Đường huyết là chỉ số lượng đường trong máu. Trong cơ thể, đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Đây cũng là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng và cần thiết cho hệ thần kinh và não bộ.
Đường vẫn luôn có trong máu ở một mức ổn định. Khi lượng đường trong máu tăng hoặc giảm quá nhiều so với mức ổn định thì cơ thể có thể gặp phải bệnh chứng bất thường.
Tăng đường huyết là hiện tượng trong máu có quá nhiều đường (glucose). Tăng đường huyết cho thấy trong các mô của cơ thể đang dư thừa glucose. Chỉ số đường huyết lúc đói từ 1,26 g/l trở lên hoặc chỉ số đường huyết sau khi ăn từ 2g/l trở lên là biểu hiện của tăng đường huyết.
Tăng đường huyết chủ yếu xảy ra do trong cơ thể không có đủ insulin để phân giải lượng đường trong máu. Lúc này, trong cơ thể người bị tăng đường huyết đường trong máu vẫn tồn tại ở dạng glucose thay vì các dạng sau khi được insulin phân giải. Về lâu dài, tăng đường huyết có thể dẫn tới một bệnh trạng nghiêm trọng và nhiều hệ lụy là bệnh tiểu đường.
Minh họa hình ảnh tăng đường huyết trong mạch máu (Ảnh: Internet)
Khá nhiều người nghĩ rằng tiểu đường mới nguy hiểm còn tăng đường huyết thì không. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Chưa nói đến chuyện tăng đường huyết có thể dẫn đến tiểu đường thì chính tăng đường huyết cũng có những hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe.
- Tăng đường huyết khiến cơ thể mệt mỏi: Do đường là nguồn năng lượng quan trọng của cơ thể nên khi bệnh nhân bị tăng đường huyết, việc chuyển hóa đường thành năng lượng sẽ bị ảnh hưởng. Cơ thể không có đủ năng lượng sẽ dễ bị mệt mỏi, suy nhược.
- Tăng đường huyết khiến máu đặc và dính hơn. Khi lượng máu đặc và dính này đi tới các mạch máu nhỏ chúng sẽ gặp khó khăn để đi qua và đến được với các cơ quan cần máu.
- Tăng đường huyết khiến tay chân bị tê: Những dây thần kinh ở đầu các ngón tay, ngón chân vô cùng nhạy cảm và mạch máu nuôi chúng thường rất nhỏ. Máu của người bị tăng đường huyết đặc và dính hơn nên khó đi tới những đầu ngón tay, ngón chân, khiến chân tay dễ bị tê và đau.
Tăng đường huyết ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể (Ảnh: Internet)
- Tăng đường huyết ảnh hưởng đến thị lực: Các mạch máu ở mắt vô cùng nhỏ nên máu của người bị tăng đường huyết sẽ khó đi vào những mạch máu nhỏ này khiến mắt nhận được ít máu hơn thông thường, gây mỏi mắt; về lâu dài còn ảnh hưởng đến thị lực.
- Tăng đường huyết gây hại cho thận: Lượng đường trong máu ở người bị tăng đường huyết cao hơn bình thường nên thận sẽ phải hoạt động vất vả hơn, tạo áp lực lớn hơn cho thận. Người bị tăng đường huyết dễ bị sẹo thận và suy thận hơn so với người không bị tăng đường huyết.
Chỉ số đường huyết an toàn phụ thuộc vào lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và các điều kiện khác. Thế nhưng nhìn chung, các chỉ số dưới đây được coi là đường huyết an toàn, không có dấu hiệu tăng đường huyết:
• Trước bữa ăn: 90-130mg/dl (5,0- 7,2mmol/l).
• Sau bữa ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/l).
• Trước lúc đi ngủ: 110-150mg/dl (6,0-8,3mmol/l).
Để tránh bị tăng đường huyết, giữ được chỉ số đường huyết an toàn, chúng ta cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết sau và trước bữa ăn. Việc theo dõi giúp bạn đánh giá được tình trạng đường huyết của mình và có các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống để không bị tăng đường huyết.
Ngoài ra, mỗi người nên có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên và đi khám sức khỏe định kì.
Nên theo dõi đường huyết thường xuyên để có kế hoạch tránh tăng đường huyết (Ảnh: Internet)