Thiếu máu não là gì? Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị sớm

Thiếu máu não là gì? Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị sớm
Thiếu máu não có thể dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não thậm chí là tử vong ở bất cứ ai. Đừng để bản thân gặp phải những hậu quả nghiêm trọng khi không hiểu thiếu máu não là gì và các vấn đề liên quan.

Nếu như trước đây, bệnh thiếu máu não thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi thì hiện nay, bệnh ngày càng phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi đặc biệt là người lao động trí óc. Nhiều người chủ quan bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh, đến khi bệnh trở nặng thậm chí biến chứng mới thăm khám. Vậy dấu hiệu thiếu máu não là gì, cách chữa trị như thế nào?

1. Thiếu máu não là gì?

Thiếu máu não còn có tên gọi khác là thiểu năng tuần hoàn não xảy ra khi thiếu hụt oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động của não. Oxy và các chất dinh dưỡng thông qua các động mạch đưa vào máu để cung cấp cho não. 

Các động mạch cung cấp máu cho não theo một con đường nhất định đồng thời mọi vùng trong não được cung cấp đầy đủ máu từ một hoặc nhiều động mạch. Khi một động mạch trong não bị tắc nghẽn hoặc chảy máu không được cung cấp đủ máu, điều này dẫn đến việc cung cấp oxy xuống vùng não dựa vào động mạch đó gặp vấn đề.

Một vùng thiếu hụt oxy trong não dù chỉ là thiếu hụt tạm thời cũng có thể làm suy giảm chức năng nghiêm trọng. Trên thực tế, nếu các tế bào não bị thiếu oxy trong hơn một vài phút, có thể xảy ra tác hại nghiêm trọng, có thể dẫn đến cái chết của mô não. Đây là loại chết mô não còn được gọi là nhồi máu não hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-1

Hình ảnh mô tả bệnh thiếu máu não

2. Phân loại thiếu máu não

Bệnh thiếu máu não có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến thiếu máu lên não. Thiếu máu não được phân làm thiếu máu não cục bộ, thiếu máu não toàn cầu (thiếu lưu lượng máu đến toàn bộ não) và thiếu máu não khu trú. Trong đó, thiếu máu não cục bộ được phân chia nhỏ hơn theo nguyên nhân gồm huyết khối, thuyên tắc mạch và giảm lưu thông máu. Cụ thể:

- Thiếu máu não cục bộ:

Huyết khối: loại thiếu máu cục bộ do nguyên nhân tắc nghẽn mạch máu như cục máu đông hình thành hoặc sự co thắt đột ngột của động mạch. 

Thuyên tắc mạch (embolic): loại thiếu máu cục bộ do cục máu đông hình thành trong một động mạch và tiếp tục di chuyển đến một động mạch khác nhỏ hơn. Thuyên tắc mạch gây tắc nghẽn tại đích đến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não.

Giảm lưu thông máu (hypoperfusion): dạng thiếu máu não cục bộ khi lưu lượng máu tổng thể thiếu hụt. Dạng thiếu máu này thường xảy ra do chấn thương, phẫu thuật làm giảm lượng máu cung cấp đến não.

- Thiếu máu não toàn cầu:

Đây là tình trạng não bị ảnh hưởng cả một khu vực rộng lớn và thường xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị giảm mạnh hoặc ngừng lại. Ngưng tim là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng thiếu máu não toàn cầu. Nếu quá trình lưu thông máu được phục hồi trong thời gian ngắn, các triệu chứng có thể chỉ xuất hiện tạm thời. Ngược lại, nếu thời gian hiện tượng này kéo dài thì tổn thương não có khả năng tồn tại vĩnh viễn.

- Thiếu máu não khu trú: 

Thể hiện một khu vực não bị ảnh hưởng, máu đông chỉ chặn dòng máu lưu thông ở một động mạch não làm giảm lượng máu đến một vùng não nhất định.

3. Dấu hiệu

Các dấu hiệu, triệu chứng thiếu máu não có thể từ nhẹ đến nặng, có thể kéo dài vài giây, vài phút đến vĩnh viễn. Phát hiện các dấu hiệu thiếu máu não nhẹ giúp bạn có phương pháp can thiệp kịp thời, hạn chế nguy cơ trở thành vĩnh viễn. Các triệu chứng thiếu máu não bao gồm: 

- Cảm giác yếu ở một hoặc cả hai bên cơ thể.

- Mất cảm giác, không có khả năng điều khiển ở một hoặc cả hai bên cơ thể.

