Thận trọng với các biến chứng ngộ độc thực phẩm

Thận trọng với các biến chứng ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể gây nhiều biến chứng khác nhau. Các biến chứng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay khi bị ngộ độc nhưng cũng có thể xuất hiện muộn và kéo dài rất lâu sau đó.

Ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc ăn phải những thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật hoặc thực phẩm có chứa các chất độc, chất có hại cho cơ thể. Nếu được điều trị đúng cách, hầu hết ngộ độc thực phẩm đều có thể được đẩy lui nhanh chóng và ít khi để lại biến chứng.

Tuy nhiên cũng có không ít các trường hợp đặc biệt mà ngộ độc thực phẩm có thể gây nên các biến chứng hết sức nguy hiểm cho người bệnh.

Các biến chứng có thể gặp khi bị ngộ độc thực phẩm:

1. Rối loạn nước và điện giải do biến chứng ngộ độc thực phẩm

Khi bị ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và nôn mửa là những biểu hiện hay gặp nhất trên bệnh nhân. Hậu quả của tiêu chảy và nôn mửa quá nhiều ở bệnh nhân chính là tình trạng rối loạn nước và điện giải. Do đó, rối loạn nước và điện giải chính là một trong những biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Tình trạng rối loạn nước và điện giải gặp trong tiêu chảy chủ yếu là mất nước và điện giải. Nó có thể gây nhiều ảnh hưởng lên cơ chế hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể như rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp do giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn toan kiềm,...

Chính vì thế, bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cần phải được bù đủ nước và điện giải trong quá trình điều trị để tránh xảy ra rối loạn nước và điện giải. Ở những bệnh nhân có thể uống được thì người bệnh cần được cho uống nhiều nước hơn, sử dụng dung dịch bù nước và điện giải (Oresol). Tuy nhiên Cần lưu ý khi uống Oresol sau để không gây hại thêm cho sức khoẻ.

Còn nếu bệnh nhân không thể uống được, nôn ói nhiều hay cần phải bù dịch nhanh chóng thì có thể sử dụng đường truyền tĩnh mạch với các dung dịch thích hợp.

Thận trọng với các biến chứng ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Rối loạn nước, điện giải là biến chứng ngộ độc thực phẩm rất thường gặp (Ảnh: Interenet)

2. Tiêu chảy kéo dài sau ngộ độc thực phẩm

Có không ít bệnh nhân mặc dù bị ngộ độc thực phẩm và đã được điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên tình trạng tiêu chảy vẫn còn kéo dài rất lâu sau đó, thậm chí có thể kéo dài đến vài tháng.

Nguyên nhân chính của tiêu chảy kéo dài do biến chứng ngộ độc thực phẩm được cho là gây nên bởi hội chứng ruột kích thích được khởi phát do ngộ độc thực phẩm, do thành ruột bị tổn thương nên không thể bài tiết được các men tiêu hóa, không thể hấp thụ được các chất, và do hệ vi khuẩn đường ruột bị tổn thương do ngộ độc và chưa khôi phục lại được trạng thái bình thường,...

Bạn có thể tìm hiểu thêm về Hội chứng ruột kích thích là gì và những hiểu lầm phổ biến thường gặp.

Thường thì biểu hiện tiêu chảy ở bệnh nhân do biến chứng ngộ độc thực phẩm sẽ được cải thiện sau khi các tổn thương do ngộ độc gây nên được hồi phục.

3. Hội chứng viêm khớp phản ứng sau ngộ độc thực phẩm

Một biến chứng ngộ độc thực phẩm khác mà bệnh nhân có thể gặp phải chính là tình trạng viêm khớp phản ứng (hay còn gọi là hội chứng Reiter). Đây là hội chứng mà người các khớp của người bệnh sẽ bị đau, viêm sau khi bị nhiễm trùng xảy ra ở một cơ quan khác, không nhiễm trùng tại khớp. Cụ thể trong trường ngộ độc thực phẩm thì hội chứng Reiter là hậu quả của nhiễm trùng đường tiêu hóa gây nên.

Cơ chế gây nên hội chứng Reiter cho đến hiện tại vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn, người ta cho rằng sự xuất hiện của hội chứng này có thể liên quan đến giới nam, tuổi tác từ 20 đến 40 tuổi và một số yếu tố di truyền (HLA-B27). Tình trạng viêm khớp phản ứng có thể xảy ra tại bất kỳ khớp nào của cơ thể, nhưng nó thường hay xảy ra hơn ở các khớp ngón tay, ngón chân, khớp gối, khớp hông,... Ngoài ra, người mắc hội chứng Reiter cũng có thể gặp thêm một số biểu hiện khác như viêm kết mạc, viêm thận,...

