Thoái hoá cột sống và những câu hỏi thường gặp

Thoái hoá cột sống và những câu hỏi thường gặp
Thoái hoá cột sống là căn bệnh thường gặp nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Nắm được các kiến thức liên quan đến bệnh giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình điều trị.

Có rất nhiều thắc mắc xung quanh bệnh thoái hoá cột sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội và thời gian để nhận sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ. Sau đây là các câu hỏi thường gặp nhất liên quan đến căn bệnh này.

1. Thoái hoá cột sống là gì? Có nguy hiểm hay không?

Thoái hoá cột sống là căn bệnh phổ biến về xương khớp, xảy ra khi cột sống có tình trạng lão hoá, không còn duy trì được cấu trúc và chức năng. Hai vùng cột sống dễ bị thoái hóa nhất là cột sống cổ và cột sống thắt lưng.

Đây là căn bệnh mãn tính, gây ra các cơn đau nhức kéo dài tại vùng thoái hoá. Bệnh tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng có thể gây ra các biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hậu quả của thoái hoá cột sống có thể kể đến như hạn chế vận động, teo cơ, thậm chí bại liệt.

2. Thói quen sinh hoạt có thể gây thoái hóa cột sống không?

Có nhiều nguyên nhân gây thoái hoá cột sống không chỉ riêng yếu tố tuổi tác, bao gồm:

Thoái hoá tự nhiên: Cột sống bắt đầu có tình trạng lão hoá và dễ tổn thương khi bước qua tuổi 30. Đây là nguyên nhân thoái hoá cột sống khách quan và không thể tránh khỏi.

Do tính chất công việc, sinh hoạt: Những công việc lao động nặng khiến quá trình thoái hoá được đẩy nhanh hơn. Tư thế ngồi không đúng, kê gối quá cao khi nằm cũng là nguyên nhân khiến cột sống tổn thương.

Do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Cột sống có nguy cơ bị bào mòn và khó tái tạo do thiếu canxi, magie và các vitamin. Nên bổ sung các khoáng chất này hàng ngày để khung xương chắc khoẻ hơn.

Do các chấn thương, tai nạn: Các chấn thương cột sống không được điều trị đúng cách có thể để lại di chứng gây thoái hóa cột sống.

Do di truyền: Di truyền cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hoá cột sống.

3. Biểu hiện của bệnh thoái hoá cột sống như thế nào?

Bệnh thoái hoá cột sống thường có các triệu chứng như sau:

- Xuất hiện các cơn đau liên tục và kéo dài tại vùng cổ, vai, gáy và thắt lưng. Đau có xu hướng lan xuống các vùng kế cận như hông, tay và hai chân.

- Đau thắt và tê cứng khi vận động, khi thay đổi thời tiết hoặc vào ban đêm.

- Hạn chế khi vận động mạnh, đặc biệt là xoay hoặc cúi người.

- Cơn đau chỉ giảm khi nghỉ ngơi nhưng lại tái phát sau đó khi vận động.

- Xuất triệu chứng biến dạng đường cong tự nhiên của cột sống. Biểu hiện ở cột sống cổ hoặc sống lưng.

4. Tôi có thể chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa cột sống không?

Thoái hoá cột sống hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Sau điều trị, bệnh nhân có thể giảm thiểu được các cơn đau nhức và ngăn ngừa biến chứng. 

Người bệnh dù không hồi phục được hoàn toàn chức năng cột sống nhưng việc điều trị là cần thiết. Các can thiệp y học sẽ góp phần làm chậm quá trình thoái hoá ở người bệnh.

5. Hiện nay có các phương pháp điều trị thoái hoá cột sống nào?

Tuỳ thuộc và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị. Các phương pháp điều trị thoái hoá cột sống hiện nay có thể kể đến:

Điều trị bảo tồn bằng thuốc: Điều trị bằng các loại thuốc giảm đau, tiêu viêm nhằm kiểm soát tình trạng bệnh. Người bệnh có thể sử dụng các thực phẩm chức năng cho xương khớp theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị bằng các phương pháp cổ truyền kết hợp dinh dưỡng: Các liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng giảm bớt các cơn đau tại vùng thoái hoá. Đồng thời, kết hợp chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất để quá trình điều trị tích cực hơn.

Phương pháp phẫu thuật: Can thiệp bằng phẫu thuật khi thoái hoá cột sống gây hạn chế vận động và xảy ra biến chứng. Tuỳ theo tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phẫu thuật tối ưu.  Có các phương pháp như: mổ hở, nội soi, mổ cố định cột sống, thay thế đĩa đệm nhân tạo…

Trên đây là những câu hỏi phổ biến nhất về bệnh thoái hoá cột sống. Hy vọng đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của các bạn về căn bệnh ngay. Hãy chia sẻ thêm những điều mà bạn vẫn còn đang băn khoăn về thoái hoá cột sống để nhận tư vấn nhé.


Tác giả: Thùy Dung