- Thường xuyên nhầm lẫn, không nhớ rõ, mất phương hướng.

- Một hoặc hai mắt mờ, thay đổi khả năng nhìn.

- Chóng mặt, hoa mắt, ù tai: xảy ra thường xuyên ngay cả trong không gian yên tĩnh, không gió. Cơn chóng mặt, hoa mắt làm mất thăng bằng.

- Nói lắp.

- Giảm khả năng điều khiển ý thức hoặc mất ý thức.

- Đau đầu: với thiếu máu nhẹ sẽ gây ra trạng thái nhức đầu nhẹ, sau đó có thể đau như búa bổ đặc biệt khi suy nghĩ, di chuyển hay mới ngủ dậy. Đây là trạng thái khởi phát của thiếu máu não một vùng nào đó cố định cho đến khi cơn đau khắp đầu. 

- Mất ngủ, giấc ngủ chập chờn, hay gặp ác mộng, tỉnh giấc vào nửa đêm.

- Nhức mỏi, tê bì chân tay, lạnh sống lưng, đau dọc vai gáy, đau dọc xương sườn.

Các dấu hiệu nhận biết thiếu máu não lúc đầu có thể khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, chúng tiến triển khá nhanh. Các cơn choáng ngất do thiếu máu não sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, nếu có một hoặc nhiều triệu chứng trên, hãy theo dõi và thăm khám kịp thời để phát hiện nguyên nhân gây bệnh và vấn đề sức khỏe.

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-2

Thiếu máu não ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể

4. Nguyên nhân

Thiếu máu não có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như do một bệnh hiện có (tim mạch, tổn thương đốt sống cổ, xơ vữa động mạch não) hoặc các bất thường khác. Tìm hiểu các nguyên nhân thiếu máu não là gì giúp bạn hạn chế các tác nhân hoặc có phương pháp điều trị thích hợp. Một số nguyên nhân thường gặp gồm: 

- Thiếu máu, thiếu hồng cầu hoặc các bệnh về máu.

- Mạch máu dị dạng.

- Động mạch có một hoặc nhiều mảng bám.

- Tim bẩm sinh.

- Các bệnh về tim như đau tim, nhịp tim không đều, nhịp tim nhanh.

- Mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ làm máu khó lưu thông lên não gây nên thiếu máu não.

- Cục máu đông ở não.

- Bệnh về huyết áp: huyết áp thấp và cao.

Những đối tượng nào có nguy cơ thiếu máu não:

- Huyết áp cao, huyết áp thấp.

- Người thường xuyên hút thuốc lá ảnh hưởng đến não.

- Béo phì: chất béo trong cơ thể hình thành các mảng xơ vữa thành mạch. Xơ vữa động mạch khiến lòng mạch hẹp gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.

- Người mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường.

- Người thường xuyên gối quá cao đầu khi ngủ: lúc này cổ bị gập ngay đốt sống chèn ép dây thần kinh gây ảnh hưởng đến việc tuần hoàn máu lên não.

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-3

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não

5. Chẩn đoán thiếu máu não

Để chẩn đoán thiếu máu não, các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng. Bạn sẽ được hỏi về tiền sử bệnh cũng như các triệu chứng lâm sàng đang gặp phải như chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, chân tay tê bì, mất cảm giác ở một bên cơ thể... rồi đánh giá lâm sàng tình trạng bệnh.

Sau khi chẩn đoán lâm sàng bạn sẽ được yêu cầu thực hiện một vài xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu não và mức độ của bệnh để có phương pháp điều  trị phù hợp. Các xét nghiệm bổ sung gồm:

- Chụp mạch não đồ.

- Lưu huyết não đồ.

- Siêu âm doppler.

- Chụp CT hay MRI.

- Điện não đồ, các xét nghiệm sinh hóa… để xác định nguyên nhân gây bệnh.

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-4

Hình ảnh chụp mạch não đồ

6. Phương pháp điều trị

Khi phát hiện có những dấu hiệu thiếu máu não cần đến các cơ sở y tế thăm khám ngay. Các phương pháp điều trị cũng sẽ mang lại kết quả tốt khi được điều trị kịp thời. Để điều trị bệnh, gồm các phương pháp:

Sử dụng thuốc điều trị thiếu máu não:

Có hai nhóm thuốc điều trị là thuốc làm tăng lưu lượng máu lên não để cải thiện triệu chứng, giãn các thành động mạch bị hẹp và thuốc cung cấp dưỡng chất cho não.

