Thận trọng khi dùng rượu, socola, cà phê để phòng tránh bệnh tim mạch

Thận trọng khi dùng rượu, socola, cà phê để phòng tránh bệnh tim mạch
Rượu, socola và cà phê là sở thích của rất nhiều người. Nhưng các lời khuyên mà chúng ta đã biết đều cho rằng cần hạn chế sử dụng chúng để phòng tránh bệnh tim mạch. Vậy đâu là câu trả lời chính xác cho vấn đề này?

Ngoài công việc, cuộc sống này vẫn còn có rất nhiều thứ khác khiến chúng ta quan tâm. Trong số đó phải kể đến rượu vang, socola và cà phê - chúng thực sự là sở thích của rất nhiều người. Tuy nhiên, các bác sĩ tim mạch lại thường xuyên khuyên rằng nên hạn chế sử dụng những loại thức ăn hay đồ uống này để phòng tránh bệnh tim mạch.

Vậy điều này liệu có đúng? Hạn chế sử dụng rượu, socola và cà phê có thực sự mang lại lợi ích bảo vệ hệ tim mạch và sức khỏe của chúng ta hay không? Hãy cùng tìm hiểu thông qua nội dung dưới đây.

1. Uống rượu vừa phải có giúp phòng tránh bệnh tim mạch hay không?

Bắt đầu từ thời kỳ đồ đá mới, người ta đã biết lên men đồ uống để bảo quản chúng. Các bằng chứng lịch sử khác nhau đã được phát hiện có thể chứng minh điều này. Trong một hang động ở gần Haifa, người ta đã tìm thấy các dấu vết của bia có tuổi thọ từ 13000 năm trước. Rất có thể nó đã được người ta sử dụng trong một nghi lễ nào đó.

Hiện nay, nhiều phương pháp bảo quản thức uống mới đã được ra đời. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có cồn vẫn diễn ra hết sức phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau.

Mặc dù bia, rượu vang, hay các loại rượu mạnh có nồng độ cồn khác nhau. Nhưng thể tích sử dụng của chúng cũng không giống nhau, người ta dùng những chiếc cốc lớn nhất để uống bia, những chiếc ly nhỏ hơn để uống rượu vang và những chiếc ly nhỏ nhất để uống các loại rượu mạnh. Vì thế, lượng cồn được đưa vào cơ thể thường là tương đương với nhau bất kể loại thức uống có cồn được sử dụng.

Các thành phần khác ngoài cồn có trong các loại đồ uống này cũng khiến cho chúng trở nên khác biệt với nhau. Chẳng hạn như rượu vang có chứa flavonoid và resveratrol nên giúp phòng tránh bệnh tim mạch, kéo dài tác dụng của men SIRT1. Trong khi đó bia có chứa flavonoid, superoxide dismutase, các vitamin, polyphenol và phytosterol,... Còn những loại rượu mạnh thì có thành phần chủ yếu là cồn.

Tuy vậy, câu chuyện uống rượu có ích hay có hại cho sức khỏe vẫn luôn là một chủ đề rất được quan tâm.

Thận trọng khi dùng rượu, socola, cà phê để phòng tránh bệnh tim mạch - Ảnh 1.

Uống rượu vừa phải có giúp phòng tránh bệnh tim mạch hay không vẫn là vấn đề gặp nhiều tranh cãi - Ảnh: Internet

Theo các nhà khoa học, hoạt động hệ thần kinh giao cảm ở những người khỏe mạnh sẽ bị tăng lên ở những người uống rượu. Nó kích thích hormone corticotropin được giải phóng nhiều hơn vào trong não và khiến hệ thần kinh trở nên hưng phấn hơn. Vì thế, đây có thể là lý do tại sao những người bị say rượu thường tỉnh giấc sớm và không thể đi ngủ trở lại.

