Thoát vị đĩa đệm cột sống là bệnh lý xương khớp phổ biến hàng đầu ở người cao tuổi, tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều so với người trẻ và trung niên. Đây là tình trạng phần đĩa đệm giữa đốt sống bị tổn thương, màng bao lấy đĩa đệm bị rách ra, nhân nhầy phía bên trong có cơ hội thoát ra ngoài và chèn lên đốt sống, rễ thần kinh lân cận.
Tình trạng chèn ép này làm cho máu không lưu thông được biểu hiện bằng cảm giác đau nhức và về lâu dài sẽ bị mòn đĩa đệm, thoái hóa nghiêm trọng. Ở người lớn tuổi, nhất là những người có sức khỏe không tốt, thời trẻ làm nhiều việc nặng nhọc không được điều dưỡng cơ thể khỏe mạnh thì rất dễ bị bệnh này và khó có khả năng hồi phục hoàn toàn.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm ở người cao tuổi khá dễ hiểu, phần lớn là do sự lão hóa ở cơ thể người. Đây là một chu trình tự nhiên, không thể ngăn cản mà chỉ có thể làm chậm lại ít nhiều nhờ các biện pháp chăm sóc sức khỏe.
Thực tế, từ độ tuổi 35 trở đi, cơ thể con người bắt đầu có sự lão hóa ngày một rõ và đến khi có tuổi, cao tuổi, sự lão hóa biểu hiện rõ rệt ở hệ thống cơ xương khớp. Đĩa đệm vừa mất đi độ đàn hồi trước đây, vừa không dung nạp được chất dinh dưỡng để tái tạo nên áp lực tác động lên càng dễ làm cho chúng bị thoái hóa và thoát vị.
Khi tuổi đã cao mà từ trước đó không chú ý tới các biện pháp chăm sóc, giữ gìn sức khỏe, không thường xuyên tập thể dục và sai tư thế làm việc, sinh hoạt trong thời gian dài thì nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cột sống càng cao. Áp lực từ vận động và sinh hoạt tác động lên cột sống chèn ép đĩa đệm khiến chúng bị thoát vị, tổn thương dần dần gây ra những cơn đau nhức khó chịu và mệt mỏi cho cơ thể.
Bên cạnh đó, cân nặng cũng là một trong những nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống ở người cao tuổi. Một bộ phận không nhỏ người cao tuổi bị thừa cân, cân nặng vượt quá tiêu chuẩn gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Ngoài ra, các yếu tố như di truyền, tai nạn, chấn thương không điều trị dứt điểm sẽ càng dễ bạn bị thoát vị đĩa đệm khi về già.
Khác với người trẻ tuổi bị thoát vị đĩa đệm do tính chất công việc nên thường chỉ bị 1 loại thoát vị nhất định, người cao tuổi dễ bị thoát vị đa tầng, tổng hợp cả 2 loại lưng và lưng. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm sẽ rõ rệt trước hết ở những vị trí nhất định, cụ thể như:
- Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: đau nhức vùng cổ, gáy, đau lan từ cổ xuống 2 bả vai và 2 bên cánh tay. Về lâu dài, cảm giác đau kèm theo tê bì tay, thân trên khi vận động và di chuyển. Người cao tuổi bị thoát vị đĩa đệm cổ còn dễ khiến bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, mất cân bằng khi di chuyển. Đặc biệt vào sáng sớm, bệnh nhân dễ bị cứng khớp, khó cử động.
- Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: đau mỏi, nhức nhói ở thắt lưng, đau lan cột sống lưng và xuống tận hông, mông, 2 bên đùi. Khi bệnh trở nặng hơn, người bệnh sẽ bị đau tê dần xuống cả 2 bàn chân, tê dại các ngón chân.
Bệnh nhân gặp khó khăn khi di chuyển, biểu hiện rõ rệt có thể nhìn thấy được là đi không thẳng hàng, khập khiễng.
- Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm đa tầng: người bệnh cùng lúc bị thoát vị ở đốt sống cổ và thắt lưng. Với trường hợp này, người bệnh dễ bị biến chứng hơn cả và cũng gặp nhiều khó khăn khi điều trị.
Mặc dù là bệnh lý xương khớp nhưng thoát vị đĩa đệm cột sống lại gây ảnh hưởng rất lớn tới thần kinh, đặc biệt là mắc bệnh khi đã lớn tuổi. Một số biến chứng thoát vị đĩa đệm thường gặp ở người cao tuổi như:
- Thiếu máu não: người bệnh bị đau đầu, chóng mặt thường xuyên, dễ bị choáng váng, ngất.
- Trượt đốt sống: đĩa đệm bị thoát vị sẽ dễ gây trượt cột sống, làm mất cân bằng cho cơ thể, nhất là khi di chuyển. Biểu hiện bằng mắt thường với biến chứng này là tình trạng gù lưng ở người cao tuổi.
- Đau dây thần kinh tọa: thường gặp ở những người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, cơn đau nhức dai dẳng lan từ thắt lưng xuống hông và 2 chân.
- Xẹp đĩa đệm: tình trạng thoái hóa, lão hóa khi cao tuổi còn kèm theo sự hấp thu dinh dưỡng kém. Đĩa đệm bị thoát vị, cơ thể không hấp thụ tốt dinh dưỡng khiến nhân nhầy không được tái tạo đủ để bổ sung vào lượng thoát vị do đó đĩa đệm bị xẹp dần, mất dần khả năng ma sát giữa 2 đốt sống.
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống ở người cao tuổi khó điều trị khỏi hoàn toàn và dễ gặp biến chứng. Do vậy, ngay khi có những biểu hiện đau nhức xương khớp, người bệnh cần được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.