Nhóm thuốc tăng lưu lượng máu lên não:

- Cinnarizin: bổ sung canxi chọn lọc, tăng lưu thông máu, giảm các chất gây co mạch, tăng oxy lên não hơn.

- Piracetam: tăng cường chuyển hóa oxy và glucose lên não, bên cạnh đó giúp phục hồi những tổn thương não, chú trọng đến khả năng tổng hợp năng lượng của não và cải thiện các triệu chứng như mất trí nhớ, thiếu tập trung, hoa mắt, chóng mặt… ở người thiếu máu não.

- Ginkgo biloba: hỗ trợ điều trị triệu chứng như đau đầu, giảm trí nhớ, lo âu, mệt mỏi chán nản...

- Cerebrolysin: tăng cường dẫn truyền máu lên não, chú trọng điều hòa chức năng của các tế bào thần kinh...

Nhóm thuốc cung cấp dưỡng chất cho não: 

- Gồm vitamin C, B, sắt giúp hỗ trợ điều trị bệnh, giúp não và cơ thể có đủ những dưỡng chất cần thiết.

Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Không tự ý mua, bán, sử dụng.

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-5

Sử dụng các loại thuốc điều trị thiếu máu não theo chỉ định của bác sĩ

- Phẫu thuật mạch máu: ngăn ngừa và chữa trị đột quỵ

- Vật lý trị liệu, trị liệu ngôn từ để phục hồi chức năng của những người đột quỵ do thiếu máu não.

Ngoài những phương pháp y học, một số phương pháp hỗ trợ điều trị người bệnh cần chú ý như chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện để tốt cho não như:

- Các bài tập dưỡng sinh: yoga, đi bộ, tập thở, thái cực quyền để cung cấp dưỡng khí cho não và toàn thân, hạn chế căng thẳng.

- Cải thiện môi trường sống thư thái, giảm căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý.

- Chế độ ăn uống khoa học: bổ sung các thực phẩm tạo máu ưu tiên bổ sung protein, vitamin, sắt từ các loại thực phẩm như trứng, sữa, gan, thịt, vừng... Hạn chế ăn các loại chất béo, thực phẩm chiên rán.

- Không uống cà phê, rượu, hút thuốc lá gây mất ngủ ảnh hưởng đến não.

7. Biến chứng bệnh

Thiếu máu não là bệnh lý nằm trong top những bệnh có nguy cơ tử vong cao trên thế giới sau ung thư và các bệnh tim mạch. 25% tổng số bệnh tai biến mạch máu não có liên quan đến thiếu máu não. Đây là một bệnh nguy hiểm, thiếu máu não nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nặng nề như đột quỵ, nhồi máu não, tử vong... Cụ thể gồm:

- Đột quỵ não: còn được gọi là tai biến mạch máu não khi ngừng cung cấp máu và oxy trong vài phút làm cho não bộ chết đột ngột khiến cơ thể hôn mê. Đột quỵ não gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Một nửa các ca đột quỵ, tai biến mạch máu não đều dẫn đến tử vong. Trường hợp đột quỵ não cấp cứu thành công thì di chứng của nó cũng rất nặng nề như mất trí nhớ, liệt một phần hoặc nhiều phần cơ thể.  

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-6

Thiếu máu não có thể gây nên đột quỵ

- Liệt: Khi việc tuần hoàn máu não diễn ra không thuận lợi khiến các chi tê bì đau nhức, dần mất đi cảm giác dẻo dai và dẫn đến liệt nửa thân hoặc toàn thân. Khả năng phục hồi liệt tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh.

- Sống đời sống thực vật: tương tự như chết lâm sàng và rất khó tỉnh lại. Bệnh rất tốn kém và gây vất vả trong quá trình chăm sóc. 

8. Biện pháp phòng tránh

Thiếu máu não dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng. Vậy cách phòng tránh thiếu máu não là gì?

- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao: chọn lựa các môn thể thao vừa sức như bơi lội, yoga, đi bộ, ngồi thiền, các môn khí công để tốt cho cơ thể, tăng sự dẻo dai và phòng ngừa bệnh về tim mạch, não bộ. Đặc biệt những người thường xuyên ngồi văn phòng, làm việc đầu óc hay những người trung niên, cao tuổi cần đặc biệt chú trọng trong việc tập luyện nhẹ nhàng mỗi ngày.

- Khám sức khỏe định kỳ để biết tình trạng sức khỏe và sàng lọc bệnh lý sớm nhất có thể. Hạn chế sự tiến triển âm thầm không mong muốn của bệnh.

