Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi xảy ra khi cơ thể nhiễm siêu vi như Rhinovirus, Adenovirus, Enterovirus và virus cúm. Vi rút là những vi trùng cực nhỏ, dễ lây lan từ người này sang người khác, đặc biệt dễ lây bệnh ở trẻ nhỏ.
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường làm cho hệ miễn dịch của trẻ suy yếu nên virus, vi sinh vật dễ tấn công, gây bệnh. Sốt virus là bệnh tương đối phổ biến.
Khi trẻ bị sốt siêu vi, thường sẽ có những triệu chứng phổ biến như:
- Sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao đến 39 độ
- Ớn lạnh, rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật
- Đổ mồ hôi
- Mất nước
- Chán ăn
- Ho, chảy nước mũi
- Tiêu chảy
- Phát ban
Đọc thêm:
- Sốt có nên uống nước cam không? Bị sốt virus nên ăn gì?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Trẻ em có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng hơn người lớn
Các triệu chứng sốt virus sẽ kéo dài vài ngày, sau đó sẽ thuyên giảm và phục hồi.
Khi bị sốt virus, trẻ có thể điều trị tại nhà nếu các triệu chứng không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, để trẻ nhanh hồi phục và tránh bệnh trở nặng, cha mẹ nên có những biện pháp chăm sóc phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bé.
- Chăm sóc khi trẻ bị sốt
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên cởi bớt quần áo của trẻ, mặc lớp áo mỏng để giúp cơ thể toả nhiệt ra bên ngoài.
Hơn nữa, có thể chườm ấm cho trẻ ở những khu vực như nách, bẹn, người. Khi chườm cho bé cần hạn chế khu vực có gió, lạnh.
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C nên dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, không nên cho trẻ dùng liên tục, ít nhất cách từ 4 đến 6 tiếng mới có thể dùng liều tiếp theo, đặc biệt không cho trẻ uống aspirin. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ nên dùng theo thuốc được bác sĩ chỉ định.
- Bù nước
Khi sốt cơ thể thường bị mất nước nên dễ dẫn tới tình trạng kiệt sức. Vì vậy, nên bổ sung đầy đủ nước cho bé bằng nước lọc, điện giải, nước ép, súp, … Không nên ép bé uống quá nhiều trong thời gian ngắn, nên bù nước một cách từ từ cho bé trong ngày.
- Chống bội nhiễm
Sau khi trẻ hết sốt, cha mẹ có thể vệ sinh tắm rửa nhanh cho bé bằng nước ấm. Nhỏ mắt và mũi bằng nước muối Natri Clorua 0,9% để hạn chế nhiễm khuẩn xuống đường hô hấp.
- Chế độ dinh dưỡng
Để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, bố mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất và vitamin cho bé qua chế độ ăn uống. Một số thực phẩm được khuyến khích cho trẻ bị sốt virus như cháo thịt bằm, súp, nước ép hoa quả, … Thêm vào đó, hạn chế cho bé ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, nước có ga, ... vì ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ.
Hơn nữa, thời gian này cần cho bé nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để nhanh chóng khỏi bệnh.
Các triệu chứng của sốt virus khá giống với cảm cúm, covid-19, sốt rét nên để được chẩn đoán chính xác, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra và dùng theo đơn thuốc của bác sĩ.
Ngoài ra, khi trẻ điều trị ở nhà gặp một số triệu chứng sau, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện sớm nhất có thể:
- Sốt cao từ 39 độ trở lên, đối với trẻ sơ sinh, sốt trên 38 độ C cha mẹ cần đặc biệt lưu ý
- Lờ đờ bất thường
- Cơn sốt kéo dài hơn ba ngày.
- Sốt không đáp ứng với thuốc.
- Trẻ không duy trì giao tiếp bằng mắt với bạn
- Co giật
Sốt virus là bệnh truyền nhiễm, dễ lây qua các giọt bắn, khi tiếp xúc với các bề mặt, đồ dùng có chứa virus. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh này ở trẻ, bố mẹ nên:
- Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn
- Hạn chế tiếp xúc với các bề mặt, đồ chơi công cộng vì dễ nhiễm virus
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt khi giao tiếp với những người có triệu chứng ho, sổ mũi
- Tăng cường miễn dịch bằng chế độ ăn uống nhiều dưỡng chất và vitamin như rau xanh, trái cây, thịt, trứng, sữa, …
- Cho trẻ tập thể dục, vận động nhẹ nhàng để nâng cao sức đề kháng
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ ngăn ngừa sự phát triển của virus.
Sốt virus là bệnh phổ biến ở trẻ khi thời tiết thay đổi. Thông thường, sốt siêu vi không quá nguy hiểm và có thể điều trị tại nhà. Nhưng không vì thế mà bố mẹ chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe của con khi bị bệnh. Nếu trẻ bị sốt kéo dài, xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo:
- How to Treat a Viral Fever at Home