Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bao lâu?
Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là thời gian từ lúc virus gây bệnh bắt đầu xâm nhập cho đến khi các biểu hiện triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Thông thường, thời gian này sẽ kéo dài trung bình trong khoảng từ 4-10 ngày.

Qua những mùa dịch gần đây, người ta nhận thấy rằng tỷ lệ trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết đang ngày càng gia tăng. Điều này khiến nhiều câu hỏi khác nhau được đặt ra như thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, các triệu chứng và cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em,...

1. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu?

Như hầu hết chúng ta đã biết, virus dengue là nguyên nhân được xác định gây nên bệnh sốt xuất huyết ở người. Loài virus này lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua trung gian truyền nhiễm là muỗi Aedes aegypt, hay còn được gọi là muỗi vằn.

Virus dengue sẽ đi vào cơ thể muỗi vằn khi chúng hút máu của những bệnh nhân bị sốt sốt xuất huyết. Sau đó muỗi lại di chuyển và tiếp tục hút máu của người lành sẽ làm virus xâm nhập vào một cơ thể vật chủ mới.

Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết sẽ chưa xảy ra ngay lập tức khi virus dengue vừa mới xâm nhập vào cơ thể. Bởi lúc này chúng chưa phát triển đủ về mặt số lượng và các tổn thương do virus gây nên chưa đủ để tạo thành các biểu hiện bệnh lý. Do đó để có thể gây bệnh sốt xuất huyết, virus dengue sẽ phải nhân lên đến một số lượng đủ lớn và tạo nên các tổn thương có ý nghĩa trên thực tế. Lúc này các biểu hiện đầu tiên của bệnh mới xuất hiện và bệnh nhân mới chính thức khởi phát bệnh sốt xuất huyết.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bao lâu? - Ảnh 2.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu? (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Ngứa ngáy khi bị muỗi đốt thường xuyên, làm sao để không bị muỗi đốt?

Khuyến cáo mới về cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ nhỏ

Giai đoạn tính từ lúc virus bắt đầu xâm nhập cho đến khi các biểu hiện đầu tiên của bệnh xuất hiện được gọi là giai đoạn ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết có thể thay đổi theo một số nhóm đối tượng khác nhau. Trong đó thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em trong các trường hợp thông thường sẽ kéo dài trong khoảng 4-10 ngày trước khi người bệnh bước sang giai đoạn khởi phát bệnh.

2. Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Sau khi trải qua thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ sẽ bắt đầu có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.

Trong 1-2 ngày đầu là giai đoạn sốt của bệnh. Trẻ trong giai đoạn này thường biểu hiện với tình trạng sốt cao đột ngột, bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi, có các chấm xuất huyết xuất hiện trên da hoặc chảy máu chân răng,...

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sẽ kéo dài từ ngày thứ 3-7 sau khi các triệu chứng đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Sốt trong giai đoạn này có thể giảm nhẹ hơn hoặc thậm chí trẻ không còn sốt. Tuy nhiên đây lại là giai đoạn dễ dàng xảy ra các biến chứng của bệnh như chảy máu, suy đa phủ tạng, sốc,... Các dấu hiệu cảnh báo cần nhớ trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em bao gồm đau bụng nhiều, nôn ói nhiều lần, vật vã, li bì,...

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bao lâu? - Ảnh 3.

Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sẽ kéo dài từ ngày thứ 3-7 sau khi các triệu chứng đầu tiên bắt đầu xuất hiện (Ảnh: Internet)

Sau khi trải qua giai đoạn nguy hiểm thì trẻ sẽ dần bước qua giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết vào ngày thứ 7-10 của bệnh. Trẻ hết sốt, không xuất hiện các phát ban và chảy máu mới, trẻ bớt mệt mỏi và dần hoạt bát trở lại,...

3. Điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Trong một số trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết có thể được chỉ định điều trị ngoại trú tại nhà, tuy nhiên sẽ cần thiết nhập viện ngay nếu trẻ có các đặc điểm như trẻ nhũ nhi (dưới 24 tháng tuổi), trẻ béo phì, nhà ở xa trung tâm y tế, gia đình không có khả năng theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ hoặc trẻ có các bệnh lý mãn tính kèm theo.

3.1. Điều trị triệu chứng

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc hiệu, do đó cải thiện triệu chứng vẫn là nội dung chủ yếu trong điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em.

- Hạ sốt: Hạ sốt các biện pháp vật lý như cởi bỏ bớt quần áo, lau mát,... nếu trẻ bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C. Trường hợp trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C thì cần sử dụng thêm thuốc hạ sốt paracetamol cho trẻ. Không sử dụng các thuốc aspirin, ibuprofen,... vì làm tăng nguy cơ xuất huyết.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bao lâu? - Ảnh 4.

Nếu trẻ còn ăn uống được và không bị nôn ói quá nhiều, bù dịch bằng đường miệng được ưu tiên (Ảnh: Internet)

- Bù dịch: Nếu trẻ còn ăn uống được và không bị nôn ói quá nhiều, bù dịch bằng đường miệng được ưu tiên. Các dung dịch uống bù dịch có thể sử dụng gồm có dung dịch điện giải oresol, nước trái cây,... Không lạm dụng bù dịch đường tĩnh mạch vì làm tăng nguy cơ biến chứng do tiêm truyền tại chỗ, và dễ gây tình trạng đề kháng truyền dịch, giảm hiệu quả truyền dịch khi cần phải hồi sức.

3.2. Điều trị biến chứng bệnh

Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, bệnh nhân có thể bị mất máu cấp do xuất huyết, suy đa tạng, sốc,... Tùy thuộc vào mỗi biến chứng xảy ra mà sẽ có các phương pháp can thiệp khác nhau.

Qua đây có thể thấy, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thường sẽ kéo dài từ 4-10 ngày trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Điều quan trọng các bậc cha mẹ phải làm là phát hiện sớm các triệu chứng của trẻ, đưa trẻ thăm khám và nhập viện điều trị trong những trường hợp cần thiết.


https://suckhoehangngay.vn/thoi-gian-u-benh-sot-xuat-huyet-o-tre-em-la-bao-lau-20220629140537604.htm
Tác giả: QN