Theo dõi và quản lý cuộc sống sau khi điều trị ung thư amidan

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Theo dõi và quản lý cuộc sống sau khi điều trị ung thư amidan
Trải qua quá trình điều trị ung thư amidan đầy khó khăn cũng như các bệnh ung thư khác, mỗi bệnh nhân được coi như một chiến binh thực sự. Giờ đây, chắc hẳn việc theo dõi và quản lý cuộc sống sau khi điều trị ung thư amidan là mối quan tâm hàng đầu của họ.

Đối với nhiều bệnh nhân ung thư khoang miệng hoặc ung thư vòm họng, ung thư amidan, việc điều trị có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Khi quá trình điều trị kết thúc, bạn có thể vừa cảm thấy căng thẳng lại vừa nhẹ nhõm phần nào. Thêm vào đó, thật khó mà không lo lắng về việc ung thư sẽ quay trở lại - một điều thường thấy ở những người đã bị ung thư.

Trong một số trường hợp, ung thư có thể sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Các bệnh nhân được điều trị thường xuyên bằng hóa trị liệu, liệu pháp trúng đích hoặc các phương pháp điều trị khác để cố gắng giúp kiểm soát ung thư. Học cách sống chung với căn bệnh ung thư luôn rình rập thực sự là một thử thách khó khăn và đầy căng thẳng.

Vậy những bệnh nhân ung thư khoang miệng, ung thư amidan cần theo dõi và quản lý cuộc sống sau khi đã điều trị bệnh như thế nào?

1. Theo dõi và chăm sóc sức khỏe thường xuyên sau khi đã điều trị ung thư

Sau khi bệnh nhân ung thư đã kết thúc quá trình điều trị, các bác sĩ vẫn muốn theo dõi tình hình sức khỏe của người bệnh. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn của bác sĩ. Trong những lần thăm khám này, bác sĩ sẽ hỏi về bất kỳ vấn đề sức khỏe nào bạn đang gặp phải và sẽ yêu cầu kiểm tra nếu cần thiết. Bạn cũng có thể được yêu cầu xét nghiệm trong phòng lab hoặc xét nghiệm hình ảnh (như quét MRI hoặc CT) để tìm kiếm xem có các dấu hiệu tái phát ung thư hay không.

Những người bị ung thư khoang miệng, ung thư hầu họng, ung thư amidan có thể tái phát bệnh hoặc mắc một loại ung thư mới ở vùng đầu - cổ hoặc phổi. Hiện nay, với những cải tiến trong phẫu thuật và xạ trị, khả năng kiểm soát ung thư nguyên phát đã được cải thiện rất nhiều. 

Tuy nhiên, sự phát triển của căn bệnh ung thư thứ hai ở vùng đầu - cổ hoặc phổi vẫn là một nguy cơ không thể bỏ qua. Chính vì điều này mà bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ sau khi điều trị. 

Ung thư tái phát xảy ra thường xuyên nhất trong 2 năm đầu sau khi điều trị. Do vậy mà bạn sẽ được các bác sĩ yêu cầu tới bệnh viện kiểm tra vài tháng một lần trong vòng 2 năm đầu, sau đó sẽ giảm dần tần suất.

Nếu bạn điều trị ung thư khoang miệng, ung thư amidan bằng cách chiếu xạ, việc xét nghiệm máu (khoảng 6 tháng một lần) để xem xét chức năng tuyến giáp có thể sẽ cần thiết.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất lượng cuộc sống của một số bệnh nhân ung thư có xu hướng trở nên tồi tệ hơn trong vài tháng đầu sau khi tiến hành điều trị. Tuy nhiên thời gian sau đó, với những người đã từ bỏ hút thuốc và uống rượu, mọi thứ lại tiến triển theo chiều hướng tốt hơn. Trong vòng một năm điều trị, nhiều bệnh nhân bắt đầu cảm thấy ổn và vui vẻ hơn.

Hầu như bất kỳ quá trình điều trị ung thư nào cũng có thể gây ra những ảnh hưởng và tác dụng phụ. Một số kéo dài một vài tuần đến vài tháng, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến hết phần đời còn lại của người bệnh. Đừng ngần ngại nói với các bác sĩ điều trị ung thư cho bạn về bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào làm ảnh hưởng đến bạn để họ có thể tìm giải pháp giúp đỡ. Hãy nhớ rằng việc thông báo ngay cho bác sĩ bất kỳ triệu chứng lạ nào là rất quan trọng, bởi nhờ thế mà các bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm giúp phát hiện nguy cơ ung thư tái phát càng sớm càng tốt, khi khả năng điều trị thành công ở mức cao nhất.

2. Vấn đề ăn uống và chế độ dinh dưỡng

Các loại ung thư miệng, ung thư họng, ung thư amidan và phương pháp điều trị đôi khi có thể gây ra các vấn đề như làm mất hoặc thay đổi vị giác, khô miệng hoặc thậm chí là mất răng. Điều này khiến người bệnh gặp khó khăn trong ăn uống, tình trạng này dẫn đến sụt cân và suy nhược cơ thể do dinh dưỡng kém.

