Vitamin C là vi chất quan trọng trong quá trình tăng sinh collagen tại các sụn khớp, khi cơ thể thiếu Vitamin C lâu ngày dẫn đến làm giảm tạo chất nền ngoài tế bào của sụn khớp gây nên bệnh thoái hóa tại khớp xương.
Theo kết quả của một số nghiên cứu, Vitamin C thúc đẩy sự gia tăng mật độ xương. Nếu bạn để cơ thể thiếu Vitamin C lâu ngày đến mức nghiêm trọng, chắc chắn xương sẽ gặp phải những vấn đề như loãng xương, xương yếu, dễ gãy...
Vitamin C là trợ thủ đắc lực giúp cơ thể chúng ta hấp thụ sắt. Nếu thiếu Vitamin C lâu ngày sẽ dẫn đến sự thiếu sắt do cơ thể kém hấp thu. Từ đó, gây ra tình trạng thiếu máu.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cơ thể không được bổ sung đầy đủ Vitamin C cần thiết trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như thoát mạch, yếu thành mạch, chức năng tim suy giảm...
Vì vậy, để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hãy chú ý không để cơ thể bị thiếu Vitamin C lâu ngày
Những người bị thiếu Vitamin C lâu ngày có nguy cơ cao mắc bệnh Scorbut. Bệnh nhân sẽ thấy nhiều triệu chứng điển hình của bệnh như: gặp các vấn đề về răng nướu (chảy máu chân răng, viêm nướu, răng lung lay dễ rụng…), sưng tại các khớp, xuất hiện xuất huyết dưới da...
Vitamin C có chức năng làm tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể. Khi thiếu Vitamin C lâu ngày, hàng rào bảo vệ này suy yếu không còn đủ sức chống chọi lại các gốc tự do gây bệnh. Kết quả về lâu dài sẽ khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Theo TS-BS Nguyễn Vĩnh (Khoa Khớp - Bệnh viện Bạch Mai), bạn nên làm các xét nghiệm chuyên sâu để biết thực sự cơ thể mình có bị thiếu Vitamin C hay không và có hướng điều trị thích hợp.
Bác sĩ Vĩnh cho biết, quá trình điều trị thiếu Vitamin C không phức tạp và tốn kém. Nếu bạn thực sự thiếu Vitamin C lâu ngày và được chẩn đoán thiếu Vitamin C, bác sĩ sẽ kê cho bạn dùng thuốc bổ sung Vitamin C hàng ngày. Cụ thể là 1 - 2 gram Vitamin C trong vòng 15 ngày để làm giảm các triệu chứng mà cơ thể phát ra cảnh báo tình trạng thiếu Vitamin C.
Đối với những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, nhu cầu Vitamin C cần duy trì thường xuyên là 500mg/ngày.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo: Không nạp vào cơ thể quá 2gr Vitamin C một ngày vì có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy…
Nếu bạn đang bị thiếu Vitamin C lâu ngày, đừng quá lo lắng mà vội vàng dùng thuốc, hãy lưu ý bổ sung Vitamin C bằng cách an toàn nhất chính là dinh dưỡng hàng ngày.
Vitamin C có hàm lượng dồi dào trong nhiều loại thực phẩm dễ tìm như:
- Trái cây tươi: ổi, dâu tây, kiwi, lý chua đen, cam, quýt, bưởi, đu đủ, dứa...
Bạn nên ăn trái cây cắt miếng hơn là uống nước ép để giữ nguyên hàm lượng Vitamin C có sẵn. Đồng thời, cũng giúp cho cơ thể bổ sung chất xơ chống táo bón hiệu quả.
- Rau củ: rau có màu xanh lá đậm (rau bina, cải bó xôi, cải kate…), bông cải xanh, súp lơ, cà chua, khoai lang…
Rau củ chứa nhiều Vitamin C được khuyên nên hấp khi chế biến hơn luộc. Nếu luộc bạn có thể tận dụng uống nước luộc rau củ này để hấp thu các Vitamin C hòa tan cũng rất tốt.
Tuyệt đối không tự ý bổ sung Vitamin C dạng thuốc, thực phẩm chức năng liều cao vì nó có thể sẽ khiến bạn bị ngộ độc Vitamin C.