Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu, các cấp độ và cách điều trị

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu, các cấp độ và cách điều trị
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng không chỉ gây đau đớn mà còn mang đến nhiều rắc rối trong cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Cấu tạo cột sống của con người bao gồm 33 đốt sống. Chúng được chia thành 5 nhóm chính là: Đốt sống cụt, đốt sống hông, đốt sống thắt lưng, đốt sống lưng và đốt sống cổ. Đốt sống thắt lưng bao gồm 5 đốt được ký hiệu từ L1 đến L5.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một dạng bệnh lý cột sống do tình trạng nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường gây chèn ép lỗ tủy sống hoặc rễ thần kinh gây đau đớn cho người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một bệnh lý nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Đau nhức, ê buốt chân, ảnh hưởng tới sinh hoạt và làm việc, teo cơ, tê liệt chân, bại liệt hoặc tàn phế vĩnh viễn. Vậy nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì? Có những dấu hiệu nào cho biết bạn đang bị bệnh?

1. Có những nguyên nhân nào gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?

Nam giới bước sang tuổi trung niên (từ 35 đến 50 tuổi) sẽ có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Bởi đây là thời điểm hệ thống xương khớp bắt đầu bị lão hoá. Theo thời gian, lớp bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách khiến cho nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài. Chúng chèn vào cột sống và đè ép dây thần kinh vùng thắt lưng dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh vấn đề tuổi tác thì những người hay phải làm công việc nặng nhọc, nhân viên văn phòng, người bị tai nạn hoặc chấn thương cột sống do lao động khiến đĩa đệm bị lồi hoặc rách,... cũng là nguyên nhân dẫn đến thoát vị.

Các hội chứng bẩm sinh như lưng gù, cong vẹo cột sống, cha mẹ có vấn đề về xương khớp và di truyền cho con cũng là nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Ngoài ra bị thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tập thể dục không đúng cách,...đều là những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cho người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu, các cấp độ và cách điều trị - Ảnh 1.

Tuổi tác là một trong những nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ở người bệnh - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

- Thoát vị đĩa đệm có chữa được không? Các phương pháp điều trị hiệu quả nhất

- Thoát vị đĩa đệm có nên tập Yoga không? Cần lưu ý gì?

2. Các dấu hiệu nhận biết thường gặp

Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường có những biểu hiện như: Đau nhức tại vị trí cột sống thắt lưng, cảm giác tê ngứa thường xuyên xảy ra sau khi thức dậy, yếu cơ khiến việc di chuyển, vận động gặp nhiều khó khăn,...

- Đau nhức tại vị trí cột sống thắt lưng: Các cơn đau thường xuyên xảy ra và có xu hướng lan rộng từ vị trí bị thoát vị xuống vùng mông và hông. Cơn đau có thể kéo đến đột ngột, dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ảnh hưởng đến dây thần kinh người bệnh có thể bị đau cả vùng bắp chân, bàn chân và toàn bộ mông, đùi.

- Co cứng vùng thắt lưng: Đây là tình trạng xảy ra khi nhân nhầy đĩa đệm chèn ép nặng lên các dây thần kinh khiến người bệnh không thể ngồi hoặc di chuyển như bình thường. Trong trường hợp này, chân tay của người bệnh cũng bị ảnh hưởng do co cứng.

- Tê bì, yếu cơ, mất cảm giác: Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng còn luôn có cảm giác tê ngứa khi thức dậy vào buổi sáng. Đồng thời cơ cũng bị yếu đi dẫn đến khó khăn khi vận động, di chuyển. Bên cạnh đó, khi dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng còn gây mất cảm giác ở người bệnh.

- Vùng thắt lưng bị ửng đỏ, sưng tấy: Dấu hiệu này phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Ngoài sưng tấy người bệnh còn có cảm giác đau nhức, nóng ra tại khu vực bị thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng thường gặp thì bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

- Hình ảnh X - quang: Phát hiện cấu trúc xương và đường viền cột sống có những dấu hiệu bất thường khi xem kết quả hình ảnh.

- Hình ảnh CT Scan: Tủy sống và cấu trúc xương xung quanh bị chèn ép.

- Hình ảnh MRI: Phương pháp chẩn đoán chính xác tình trạng thoát vị đĩa đệm, tổn thương mô mềm xung quanh và cột sống.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu, các cấp độ và cách điều trị - Ảnh 2.

Đau nhức tại vị trí cột sống thắt lưng là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thoát vị đĩa đệm - Ảnh: Internet

3. Cấp độ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Các chuyên gia cho biết, tình trạng thoát vị đĩa đệm được chia thành 4 giai đoạn tương đương với 4 cấp độ thường gặp. Các triệu chứng của bệnh tăng dần theo từng cấp độ.

