Ung thư thực quản là bệnh ung thư đường tiêu hóa xuất hiện khá phổ biến hiện nay, bệnh đứng thứ 9 trong các bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Do vậy, vấn đề điều trị ung thư thực quản để kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân là điều rất được quan tâm.
Hiện nay, để điều trị ung thư thực quản người ta chủ yếu vẫn sử dụng các phương pháp điều trị ung thư kinh điển là điều trị bằng phẫu thuật, điều trị bằng tia xạ và điều trị bằng hóa chất. Bên cạnh các phương pháp kinh điển như trên, cùng với sự phát triển của y học nhiều phương pháp mới cũng được ứng dụng trong điều trị như chiếu tia laser hay điều trị quang động học.
Theo dõi bệnh nhân sau điều trị ung thư thực quản có rất nhiều vai trò khác nhau, có thể kể đến như:
- Giúp xác định tiến triển của bệnh sau khi đã thực hiện các phương pháp điều trị ung thực quản cần thiết, đặc biệt là giúp xác định sớm tình trạng di căn xa của các tế bào ung thư thực quản.
- Giống với các loại ung thư khác, bệnh ung thư thực quản có khả năng tái phát ngay cả khi đã được điều trị tích cực. Do vậy, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên sau điều trị ung thư thực quản để xác định sự tái phát trở lại của bệnh.
- Các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư thực quản có thể gây nên nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác nhau trên bệnh nhân, nếu không được phát hiện kịp thời những tác dụng phụ này thậm chí có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do vậy, theo dõi bệnh nhân thường xuyên sau điều trị ung thư thực quản giúp phát hiện và xử ly sớm các tác dụng phụ của điều trị.
Bệnh nhân ung thư thực quản sau khi tiến hành các điều trị cần thiết (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị,...) cần được theo dõi thường xuyên và chặt chẽ. Thông thường, bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám mỗi 3 tháng một lần sau trong vòng hai năm đầu sau điều trị ung thư thực quản. Sau hai năm đầu bệnh nhân sẽ tái khám mỗi 4-6 tháng một lần.
Tuy nhiên thời gian giữa các đợt tái khám có thể thay đổi tùy theo diễn biến cụ thể tình hình bệnh của bệnh nhân.
Bênh nhân sau điều trị ung thư thực quản được theo dõi chủ yếu về các vấn đề như có hay không sự sụt giảm cân nặng, khả năng nuốt của bệnh nhân có bị thay đổi hay không,,... Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm như CT-Scaner, nội soi, xét nghiệm máu để bác sĩ điều trị có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng của bệnh ung thư thực quản trên bệnh nhân.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra kết quả và các tác dụng phụ của quá trình điều trị như rò hay hẹp miệng nối sau phẫu thuật, tình trạng viêm phổi, viêm trung thất, tình trạng nhiễm trùng, thiếu máu hay xuất huyết do giảm tế bào máu ngoại vi,... để có phương hướng xử lý kịp thời.
Để đảm bảo sự theo dõi sau điều trị ung thư thực quản có hiệu quả hơn, bệnh nhân cần có sự trung thực và khai báo đầy đủ tình hình của bản thân với bác sĩ điều trị, sự giấu diếm các triệu chứng bất thường có thể khiến bác sĩ có thể đưa ra phán đoán sai lầm và gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Qua đó có thể thấy, theo dõi bệnh nhân sau điều trị ung thư thực quản có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối lịch theo dõi sau điều trị của bác sĩ đưa ra và khai báo ngay với bác sĩ điều trị của mình ngay khi có bất kỳ bất thường nào xảy ra.