Thiếu hụt khoáng chất là một trong những vấn đề đáng báo động ở thai phụ. Đặc biệt là nếu thiếu hụt kẽm, cả bà mẹ và thai nhi đều có thể bị ảnh hưởng. Cùng tìm hiểu về tác hại khi thiếu kẽm ở bà bầu trong bài viết sau đây.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania đã tiến hành một thí nghiệm trên loài chuột cái. Thí nghiệm này nhằm xác định về vai trò và ảnh hưởng của kẽm đối với quá trình sinh sản. Từ kết quả thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã rút ra được rất nhiều kết luận quan trọng.
Rụng trứng là một phần không thể thiếu của chức năng sinh sản. Trong khi đó, kẽm lại có mối liên hệ mật thiết với quá trình này. Cùng với axit folic, kẽm là khoáng chất cần thiết để đảm bảo chất lượng của trứng. Do đó, khi thiếu hụt kẽm, quá trình rụng trứng sẽ bị ảnh hưởng hay thậm chí là gián đoạn.
Kẽm là một trong những khoáng chất không thể thiếu trong nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế các triệu chứng của thai kỳ ở bà bầu. Cụ thể, kẽm có tác dụng cải thiện chức năng của hệ tiêu hoá và miễn dịch ở phụ nữ mang thai. Đồng thời, nó còn làm giảm hiện tượng nôn khan do nghén và giúp bà bầu ăn ngon miệng hơn.
Ngoài ra, kẽm còn có vai trò quan trọng trong quá trình sinh nở. Bởi loại khoáng chất này sẽ đảm nhận các nhiệm vụ sau đây:
- Tăng cường hoạt tính kháng vi sinh vật trong nước ối.
- Tham gia vào quá trình tổng hợp acid ribonucleic.
- Tham gia vào quá trình trao đối chất myoglobin với cơ tử cung. Đây là quá trình thúc đẩy tử cung co bóp khi sinh, giúp cho việc sinh nở thuận lợi hơn.
- Hạn chế tình trạng chuyển dạ kéo dài và chảy máu lúc sổ rau.
- Kiểm soát các tình trạng hormone tăng trưởng kém ở bà bầu.
- Hạn chế các trường hợp sẩy thai tự nhiên do bong rau non.
Thiếu kẽm ở bà bầu là nguyên nhân hàng đầu gây ra giảm trọng lượng ở thai nhi. Do mẹ thiếu hụt kẽm, trẻ sinh ra thường có cân nặng thấp, chậm lớn và dễ thấp còi. Thậm chí, những bà bầu có kẽm huyết thấp còn có nguy cơ cao sẩy thai và thai chết yểu.
Bên cạnh đó, thiếu kẽm ở bà bầu còn khiến cho thai nhi phát triển chậm hoặc có các dấu hiệu bất thường. Bởi kẽm hoạt động như một yếu tố xúc tác, cấu trúc và là tín hiệu của nhiều quá trình. Đặc biệt là quá trình điều chỉnh tế bào của hàng trăm enzyme và protein trong cơ thể.
Khi thiếu kẽm, sự biểu hiện của các gen nhau thai có thể bị ảnh hưởng hoặc biến đổi. Do đó, các khiếm khuyết của thai nhi do thiếu kẽm ở bà bầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài các yếu tố liên quan đến thể chất, thiếu kẽm ở bà bầu còn ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Bởi kẽm có vai trò rất quan trọng đến việc hình thành khả năng ghi nhớ của con người. Do đó, khi lượng kẽm không được cung cấp đủ, phần hippocampus ngoài biên vỏ não sẽ phát triển không bình thường. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ và sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Khi mang thai, phụ nữ cần một lượng lớn các khoáng chất như canxi, sắt, kẽm… Trong số đó, kẽm là khoáng chất có nhu cầu về liều lượng thấp nhất. Tuy nhiên, cơ thể lại không thể tự mình sản xuất và lưu trữ loại khoáng chất này. Do đó, bà bầu cần có những nguồn bổ sung kẽm an toàn và ổn định hơn.
Để đảm bảo không gặp phải tình trạng thiếu kẽm ở bà bầu, bạn có thể lựa chọn các nguồn kẽm từ thực phẩm và dược phẩm. Tuy nhiên, dù lựa chọn nguồn cung cấp nào, bà bầu cũng cần chú ý về liều lượng bổ sung. Bởi việc dư thừa kẽm cũng có thể gây ra tác động tiêu cực cho sức khoẻ.
Thiếu kẽm ở bà bầu sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ của mẹ và em bé. Do đó, các mẹ đừng quên bổ sung kẽm hàng ngày để tránh tình trạng thiếu hụt nhé!