tránh khỏi nhiễm RSV nhiều lần. Cũng vì sự thay đổi của virus, mà vắc xin phòng chống RSV ít đặc hiệu.

2. Biểu hiện bệnh ở trẻ em

Hơn 80% trẻ dưới 5 tuổi bị viêm mũi họng, ho, thở khò khè, viêm phế quản, viêm phổi là do RSV gây ra.

Tuy nhiên, điều mà các bà mẹ luôn lo lắng, đó là cơn khò khè lặp đi lặp lại, năm nay bị một hai lần, sang năm lại bị, các mẹ hay gọi là hen suyễn.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh do virus RSV gây ra tùy theo vị trí viêm:

- Tổn thương viêm đường hô hấp trên: tức là viêm mũi họng, biểu hiện lâm sàng là các triệu chứng kích ứng đường hô hấp trên như nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho và khàn tiếng; thường không kèm theo sốt.

- Viêm đường hô hấp dưới: chủ yếu là viêm tiểu phế quản, nặng hơn nữa là viêm phổi. Bệnh phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Trong 2-4 ngày đầu xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt; các triệu chứng đường hô hấp dưới như ho, thở khò khè xuất hiện ngay sau đó. Nặng hơn, trẻ. Khó thở, thở gấp gáp và khó bú, đó là những dấu hiệu của viêm phổi.

Tiến triển bệnh rõ ràng vào khoảng ngày thứ 3-4, tình trạng nặng vào ngày 5-6, sau ngày thứ 7-10 giảm dần và tự khỏi. Vì bệnh do nhiễm virrus nên hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Chủ yếu phụ thuộc vào cơ thể để loại bỏ vi rút và tự phục hồi. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ, khí dung thông thường làm giảm các triệu chứng, sử dụng các thuốc giãn phế quản. Không cần dùng kháng sinh nếu không có bội nhiễm vi khuẩn.

Thời tiết chuyển mùa, số lượng trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp tăng cao: Dấu hiệu, biện pháp điều trị và phòng ngừa - Ảnh 4.

Không hôn hít, mớm cơm cho bé là một trong những biện pháp hàng đầu trong việc phòng chống lây lan các loại bệnh, không riêng virus hợp bào hô hấp. Đồng thời, để tránh lây chéo tại bệnh viện, bệnh nhi nhiễm RSV phải nằm riêng từng giường cách xa nhau. (Ảnh: Internet)

3. Biện pháp phòng bệnh

Mặc dù RSV không phải là bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhưng do khả năng lây lan cao, nên khuyến cáo để trẻ ở nhà trong thời gian bị bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.

3.1 Đối với trẻ lớn và người lớn:

RSV hay gây bệnh cho trẻ dưới 5 tuổi, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, virus có ở khắp mọi nơi trên các bề mặt vật dụng. Vì thế cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng thường dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây.

Ngoài ra, phải đeo khẩu trang khi bị ốm, ho và hắt hơi phải che khẩu trang, khăn tay, hoặc che mũi miệng bằng mặt trong khuỷu tay ống tay áo.

Người lớn không hút thuốc lá khi có trẻ nhỏ, vì trẻ hít phải khói thuốc lá thụ động có nguy cơ nhiễm RSV gấp 2,5 lần trẻ bình thường.

3.2 Đối với trẻ nhỏ:

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau 6 tháng, tốt nhất là bú đến 1 tuổi, IgA trong sữa mẹ giúp trẻ có thêm sức đề kháng các bệnh đường hô hấp.

Không hôn hít trẻ em, không liếm láp hay đưa thức ăn của trẻ vào miệng người lớn, thói quen thổi thức ăn cho nguội là thói quen xấu cần phải lên án và loại bỏ.

3.3 Biện pháp phòng vệ chung

- Hạn chế đưa trẻ đến chơi ở những nơi quá đông người. 

- Đưa trẻ đến chơi những công viên, những đồng cỏ, nơi thoáng đãng không khí trong lành. 

- Mở cửa sổ và cửa nhà thông thoáng, ít nhất 2 lần mỗi ngày, thời gian mỗi lần ít nhất 30 phút, để giảm và tiêu diệt virus.

Tác giả: An Nhi