Thoái hóa cột sống là một trong những bệnh xương khớp rất hay gặp ở người cao tuổi. Tỷ lệ thoái hóa cột sống ở người già lên đến trên 85%. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu? Có cách nào để nhận biết nguyên nhân có thể ngăn chặn để hạn chế nguy cơ mắc bệnh hay không?
Cho đến nay, nguyên nhân chính gây ra thoái hóa cột sống ở người già vẫn là vấn đề tuổi tác. Chính vì vậy, chúng ta càng dễ mắc bệnh khi tuổi càng cao. Theo thời gian, xương sống cũng sẽ gặp phải vấn đề lão hóa tự nhiên cùng cơ thể. Lúc này, cột sống trở nên yếu dần, bong tróc. Phần xương dưới sụn, dây chằng cột sống bị xơ hóa, đĩa đệm mất nước,…
Ban đầu, thoái hóa cột sống chỉ gây đau nhức cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu để lâu không điều trị, cơn đau sẽ dần nặng lên và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có nguy cơ mất kiểm soát các cơ quan trên cơ thể, teo cơ hoặc liệt toàn thân.
Cột sống của con người kéo dài từ hộp sọ đến xương chậu. Nó đóng vai trò định hình dáng đi thẳng bằng hai chân, nâng đỡ cơ thể và bảo vệ các dây thần kinh cột sống.
Đoạn cột sống dễ bị thoái hóa nhất là cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Đây là những vùng linh hoạt nhất của cột sống, cũng là vùng chịu lực và hoạt động nhiều nhất, dễ bị tổn thương.
Cột sống cổ gồm 7 đốt từ C1 - C7, trong đó C5, C6, C7 là 3 đốt sống dễ bị thoái hóa nhất. Bệnh gây ra cơn đau vùng cổ, vai gáy, có thể lan xuống tay, đi kèm đau đầu, chóng mặt, ù tai.
Thoái hóa cột sống thắt lưng xảy ra nhiều ở các đốt L4 - L5, L5 - S1. Bệnh nhân đau nhức âm ỉ ở thắt lưng và thường bị rối loạn cảm giác.
Dù xảy ra ở vị trí nào thì thoái hóa cột sống ở người già vẫn gây hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Thoái hóa cột sống khi về già là điều tự nhiên ai cũng gặp phải, khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biết được các nguyên nhân khác ngoài lão hóa khiến bệnh tình đến sớm và trầm trọng hơn, chúng ta sẽ có cách tự điều chỉnh sinh hoạt hợp lý để bảo vệ sức khỏe của mình.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến bệnh thoái hóa cột sống ở người già ngày càng có nguy cơ "trẻ hóa":
- Dinh dưỡng không hợp lý: Trong khẩu phần ăn không bổ sung rau quả, vitamin, canxi, magie khiến xương phát triển kém. Ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp có chất bảo quản gây nhiều nguy hại đến sức khỏe. Bên cạnh đó, lạm dụng rượu bia, chất kích thích cũng khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
- Lao động sai tư thế: Tính chất công việc đứng hoặc ngồi quá lâu, thường phải cúi gập người hoặc ngửa cổ khiến cấu trúc cột sống bị biến đổi, dẫn đến hình thành và phát triển bệnh.
- Hoạt động cường độ cao, quá sức: Thường xuyên bưng bê, khuân vác vật nặng, hoặc tập luyện thể thao quá mức cũng là nguyên nhân làm cho cột sống bị tổn thương nhanh chóng, thúc đẩy cột sống bị thoái hóa sớm.
- Lười vận động: Lười vận động, lười thể dục thể thao khiến máu lưu thông kém, không đưa kịp và đủ chất dịnh dưỡng đến nuôi cột sống. Điều này khiến lớp sụn, xương dưới sụn và các thành phần cơ, gân, dây chằng trở nên yếu ớt, kém linh hoạt, dễ bị tổn thương. Đây cũng là yếu tố khiến cho bệnh thoái hóa cột sống ở người già lại sớm phát triển và biểu hiện khi tuổi vẫn còn trẻ.
Trên đây là những nguyên nhân thoái hóa cột sống ở người già. Mắc bệnh do quá trình lão hóa tự nhiên rất khó để can thiệp. Tuy nhiên, các nguyên nhân thúc đẩy thoái hóa thì lại rất dễ điều chỉnh để phòng tránh bệnh.