Thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài hơn ước tính ban đầu?

Thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài hơn ước tính ban đầu?
Tính toán chính xác về thời gian ủ bệnh Covid-19 sẽ giúp chúng ta đưa ra một khoảng thời gian cách ly tối ưu để kiểm soát dịch dịch bệnh.

Theo nghiên cứu mới đây dựa trên các ca bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc), các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra nhận định, virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19 có thể ủ bệnh lâu hơn ước tính ban đầu.

Theo đó, các nhà khoa học khẳng định, thời gian ủ bệnh Covid-19 trung bình là 8,29 ngày, thay vì 7,76 ngày như thời gian trước đó. Số liệu này dựa trên nghiên cứu dữ liệu lâm sàng của hơn 1.000 bệnh nhân mắc Covid-19 rời Vũ Hán trước khi thành phố này áp dụng lệnh phong tỏa vào ngày 23/1.

Thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài hơn ước tính ban đầu? - Ảnh 1.

Theo các nhà khoa học, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán là 8,29 ngày (Ảnh Scmp)

Các nhà nghiên cứu nhận định, việc biết chính xác thời gian ủ bệnh Covid-19 có thể giúp chúng ta đưa ra khoảng thời gian cách ly một cách tối ưu nhằm mục đích kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc xác định chính xác thời gian ủ bệnh cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình điều tra cơ chế lây truyền của virus SARS-CoV-2 và đưa ra giải pháp điều trị bệnh.

Thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài hơn ước tính ban đầu? - Ảnh 2.

Một số nhà khoa học cho biết, mặc dù thời gian ủ bệnh rất quan trọng nhưng nó thường bị đánh giá sơ sài do thiếu dữ liệu lâm sàng.

Trong công trình nghiên cứu được đăng tải vào ngày 7/8 trên tạp chí khoa học Science Advances của Mỹ, các nhà nghiên cứu ước tính, khoảng 10% các trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 có thể xuất hiện triệu chứng sau hơn 2 tuần nhiễm virus. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn nhận định, thời gian ủ bệnh của phần lớn bệnh nhân là không quá 14 ngày. Hiện tại, đây là khoảng thời gian cách ly được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, kết quả nghiên cứu của họ chỉ dựa trên dữ liệu các ca nhiễm bệnh từ đầu năm 2020 và không áp dụng cho các ca nhiễm Covid-19 sau này. Vì trong trường virus SARS-CoV-2 biến đổi có thể khiến cho thời gian ủ bệnh trung bình cũng thay đổi theo.

Theo các chuyên gia, mọi người có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 trước khi họ xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh. Do đó, nắm rõ thời gian ủ bệnh có thể giúp các nhà chức trách lập kế hoạch kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn tình trạng lây nhiễm cộng đồng lan nhanh.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 11/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 20.219.517 ca, trong đó có 737.495 ca tử vong.

Các nước cũng ghi nhận 13.025.362 người nhiễm virus SARS-CoV-2 được điều trị khỏi và 6.456.660 bệnh nhân đang điều trị tích cực.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định chúng ta vẫn còn hy vọng để chặn đứng đại dịch COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chia sẻ với nỗi đau và mất mất lớn của mọi người trên toàn thế giới, nhưng nhấn mạnh "vẫn có những tia hy vọng màu xanh và chưa bao giờ là muộn để đẩy lùi đại dịch".

Thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài hơn ước tính ban đầu? - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "vẫn có những tia hy vọng màu xanh và chưa bao giờ là muộn để đẩy lùi đại dịch" (Ảnh Internet)


Tác giả: Trang Lê