Thông thường, hội chứng Reiter do biến chứng ngộ độc thực phẩm sẽ không biểu hiện ngay lập tức khi bệnh nhân mới vừa bị ngộ độc, mà hầu hết các trường hợp nó sẽ khởi phát sau khoảng 1 đến 3 tuần sau khi tình trạng ngộ độc thực phẩm đã được điều trị khỏi.

Hội chứng Reiter do biến chứng Reiter do ngộ độc thực phẩm có thể kéo dài đến hàng năm trước khi khỏi và trong quá trình này thì bệnh nhân có thể sẽ cần sử dụng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để làm nhẹ các biểu hiện của nó.

Thận trọng với các biến chứng ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Viêm khớp phản ứng có thể gặp sau khi bị ngộ độc thực phẩm vài tuần (Ảnh: Internet)

4. Hội chứng tăng ure tán huyết (HUS)

Hội chứng tăng ure tán huyết (HUS) là một biến chứng khá hiếm gặp của ngộ độc thực phẩm, nó hay xảy ra ở trẻ em hơn là gặp ở người lớn. Nguyên nhân gây nên hội chứng tăng ure tán huyết do biến chứng ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do nhiễm E.Coli.

Khi mắc hội chứng này, các tế bào hồng cầu trong máu sẽ bị phá hủy và thành mạch máu của cơ thể sẽ bị tổn thương. Mạch máu bị phá hủy dẫn đến tăng đông máu, tăng phá hủy hồng cầu do các sản phẩm chuyển hóa có hại (quan trọng hàng đầu là tăng ure do giảm đào thải ở thận gây tán huyết),... Trong các trường hợp nghiêm trọng, hội chứng tăng ure tán huyết thậm chí có thể gây nên tình trạng suy thận.

Những biểu hiện cảnh báo cho hội chứng tăng ure tán huyết đang xảy ra có thể bao gồm một số các triệu chứng sau da niêm mạc nhợt do thiếu máu, xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể hoặc chảy máu bất thường (chảy máu chân răng, đi cầu hoặc đi tiểu ra máu), dễ bầm tím, tăng huyết áp,...

5. Ngộ độc thực phẩm gây biến chứng hội chứng Guillain-Barré

Một biến chứng thần kinh của ngộ độc thực phẩm khác mà người bệnh có thể gặp phải là hội chứng Guillain-Barré.

Các yếu tố miễn dịch được hình thành do ngộ độc thực phẩm nhận diện và tấn công nhầm lên cơ quan thần kinh của cơ thể được cho là nguyên nhân gây nên hội chứng Guillain-Barré ở bệnh nhân. Hội chứng này thường khởi phát sau khi bị ngộ độc thực phẩm khoảng vài tuần sau đó (thông thường nhất là khoảng 5-6 tuần).

Hội chứng Guillain-Barré do biến chứng ngộ độc thực phẩm thường bắt đầu với một tình trạng ngứa ran ở tứ chi và cảm giác yếu chi. Sau đó, cảm giác yếu chi ngày càng nghiêm trọng và người bệnh có thể sẽ bị liệt tứ chi và toàn bộ cơ thể.

Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng Guillain-Barré, trong quá trình mắc bệnh vấn đề chủ yếu nhất là chăm sóc bệnh nhân đúng cách để hạn chế các biến chứng do liệt kéo dài gây nên. Tuy nhiên, điều may mắn là bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục được sau khi mắc hội chứng Guillain-Barré. Sau 6 tháng khởi phát hội chứng Guillain-Barré thì có khoảng 60% đến 80% số bệnh nhân có thể đi lại được sau đó.

Thận trọng với các biến chứng ngộ độc thực phẩm - Ảnh 3.

Ngộ độc thực phẩm có thể gây biến chứng là hội chứng Guillain-Barré (Ảnh: Internet)

6. Nhiễm trùng huyết do biến chứng ngộ độc thực phẩm

Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời và vi khuẩn có thể di chuyển vào máu gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết ở bệnh nhân.

Đây là một biến chứng ngộ độc thực phẩm hết sức nặng nề. Nếu không được điều trị đúng cách tình trạng nhiễm trùng huyết có thể gây tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, đưa đến hậu quả suy đa cơ quan và thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.

Để điều trị nhiễm trùng huyết, bệnh nhân cần phải được sử dụng kháng sinh tích cực và thích hợp, tốt nhất là điều trị theo kết quả của kháng sinh đồ.

Qua đây có thể thấy rằng, ngộ độc thực phẩm không chỉ gây nên các biến chứng cấp tính tức thời mà nó còn có khả năng gây nên nhiều biến chứng kéo dài, rất nguy hiểm. Do đó, khi bị ngộ độc thực phẩm thì người bệnh cần theo dõi sát tình trạng của cơ thể để phát hiện sớm các biến chứng nếu có để có thể xử trí kịp thời.

Nguồn dịch: https://www.foodpoisoning.com/about-food-poisoning/symptoms-complications/


Tác giả: QN