- Xây dựng chế độ ăn khoa học: đảm bảo dinh dưỡng, tốt cho não bộ và cơ thể. Cụ thể nên bổ sung các thực phẩm giàu omega 3 như cá trích, cá hồi, cá mòi, tảo biển..., thực phẩm giàu polyphenols như đậu, cacao, giàu chất tạo máu để cung cấp cho cơ thể như vitamin C, magie, chất đạm, sắt, axit folic, vitamin B12... Đồng thời, nên hạn chế các thực phẩm chiên rán nhiều lần, thức ăn nhanh, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, thức uống có cồn, phụ gia thực phẩm.

- Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh suy nghĩ quá nhiều, làm việc quá sức.

- Hạn chế việc thay đổi thân nhiệt đột ngột

9. Cách ăn uống cho người thiếu máu não

9.1. Người thiếu máu não nên ăn gì?

- Nhóm rau củ quả giàu sắt hoặc các chất tạo sắt: rau chân vịt, bông cải xanh, rau cần tây, bí ngô, cà rốt, lựu, dâu tây, quả mâm xôi, nho đen, mận.

- Các loại thịt nạc.

- Gan bổ máu tốt.

- Trứng gà: chứa đạm tương đương với thịt, nhiều vitamin, chất béo, chất khoáng.

- Hải sản: ngao, ốc, hến, tôm, cá.... chứa lượng chất sắt lớn.

- Các loại quả mọng.

- Thịt bò: giàu đạm, sắt và các dưỡng chất.

- Các sản phẩm từ đậu nành.

Chú ý các thực phẩm này nên chế biến giảm bớt dầu mỡ hoặc chiên nhiều lần không tốt cho tim mạch và sức khỏe cơ thể.

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-7

Một số thực phẩm tốt cho não

9.2. Người thiếu máu não nên kiêng ăn gì?

- Thức ăn nhanh: Do đồ ăn nhanh chứa nhiều cholesterol ảnh hưởng đến máu. Chúng tác động trong nguyên nhân gây xơ vữa động mạch khiến ảnh hưởng quá trình máu lưu thông lên não. 

- Thức ăn đóng hộp hoặc chế biến sẵn: chứa nhiều chất bảo quản cũng như hàm lượng muối cao ảnh hưởng đến tim mạch và huyết áp.

- Rượu bia, nước ngọt có ga, đồ uống có cồn: Những đồ uống này làm tăng lượng cholesterol xấu ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.

10. Các câu hỏi thường gặp bệnh

Có thể chữa khỏi thiếu máu não không?

Thiếu máu não là một bệnh rất nguy hiểm nhưng vẫn không có cách chữa hoàn toàn. Các phương pháp điều trị bệnh chủ yếu để giảm và hạn chế sự phát triển của bệnh. Vì thế bệnh hoàn toàn có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu người bệnh không chú ý đến chế độ ăn uống, tập luyện. Để bệnh không trở nặng hoặc biến chứng, người bệnh cần theo dõi thường xuyên, thăm khám và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ.

Có phải thiếu máu não chỉ xảy ra với người trung niên và cao tuổi?

Bệnh thiếu máu não chủ yếu xảy ra với người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh thiếu máu não ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Theo các chuyên gia y tế, thiếu máu não ở người trẻ tuổi chủ yếu do lối sống thụ động, ít vận động, ăn các đồ ăn nhanh cũng như căng thẳng thần kinh lâu ngày.

Thiếu máu não có phải là một bệnh di truyền?

Thiếu máu não không phải bệnh di truyền. Nguyên nhân chính gây ra bệnh là sự tắc nghẽn động mạch do nhiều yếu tố tác động. 

11. Các hình ảnh về thiếu máu não

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-10

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-11

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-8

thieu-mau-nao-co-the-dan-den-tu-vong-neu-khong-dieu-tri-som-9

Thiếu máu não ngày càng phổ biến, có thể gặp ở bất cứ ai. Vì thế, hiểu về những nguyên nhân gây bệnh thiếu máu não là gì cũng như cách điều trị, phòng ngừa bệnh sẽ giúp bạn có những cơ sở để điều trị bệnh tốt.

Nguồn dịch: https://en.wikipedia.org/wiki/Brain_ischemia

https://www.verywellhealth.com/what-is-brain-ischemia-3146480

https://www.columbianeurosurgery.org/conditions/cerebral-ischemia/ 

Tác giả: Phương Nguyễn