3.1. Cấp độ 1

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cấp độ 1 là phần đĩa đệm bắt đầu bị phình và lồi ra. Ở cấp độ này các lớp bao xơ vẫn nguyên vẹn, chưa bị nứt, rách, nhưng phần nhân nhầy bên trong đã bị biến dạng đáng kể.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cấp độ 1 chưa có triệu chứng bệnh rõ ràng nên rất khó nhận biết. Ở một số trường hợp người bệnh có thể bị nhầm lẫn dẫn đến điều trị sai cách gây hậu quả nghiêm trọng.

3.2. Cấp độ 2

Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cấp độ 2, người bệnh sẽ phải đối diện với tình trạng bao xơ bên ngoài bị suy yếu. Lúc này nhân nhầy vẫn nằm trong bao xơ nhưng chúng có khả năng chèn ép lên dây thần kinh và gây ra các cơn đau cho người bệnh.

3.3. Cấp độ 3

Bước sang cấp độ 3, đĩa đệm của người bệnh bắt đầu bị thoát vị. Lúc này các bao xơ bên ngoài đã bị rách, nhân nhầy trực tiếp thoát ra và gây sức ép lên các dây thần kinh xung quanh. Khi đó người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức dữ dội tại vùng thắt lưng có đĩa đệm bị thoát vị.

3.4. Cấp độ 4

Bước sang cấp độ 4, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ xuất hiện các mảnh rời. Khu vực thoát vị ngày càng lan rộng, nhân nhầy đĩa đệm tách khỏi các bao xơ. Tình trạng bệnh chuyển nặng có thể gây ra biến chứng liệt nửa người ở giai đoạn này.

Trong lâm sàng, các cấp độ bệnh không diễn ra theo từng giai đoạn cụ thể. Nó có thể tiến triển đột biến, bất ngờ. Đặc biệt là khi người bệnh bị chấn thương nghiêm trọng hoặc phải chịu tác động lớn từ những yếu tố bên ngoài.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, dấu hiệu, các cấp độ và cách điều trị - Ảnh 3.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cấp độ 4 có thể dẫn đến liệt nửa người nếu không được điều trị sớm - Ảnh: Internet

Đọc thêm: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị.

4. Cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Phần lớn các trường hợp bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa từ 3 đến 4 tuần. Trong khoảng thời gian này nếu hiệu quả điều trị có thể đáp ứng trên 50% thì người bệnh có thể tiếp tục áp dụng phương pháp này lâu dài hơn.

Trong trường hợp vòng xơ bị vỡ, nhân đệm đi qua khe hở của dây chằng dọc sâu vào ống sống hoặc lỗ thần kinh gây chèn ép nặng và chùm đuôi ngựa, người bệnh sẽ phải tiến hành điều trị ngoại khoa sớm.

4.1. Khi nào cần phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng với các trường hợp sau:

- Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm kèm theo đau rễ điển hình ở một hoặc hai chân.

- Thoát vị đĩa đệm kèm theo triệu chứng teo cơ cẳng chân và tê ở bàn hoặc ngón chân.

- Nhân đệm nằm trong ống sống hoặc bệnh nhân bị hẹp lỗ thần kinh nặng kèm đau rễ điển hình.

4.2. Một số phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Điều cần lưu ý khi phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là cân nhắc lựa chọn phương pháp mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Hiện nay, có hai phương pháp điều trị ngoại khoa thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng mang lại hiệu quả tốt nhất, đó là:

- Ứng dụng vi phẫu thuật loại bỏ nhân đệm: Phương pháp này được áp dụng rộng rãi khi điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Các chuyên gia sử dụng kính vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm giúp giải phóng rễ thần kinh.

Phương pháp vi phẫu thuật giúp quan sát rất rõ tủy sống, rễ thần kinh và các tĩnh mạch quanh màng cứng, nhân đệm,...từ đó giúp hạn chế tối đa những tai biến có thể xảy ra khi tiến hành phẫu thuật. Đồng thời giúp rút ngắn thời gian phục hồi sau phẫu thuật của bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

- Phẫu thuật lấy nhân đệm qua nội soi: Đây là phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên kết quả lấy nhân đệm vẫn còn nhiều hạn chế so với phương pháp lấy nhân đệm vi phẫu thuật. Bên cạnh đó, phương pháp này không thẻ ứng dụng với một số trường hợp dưới đây:

+ Bệnh nhân đã từng mổ thoát vị đĩa đệm lưng trước đây.

+ Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đa tầng hoặc thoát vị trung tâm.

+ Bệnh nhân bị hẹp ống sống kèm theo hoặc hẹp lỗ liên hợp, hẹp ngách bên, hẹp khoang đĩa đệm,...

+ Thoát vị đĩa đệm tái phát và xơ hóa hoặc bị mất vững cột sống.

Tóm lại, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý thường gặp khi bước vào độ tuổi trung niên. Bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường bạn nên đến ngay bệnh viện để thăm khám, chụp cộng hưởng MRI và được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.


Tác giả: HT