Theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị như thế nào?
Để phát hiện sớm tình trạng tái phát ung thư xương, đánh giá tác dụng của các phương pháp điều trị công tác theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị cần được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.

1. Tầm quan trọng của theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị

Có thể nói, quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư xương của bệnh nhân không chỉ gói gọn trong thời gian bệnh nhân thực hiện các liệu trình điều trị tại bệnh viện mà còn kéo dài sau đó rất lâu.

Do vậy, khi đã điều trị xong tại bệnh viện không có nghĩa là mọi thứ đã xong, việc theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị là vô cùng quan trọng và cần được thực hiện nghiêm tục.

Theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị có nhiều vai trò khác nhau, tuy nhiên có thể kể đến hai vai trò chính là:

Phát hiện sớm sự tái phát của ung thư xương

Đặc tính đặc trưng nhất của ung thư là khả năng tái phát bệnh sau khi điều trị. Tuy nhiên chúng ta lại không có bất kỳ một con số cụ thể nào để chỉ chính xác thời điểm ung thư sẽ tái phát, bệnh có thể tái phát rất nhanh ở người này nhưng lại rất chậm ở người khác, thậm chí có bệnh nhân còn chung sống hòa bình với bệnh trong vài chục năm.

Vì thế, theo dõi bệnh nhân ung thư xương là rất quan trọng để đánh giá tình trạng tái phát của bệnh, phát hiện sớm tái phát để có hướng điều trị thích hợp.

Đánh giá tác dụng của các phương pháp điều trị

Theo dõi bệnh nhân ung thư xương đều đặn có tác dụng giúp bác sĩ đánh giá tốt hơn về sự biểu hiện tác dụng của các phương pháp điều trị đã xảy ra trên bệnh nhân. Ngoài ra, theo dõi bệnh nhân ung thư xương thường xuyên giúp phát hiện sớm, xử lý kịp thời các tác dụng phụ của điều trị trên bệnh nhân, nhất là những phương pháp có thể gây tác dụng phụ muộn như xạ trị, hóa trị.

2. Lịch tái khám theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị

Những bệnh nhân ung thư xương sau điều trị có một lịch trình để tái khám, theo dõi. Bệnh nhân cần thực hiện nghiêm túc lịch tái khám này để theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên.

Trong ba năm đầu, cần theo dõi bệnh nhân ung thư xương thường xuyên hơn, bệnh nhân thường được tái khám ba tháng một lần. Sau đó, đến hai năm tiếp theo chu kỳ tái khám là 6 tháng một lần và giảm còn một năm một lần đối với những bệnh nhân đã điều trị trên 5 năm. 

Tùy vào diễn biến của bệnh nhân mà số lần tái khám trong một khoảng thời gian có thể được tăng lên hoặc giảm đi.

3. Các nội dung theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị

3.1. Các thăm khám lâm sàng

Về bệnh nhân: Khi tái khám theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị, bệnh nhân cần khai báo cụ thể và chi tiết với bác sĩ nhiều triệu chứng mà mình gặp phải. Chẳng hạn như tình trạng đau, sự xuất hiện của các khối u mới trên cơ thể, ho, khó thở, đau đầu, khó cử động,... Bệnh nhân không được giấu các triệu chứng sẽ làm bác sĩ phán đoán sai lầm về tình trạng bệnh.

Về bác sĩ: Để thực hiện theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị, bác sĩ có thể làm một số thăm khám lâm sàng trên bệnh nhân như xem xét vùng phẫu thuật khối u (tốc độ bình phục, sự nhiễm trùng,...), đánh giá tình trạng các khối u mới và những tổ chức bên cạnh khối u, kiểm tra các thay đổi vận động của bệnh nhân, và thăm khám thực thể với các triệu chứng bệnh nhân gặp phải.

3.2. Các thăm khám cận lâm sàng

Để theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị toàn diện hơn và bác sĩ có cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng bệnh. Bên cạnh thực hiện các thăm khám lâm sàng, bệnh nhân còn cần được thực hiện một số các xét nghiệm cận lâm sàng. Những xét nghiệm, cận lâm sàng này sẽ giúp đánh giá sớm tình trạng bệnh nhân ngay cả khi bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng cụ thể.

Các xét nghiệm và cận lâm sàng thường được dùng hiện nay là:

X-Quang: X-Quang là cận lâm sàng thường quy dùng để theo dõi bệnh nhân ung thưu xương sau điều trị, X-Quang có khả năng đánh giá sự xuất hiện trở lại của khối u tại xương hay các cơ quan khác (thường gặp là phổi).

Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu cho phép xác định nồng độ các chất đặc trưng do ung thư xương gây nên xuất hiện trong máu giúp chẩn đoán sớm khối u quay trở lại. Ngoài ra còn giúp xác định các biến chứng bất thường ở các cơ quan khác do tác dụng phụ của điều trị.

CT-Scaner và MRI: Khi X-Quang và xét nghiệm máu không chắc chắn về sự xuất hiện các khối u và bác sĩ muốn đánh giá rõ ràng về các tổn thương mà bệnh nhân gặp phải, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CT-SCaner hay MRI.

Có thể thấy, theo dõi bệnh nhân ung thư xương sau điều trị tốt, đầy đủ có vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, bệnh nhân ung thư xương cần thực hiện nghiêm túc lịch tái khám và các nội dung tái khám mà bác sĩ yêu cầu để đạt hiệu quả cao nhất.


Tác giả: QN