Những quan niệm sai lầm về bệnh thoái hóa cột sống

Những quan niệm sai lầm về bệnh thoái hóa cột sống
Thoái hoá cột sống là bệnh thường gặp nhưng không phải ai cũng được trang bị đầy đủ kiến thức. Có những lầm tưởng về bệnh khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Thoái hoá cột sống được hiểu là quá trình xương cột sống bắt đầu lão hoá, mất dần cấu trúc và chức năng vốn có của nó. Bệnh xảy ra chủ yếu ở phần cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Nguyên nhân là do các phần này chịu nhiều áp lực, dễ bị tổn thương và lão hoá hơn bộ phận khác. Hiện nay, còn tồn tại rất nhiều cách hiểu sai lầm về thoái hóa cột sống từ các nguồn tin không chính thống. Phổ biến nhất là các lầm tưởng sau đây:

1. Thoái hoá cột sống là căn bệnh của tuổi già

Sau tuổi 50 người ta thường dễ mắc các bệnh liên quan đến xương khớp, đặc biệt là thoái hoá cột sống. Do đó, rất nhiều người nghĩ rằng đây là căn bệnh do tuổi tác và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên điều này không phản ánh chính xác thực trạng bệnh hiện nay.

Theo thống kê, lượng người mắc thoái hoá cột sống ở độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng. Đối tượng chủ yếu là người làm công việc nặng nhọc, dân văn phòng từ 30 đến 35 tuổi. Nguyên nhân xuất phát từ đặc thù công việc, lối sống và sinh hoạt không hợp lý.

Bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn nặng do sự chủ quan của chính người bệnh. Vì vậy, đừng thờ ơ khi phát hiện các triệu chứng liên quan đến thoái hóa cột sống. Thời gian luôn là nguyên tắc vàng trong điều trị. Hãy có kế hoạch thăm khám và điều trị kịp thời trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Có thể tự điều trị thoái hóa cột sống bằng các loại thuốc giảm đau

Đặc trưng của thoái hoá cột sống là các cơn đau dữ dội tại vùng thoái hoá. Nhiều người thường chọn các giải pháp giảm đau tức thời để tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, các giải pháp như sử dụng thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Cơn đau sẽ tiếp tục tái phát và có xu hướng ngày càng nặng thêm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc không theo chỉ định còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Hậu quả đầu tiên phải kể đến là tình trạng kháng thuốc, khiến việc điều trị sau đó trở nên khó khăn hơn. Người bệnh thoái hóa cột sống muốn sử dụng bất kì một loại thuốc hay chế phẩm bổ sung canxi, magie, vitamin nào cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Khi bị đau xương cột sống, người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín, đầy đủ thiết bị máy móc để kiểm tra trước khi điều trị. Các bác sĩ tại đây sẽ có các phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

3. Thoái hoá cột sống hoàn toàn không tái phát sau phẫu thuật

Phẫu thuật cột sống là phương pháp được chỉ định khi bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau phụ thuộc vào tình trạng thoái hóa ở người bệnh.

Rất nhiều bệnh nhân tin rằng thoái hóa cột sống không có khả năng tái phát sau phẫu thuật. Do đó họ thiếu ý thức chăm sóc sức khoẻ xương khớp ở quá trình hồi phục sau mổ. Thực tế, có rất nhiều trường hợp bị đau trở lại và cơn đau có thể trầm trọng hơn.

Chính vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ sau khi tiến hành phẫu thuật. Đồng thời nên kết hợp với các gợi ý chăm sóc sức khỏe sau:

- Có ý thức thăm khám định kỳ, chăm sóc vết thương sau phẫu thuật.

- Chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, tránh các thức ăn nhiều tinh bột và dầu mỡ.

- Bổ sung các nguồn cung cấp canxi, magie từ tự nhiên hoặc các chế phẩm khác theo chỉ định.

- Tránh vận động mạnh, ngồi và nằm sai tư thế trong thời gian dài.

- Thường xuyên xoa bóp nhẹ nhàng toàn cơ thể.

- Tập vật lý trị liệu theo yêu cầu của bác sĩ.

Các thông tin về sức khoẻ cần được tìm hiểu ở những nguồn đáng tin cậy. Những lầm tưởng về thoái hoá cột sống có thể khiến bạn phải hối tiếc. Đừng quên chăm sóc sức khoẻ bản thân và xin tư vấn bác sĩ khi cần thiết nhé!


Tác giả: Thùy Dung