Thay đổi vị giác và khứu giác trong ăn uống sau mắc COVID-19, phải làm sao?

Thay đổi vị giác và khứu giác trong ăn uống sau mắc COVID-19, phải làm sao?
Sau khi khỏi bệnh, nhiều người bị suy dinh dưỡng, sức khỏe kém rất cần một chế độ ăn phù hợp giai đoạn phục hồi.

Thay đổi về vị giác và khứu giác trong ăn uống sau mắc COVID-19

Thay đổi vị giác và khứu giác là các triệu chứng phổ biến của COVID-19 và có thể khiến việc ăn uống trở nên kém thú vị, ngay cả trong quá trình phục hồi sau khi mắc bệnh. Cũng có thể thử dùng các loại thảo mộc, gia vị, hạt tiêu, chút ớt cay trong nấu ăn để làm tăng vị giác với các món ăn. Nếu bạn đang gặp khó khăn với mùi vị mạnh của thức ăn nóng, hãy thử thức ăn lạnh để thay thế. Nếu bỗng nhiên bạn không thích một loại thực phẩm cụ thể, hãy thường xuyên thử lại vì khẩu vị của bạn có thể tiếp tục thay đổi.

Một số mẹo trong chế độ ăn sau mắc COVD-19

 - Ăn nhiều thức ăn mà bạn thích vào những thời điểm trong ngày khi bạn cảm thấy muốn ăn hơn. 

- Ăn các bữa ăn nhỏ hơn với đồ ăn nhẹ và đồ uống bổ dưỡng (ví dụ: sinh tố, súp, nước ép trái cây, sữa lắc hoặc sô cô la nóng) ở giữa các bữa chính. 

- Tránh uống trước hoặc trong bữa ăn, vì chất lỏng có thể làm bạn no.

- Thêm các thành phần làm cho món ăn của bạn có vị ưa thích hoặc mới lạ ngon miệng hơn.

- Nếu bạn thường sử dụng thực phẩm và đồ uống "ăn kiêng" ít chất béo, ít đường, có thể tạm thời chuyển sang loại không ăn kiêng (ví dụ: sữa nguyên chất) và có một số món ăn vặt như một miếng bánh ngọt, sô cô la, một số ít các loại hạt, một chiếc bánh quy giữa các bữa ăn hoặc như một bữa ăn nhẹ.

Kiểm soát khô miệng

Khô miệng có thể do sử dụng máy phun sương, ống hít và liệu pháp oxy. Điều này có thể gây khó khăn khi nhai và nuốt thức ăn, và đôi khi có thể dẫn đến thay đổi khẩu vị. Bạn cần cố gắng uống 6 đến 8 cốc nước hay chất lỏng mỗi ngày (bao gồm cả đồ uống sữa hoặc nước trái cây).

Cách khắc phục những ảnh hưởng trong ăn uống của người phục hồi sau mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Uống 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày.

- Thêm nước sốt như nước thịt, sốt mayonnaise, kem salad và sốt pho mát vào thực phẩm, và chọn các món có nước như món hầm.

- Ngậm đồ ngọt không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường để giúp tiết nước bọt.

- Súc miệng bằng nước sau khi sử dụng ống hít để giữ cho miệng của bạn không bị khô và luôn thơm mát. 

- Nếu bạn cảm thấy khó nuốt, ho thường xuyên trong bữa ăn hoặc giọng nói của bạn trở nên khó nghe, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn.

Người ăn kiêng đặc biệt cần chú ý chế độ ăn sau mắc COVD-19

Nếu bạn bị đái tháo đường, các bệnh nhiễm trùng như COVID-19 có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết của bạn.

Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp và bị sụt cân nhiều do COVID-19, điều này có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát huyết áp của bạn. Bạn cần tư vấn thêm với cán bộ y tế.

Vận động

Trong giai đoạn phục hồi sau mắc bệnh, vận động kết hợp với chế độ ăn uống sau mắc COVID-19 tốt có thể giúp bạn nhanh trở lại cuộc sống bình thường. Hoạt động là một phần quan trọng để giúp tăng cường cho phổi của bạn, giúp thở dễ dàng hơn và giúp tăng cường sức mạnh các khối cơ, giữ thăng bằng và làm cho bạn khỏe hơn, giảm căng thẳng, trầm cảm, giúp ngủ ngon. Không cần phải tập nặng - tập thể dục nhẹ nhàng như đi dạo quanh vườn hoặc tập các bài thể dục trong nhà đều có thể giúp ích cho bạn. Bạn cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến.

Cách khắc phục những ảnh hưởng trong ăn uống của người phục hồi sau mắc COVID-19 - Ảnh 4.

Tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến.

Người trưởng thành nên cố gắng vận động hàng ngày và hướng tới hoạt động thể lực ít nhất 150 phút trong một tuần bằng các hoạt động khác nhau.

Một số bài tập trong nhà tập bạn có thể áp dụng:

- Các bài tập để tăng cường khối cơ cũng cần được thực hiện, có thể tập với quả tạ tay nhỏ, chai nước 0,5-2kg. Nâng tạ với các động tác gập/ duỗi khuỷu tay, dạng vai từ 7-15 lần cho mỗi động tác, lặp lại 3 lần.

- Đứng lên ngồi xuống 7-15 lần tùy theo sức khỏe, đứng trên mũi chân, đứng trên gót chân, có ghế/ thanh vịn phía trước để đảm bảo an toàn cho mỗi động tác, lặp lại 3 lần. Tập 15-30 phút/ ngày, 3 ngày/ tuần tùy theo sức khỏe

- Các bài tập duy trì sức bền: đạp xe lực kế, bước tại chỗ

- Các bài tập thăng bằng: đứng mũi chân này chạm gót chân kia, đứng chụm chân, đứng trên 1 chân hoặc tập thái cực quyền. Tập 15-30 phút/ ngày, 5 ngày/tuần tùy theo sức của mình. Khi tập mà vẫn có thể vừa tập vừa nói chuyện được là mức độ tập vừa với sức.

Với những người bị hạn chế vận động, cần tăng cường luyện tập tại chỗ trên giường tuỳ theo điều kiện cho phép; hướng dẫn người chăm sóc xoa bóp, hỗ trợ tập luyện, phục hồi chức năng.


Tác giả: TS.BS. Đỗ Thị Phương Hà