Một số bệnh nhân ung thư amidan, ung thư khoang miệng nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống trong và sau khi điều trị. Thậm chí có những trường hợp phải ăn qua ống xông dạ dày, ít nhất là trong một thời gian ngắn trong và sau khi điều trị. Bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để tìm ra biện pháp phù hợp đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể.

Ung thư khoang miệng, ung thư amidan, ung thư vòm họng và phương pháp điều trị các căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng nói và nuốt của bệnh nhân. Nhà trị liệu ngôn ngữ có thể giúp người bệnh khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về việc đề ra một kế hoạch chăm sóc sức khỏe sau quá trình điều trị ung thư cho bạn. Kế hoạch này có thể bao gồm:

- Lịch dự kiến làm các xét nghiệm và kiểm tra tiếp theo.

- Lịch làm các xét nghiệm khác có thể cần thiết trong tương lai, chẳng hạn như xét nghiệm phát hiện sớm (sàng lọc) các loại ung thư khác hoặc xét nghiệm để tìm xem có những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe do bệnh ung thư hoặc phương pháp điều trị ung thư gây ra hay không.

- Danh sách liệt kê các tác dụng phụ dài hạn có thể phát sinh từ việc điều trị ung thư amidan của bạn, bao gồm cả những vấn đề cần theo dõi và khi nào thì bạn nên liên hệ với bác sĩ điều trị.

- Gợi ý về chế độ ăn kiêng và hoạt động thể chất.

- Ghi chú về lịch hẹn tái khám với bác sĩ.

3. Giữ lại bảo hiểm y tế và bản sao hồ sơ bệnh án của bạn

Kể cả khi quá trình điều trị ung thư kết thúc, bạn cũng cần giữ cẩn thận bảo hiểm y tế của mình. Việc làm các xét nghiệm và đi khám bác sĩ tốn rất nhiều chi phí và mặc dù không bệnh nhân nào muốn bệnh ung thư sẽ quay trở lại thì điều này vẫn có thể xảy ra.

Ở một số thời điểm sau khi điều trị ung thư, bạn có thể gặp một vài bác sĩ mới và họ không biết về tiền sử bệnh tật của bạn. Do đó điều quan trọng là phải giữ các bản sao hồ sơ bệnh án của bạn để cung cấp cho bác sĩ mới về những chẩn đoán và quá trình điều trị bệnh trước đó.

4. Bệnh nhân có thể giảm nguy cơ các bệnh ung thư khoang miệng tiến triển hoặc quay trở lại hay không?

Nếu bạn bị (hoặc đã từng bị) ung thư khoang miệng hoặc ung thư vòm họng, ung thư amidan, chắc hẳn là bạn muốn biết liệu những biện pháp như tập thể dục, ăn kiêng, sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư phát triển hoặc quay trở lại hay không. Thật không may là những biện pháp này vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng liệu có giúp ích cho bạn hay không.

Tuy nhiên, việc thực hiện những thói quen lành mạnh như không hút thuốc lá, ăn uống tốt, vận động thể chất thường xuyên và giữ cân nặng ổn định sẽ tác động tích cực đến sức khỏe của bạn.

5. Sử dụng các chất dinh dưỡng bổ sung

Cho đến nay, không có loại chất bổ sung dinh dưỡng nào (bao gồm vitamin, khoáng chất và các sản phẩm thảo dược) được chứng minh là giúp giảm rõ rệt nguy cơ các bệnh ung thư khoang miệng, ung thư amidan tiến triển hoặc quay trở lại. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là không có chất bổ sung nào hữu ích mà điều quan trọng là bệnh nhân cần biết rằng chúng chưa được chứng minh là có khả năng giảm nguy cơ ung thư tiến triển hoặc quay trở lại.

Nếu có ý định dùng bất kỳ loại chất bổ sung dinh dưỡng nào, hãy trao đổi và hỏi ý kiến bác sĩ trước. Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định những loại nào an toàn có thể sử dụng và tránh những loại có thể gây hại cho sức khỏe.

6. Nhận hỗ trợ tình cảm từ mọi người xung quanh

Một số lượng cảm giác chán nản, lo lắng hoặc lo lắng là bình thường khi ung thư là một phần của cuộc sống của bạn. Một số người bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác. Nhưng mọi người đều có thể hưởng lợi từ sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người khác, cho dù bạn bè và gia đình, nhóm tôn giáo, nhóm hỗ trợ, cố vấn chuyên nghiệp hoặc những người khác. Tìm hiểu thêm trong cuộc sống sau ung thư.

Những cảm giác như chán nản, lo lắng, trầm uất là bình thường khi ung thư amidan, ung thư khoang miệng là một phần trong cuộc sống của bạn. Một số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi điều này nhiều hơn những người khác. Thế nhưng mọi người đều có thể nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ mọi người xung quanh, đó có thể là gia đình, bạn bè hay nhóm hỗ trợ, các bác sĩ...

Nguồn: https://www.cancer.org/cancer/oral-cavity-and-oropharyngeal-cancer/after-treatment/follow-up.html


Tác giả: An Di