Ăn dặm là hoạt động chủ động nhằm cho trẻ làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa mẹ và góp phần bổ sung thêm dinh dưỡng phục vụ cho sự phát triển của trẻ. Là bước chuyển từ việc sử dụng sữa mẹ đơn độc sang một thực đơn đa dạng với sự phối hợp của nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ thời điểm nào cũng có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Băt đầu cho trẻ ăn dặm quá sớm hay quá muộn đều gây nên những hậu quả khó lường cho sức khỏe của trẻ.
Những hậu quả của bắt đầu cho trẻ ăn dặm không đúng lúc:
- Ăn dặm quá sớm: Bắt đầu cho trẻ ăn dặm quá sớm khi các chức năng tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện sẽ dẫn đến nhiều tình trạng như đầy bụng, chướng hơi, tổn thương dạ dày, ruột, tăng nguy cơ dị ứng, ảnh hưởng đến thận. Hơn nữa, ở giai đoạn sớm thể tích dạ dày của trẻ là rất nhỏ, bắt đầu cho trẻ ăn dặm ở giai đoạn này sẽ khiến trẻ có cảm giác no và không thèm bú, nên dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Ăn dặm quá muộn: Mặc dù bắt đầu cho trẻ ăn dặm muộn khi trẻ đã lớn có thể giúp giảm nhẹ các hậu quả do hệ tiêu hóa chưa phát triển như ăn dặm sớm. Tuy nhiên, khi ăn dặm muộn trẻ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác nhau, đặc biệt là các nguy cơ do cung cấp thiếu dinh dưỡng so với nhu cầu cơ thể mà chỉ mình sữa mẹ không thể đáp ứng đủ. Các hậu quả thường thấy của bắt đầu cho trẻ ăn dặm muộn kể đến như suy dinh dưỡng thấp còi, chậm phát triển trí tuệ, thiếu máu,...
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, từ 4 tháng tuổi hệ tiêu hóa của trẻ đã có khả năng bắt đầu bài tiết cơ bản các men tiêu hóa, nhưng mức độ hoàn thiện vẫn chưa thực sự tốt đáp ứng các yêu cầu cho ăn dặm. Chính vì thế, mặc dù đã có sự bài tiết các men tiêu hóa nhưng việc bắt đầu cho trẻ ăn dặm vào thời điểm 4 tháng vẫn là quá sớm và có thể gây hại cho trẻ.
Thời điểm thích hợp để bắt đầu cho trẻ ăn dặm nhận được sự đồng ý nhiều nhất hiện nay là khi trẻ được 6 tháng tuổi. Bởi khi này hệ thống tiêu hóa của trẻ đã hoàn thiện ở mức độ cao hơn giúp hoạt động tiêu hóa hiệu quả, cũng như nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của trẻ cũng cao hơn mà chỉ việc bú sữa mẹ đơn độc không thể đáp ứng được. Vì vậy trẻ cần được ăn dặm để đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Thức ăn sử dụng khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm nên được hầm nhừ, nấu kỹ và xay nhuyễn trước khi cho trẻ ăn để đảm bảo việc ăn và tiêu hóa dễ dàng hơn. Đồng thời các loại bột ăn dặm cũng nên chứa nguồn dinh dưỡng đa dạng bao gồm chất đường bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin,... để giúp trẻ cân bằng dinh dưỡng.
Đồng thời cha mẹ cũng cần nhớ, mặc dù trẻ đã được cho ăn dặm nhưng vẫn phải cho trẻ bú bình thường, không nên ngưng bú để giúp trẻ ăn nhiều hơn. Bởi trong giai đoạn này, ăn dặm vẫn chỉ đóng vai trò phụ trợ, chưa thể thay thế cho sữa mẹ trong cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.
Có thể thấy rằng, cho trẻ ăn dặm quá sớm hay quá muộn đều gây nên các hậu quả sức khỏe hết sức nghiêm trọng và lâu dài cho sức khỏe của trẻ. Do đó, cha mẹ hãy bắt đầu cho trẻ ăn dặm vào thời điểm thích hợp để đảm bảo ăn dặm hiệu quả và an toàn cho trẻ.