Viêm nang lông tuy không nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên nó lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thẩm mỹ, và đặc biệt nó gây ra những khó chịu, bứt rứt cho người bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông, trong đó thói quen sinh hoạt là nguyên nhân chủ yếu nhất. Viêm nang lông ở tay chân, viêm nang lông ở mặt, lưng...là những vị trí thường gặp.
Viêm nang lông có thể tự điều trị khi bệnh mới chớm bằng cách vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm, bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng và không đáp ứng với thuốc thì bạn nên đi khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị của chuyên gia y tế.
Viêm nang lông là căn bệnh ngoài da tự phát, bỏ qua yếu tố do cơ địa, chủ yếu viêm nang lông do thói quen sinh hoạt của con người gây ra. Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm lỗ chân lông, được biểu hiện qua những nốt mụn đỏ, mụn đầu trắng, sần sùi trên bề mặt da. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, thường gặp nhất là: tay, chân, da đầu, mông, ngực, lưng và trên mặt…
Điều trị viêm nang lông phụ thuộc vào việc phát hiện ra nguyên nhân gây viêm, từ đó hạn chế những tác nhân gây bệnh. Do vậy, khi thấy hiện tượng viêm nang lông, bạn nên tìm ra những nguyên nhân gây ra bệnh là gì để có phương án chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông thường gặp:
Cạo lông không đúng cách như cạo ngược hướng với lông mọc, cạo khi da khô, vùng da bị trầy xước...tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh viêm nang lông.
Quần áo mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi có thể giúp lỗ chân lông được thông thoáng, ngược lại việc sử dụng những trang phục dày, xù xì, có thể gây ngứa, viêm da, lỗ chân lông bị bưng bít, tắc nghẽn, mồ hôi không thoát ra bên ngoài cơ thể, lâu dần gây viêm và dẫn tới viêm lỗ chân lông.
Khi tuyến dầu hoạt động quá mức kết hợp với bụi bẩn, tế bào chết ở nang lông khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm.
Mỹ phẩm có chứa nhiều chất corticoid cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm lỗ chân lông. Bạn nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm kích ứng da mạnh để da được đào thải tuyến bã nhờn một cách tự nhiên và không bị ảnh hưởng bởi các chất hóa học.
Qua việc tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh, các bạn có thể phòng tránh được thông qua việc điều chỉnh lại những thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình.
Tránh cơ thể bị toát nhiều mồ hôi, gây bít lỗ chân lông. Trong trường hợp vận động thể thao để đào thải chất độc, bạn phải vệ sinh sạch sẽ cơ thể ngay sau đó.
- Mặc quần áo thông thoáng, có khả năng thấm hút mồ hôi
- Không sử dụng những loại mỹ phẩm, kem bôi quá đậm đặc vì có thể gây bít tắc lỗ chân lông
- Đối với nữ giới, hạn chế wax lông tay, lông chân. Đối với nam giới, khi cạo râu không nên cạo ngược, sử dụng kem bôi làm mềm hoặc tạo bọt trước khi cạo râu để tránh gây tổn thương da.
- Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da để hạn chế những nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông.
Sát trùng cho vùng da bị viêm nang lông bằng triclosan 1% hoặc có thể sử dụng dung dịch chlorhexdin 2% nếu như tình trạng viêm nang ở dạng nhẹ và mới xuất hiện.
Nếu tình trạng viêm lỗ chân lông trở nên nặng hơn, các nốt mụn sưng tấy và lan sang các vùng da khác thì bạn nên sử dụng kháng sinh, thuốc bôi lẫn thuốc uống để điều trị dứt điểm. Tránh để lại sẹo và tái đi tái lại nhiều lần.
Nếu như tình trạng viêm nang lông xuất hiện là do bạn thực hiện cạo lông không đúng cách thì sau khi điều trị khỏi bệnh bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của phương pháp tẩy lông bằng laser để tránh tình trạng tái phát sau đó.
Bệnh viêm nang lông hoàn toàn có thể được điều trị và phòng tránh bằng cách thay đổi những thói quen thường ngày. Vệ sinh da sạch sẽ, tránh để lỗ chân lông bị bít tắc, tránh cạo lông, cạo râu sai cách, đồng thời hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm đậm đặc có thể gây tắc nghẽn tuyến dầu.
Trên đây là những nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông và những phương pháp phòng tránh hiệu quả nhất. Nếu tình trạng viêm nang lông ở mức độ nhẹ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp lành tính từ thiên nhiên.
Tuy nhiên nếu bệnh đã trở nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị tự nhiên thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng kháng sinh và thuốc bôi đặc trị.