Thận trọng với tác dụng phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu trong điều trị đột quỵ não

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Thận trọng với tác dụng phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu trong điều trị đột quỵ não
Tuy là một trong số những phương pháp nhằm điều trị đột quỵ do tắc mạch máu não và dự phòng đột quỵ não tái phát, thuốc chống kết tập tiểu cầu cũng có những tác dụng phụ nhất định mà mọi người cần lưu ý và thận trọng.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu do ức chế sự tổng hợp thromboxan A2 của tiểu cầu (chất làm dính các tiểu cầu với nhau và với thành mạch). Đồng thời chúng giúp ổn định màng tế bào làm ADP không giải phóng ra được khỏi màng tế bào để tham gia vào quá trình kết dính tiểu cầu nên đã được dùng phổ biến trong thời kỳ cấp để ngăn chặn huyết khối tiến triển và tái phát, điều trị đột quỵ não do tắc mạch máu gây ra. 

Thuốc chống kết tập tiểu cầu có lợi ích dự phòng lâu dài cho nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đột quỵ não bao gồm rung nhĩ, tình trạng tăng đông... Tuy vậy, các thuốc này không có tác dụng đáng kể làm tiêu cục máu đông và không thể tái lập nhanh tưới máu não trong giai đoạn cấp.

1. Thuốc chống kết tập tiểu cầu hay được dùng trong điều trị đột quỵ tắc mạch máu não và dự phòng đột quỵ não tái phát là gì?

Aspirin

Với các bệnh nhân có tiền sử gia đình có nguy cơ mạch máu cao (tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại vi, đái tháo đường), dùng aspirin giảm được nguy cơ xảy ra đột quỵ não và tim xấp xỉ 19%. 

Với các bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoảng qua hoặc đột quỵ thiếu máu não trước đó, dùng aspirin giảm được  xấp xỉ 19-23% đột quỵ tái phát trong 3 năm (placebo là 13%). 

Dypiridamol

Giảm nguy cơ đột quỵ ở các bệnh nhân có tiền sử gia đình có nguy cơ mạch máu khoảng 10% và ở các bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoảng qua hoặc đột quỵ trước đó xấp xỉ 13%.

Aggrenox

Là thuốc kết hợp aspirin + dypiridamol làm giảm tác dụng không mong muốn của aspirin và tăng hiệu quả điều trị dự phòng gấp 2 lần dùng aspirin đơn độc (xấp xỉ 37%). Nghiên cứu dự phòng đột quỵ châu Âu (ESPS-2) cho rằng phác đồ kết hợp giữa aspirin và dypiridamol là sự lựa chọn dược lý hứa hẹn để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.

Clopidogrel

Clopidogrel làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ ở các bệnh nhân có tiền sử thiếu máu não thoảng qua hoặc đột quỵ thiếu máu não cục bộ trước đây đạt xấp xỉ 30% và ít gây biến chứng chảy máu tiêu hóa so với aspirin.

2. Tác dụng phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu trong điều trị đột quỵ não do thiếu máu cục bộ

Bên cạnh việc được sử dụng để điều trị đột quỵ não do thiếu máu cục bộ, loại thuốc này còn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn khác:

- Tác dụng không mong muốn chủ yếu của aspirin là gây biến chứng chảy máu đường tiêu hóa.

- Dypiridamol không gây biến chứng chảy máu tiêu hóa nhưng gây đau đầu (xấp xỉ 8%), trong một số trường hợp, người bệnh không tiếp tục điều trị thuốc này được.

- Biến chứng đáng sợ nhất của nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu là chảy máu đường tiêu hóa. Nếu người bệnh dùng không cẩn thận, nhất là với người có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng sẽ dễ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và tử vong.

- Các biến chứng nhẹ hơn trên đường tiêu hóa bao gồm khó tiêu, viêm thực quản, xuất huyết ở lớp trong dạ dày. 

- Nếu người bệnh có biểu hiện đi ngoài phân đen hoặc là nôn ra máu, thì cần phải chú ý đó là dấu hiệu của xuất huyết dạ dày do tác dụng phụ của thuốc.

- Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ khác như: Rối loạn tiêu hóa với hiểu hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm dạ dày; nổi mẩn da do dị ứng với thuốc; giảm tiểu cầu gây xuất huyết dưới da (trường hợp này rất hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1/200.000 bệnh nhân).

 Lưu ý khi dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu để điều trị các bệnh tim mạch

- Thuốc điều trị luôn là con dao hai lưỡi, khi sử dụng đúng cách sẽ phát huy được tối đa tác dụng điều trị. Nhưng chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến bệnh nhân gặp phải những rủi ro không mong muốn. Bởi vậy mà những lưu ý trong dùng thuốc là điều vô cùng quan trọng.

- Ở nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu, tất cả các loại thuốc đều nên uống sau khi đã ăn no. Bên cạnh đó tránh kết hợp với các nhóm thuốc khác cũng có tác dụng chống đông như heparin, coumarin,.. bởi điều này sẽ làm tăng chảy máu gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

- Trong quá trình sử dụng, cần lưu ý tới liều lượng sử dụng và dạng phối hợp.



Tác giả: LPA