Người ta cũng cho rằng, chính sự tăng cường hoạt động hệ thần kinh giao cảm ở những người uống rượu đã khiến cho họ dễ bị tăng huyết áp hơn. Nhưng theo một nghiên cứu trên 28.848 phụ nữ và 13455 nam giới đã cho thấy, nguy cơ tăng huyết áp do uống rượu ở phụ nữ và nam giới có sự khác biệt với nhau.

Trong khi nam giới chỉ cần sử dụng 1 ly rượu mỗi ngày đã có thể khiến họ dễ bị tăng huyết áp hơn. Thì những người phụ nữ sẽ cần sử dụng đến 4 ly mỗi ngày mới khiến họ tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Còn nếu những người phụ nữ chỉ sử dụng rượu ở mức độ vừa phải hoặc ít, nó thậm chí còn làm giảm nguy cơ bị tăng huyết áp.

Tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm của rượu còn có thể gây ảnh hưởng đến sự điều hòa nhịp tim. Điều này khiến cho uống rượu mỗi ngày làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, bất kể lượng sử dụng nhiều hay ít.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa uống rượu và đột quỵ não cũng là chủ đề rất được quan tâm. Tuy nhiên, các kết quả thu được vẫn còn rất mâu thuẫn với nhau.

Trong nghiên cứu INTERHEART, các nhà khoa học đã chứng minh rằng uống rượu vừa phải (4-6 ly/tuần) là một cách để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh đột quỵ xảy ra. Nghiên cứu này được thiết kế theo mô hình nghiên cứu bệnh chứng.

Còn trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học lại cho rằng chưa có nguyên nhân cụ thể nào có thể giải thích cho tác dụng bảo vệ và phòng tránh bệnh tim mạch khi uống rượu vừa phải. Họ thấy, uống rượu vừa phải khiến nguy cơ đột quỵ và nguy cơ tăng huyết áp tăng tương đương với nhau.

Ngoài những ảnh hưởng trên, sử dụng rượu còn có liên quan đến các hậu quả bất lợi tại não, kể cả khi chỉ uống rượu ở mức vừa phải. Các biến đổi chính thường thấy là teo hồi hải mã và thay đổi cấu trúc callosum, chúng có thể được quan sát thấy trên MRI. Sự biến đổi này làm tăng quá trình suy giảm nhận thức và thúc đẩy bệnh sa sút trí tuệ phát triển.

Có thể nói, việc sử dụng rượu thực sự đem lại rất ít tác dụng bảo vệ, phòng tránh bệnh tim mạch. Do đó, cần phải cân nhắc kỹ và chỉ nên tiêu thụ rượu nói chung ở một mức độ vừa phải.

Đọc thêm:

 - Hướng dẫn cách cai rượu bia hiệu quả mà không cần dùng thuốc 

Uống nước ngọt sau khi uống rượu có hại không? Tác hại khi kết hợp rượu bia và nước ngọt?

2. Socola, cacao và mối quan hệ với bệnh lý tim mạch

Chúng ta biết rằng, ăn nhiều muối dễ dẫn đến tăng huyết áp. Nhưng những người da đỏ Kuna sống trên một hòn đảo gần Panama dường như lại không tuân theo quy luật này. Họ vẫn có mức huyết áp thấp dù cho sử dụng rất nhiều muối mỗi ngày. Điều này đã khiến Tiến sĩ Norman Hollenberg quyết định đi tới nơi đây để tìm hiểu điều gì đang xảy ra.

Theo kết quả điều tra, hạt ca cao ăn chung với muối là món ăn ưa thích tại đây và được ăn thường xuyên. Tuy nhiên mức huyết áp của những người da đỏ Kuna lại ổn định chỉ ở mức 110/70mmHg trong suốt cuộc đời của họ.

Đồng thời, kết quả phân tích nước tiểu cũng cho thấy rằng có nhiều dẫn xuất của oxit nitric trong nước tiểu của những người này. Điều này được lý giải là do tác dụng của flavonol epicathechin có trong hạt cacao khiến oxit nitric được tổng hợp nhiều hơn.

Còn socola là một sản phẩm được chế biến từ hạt cacao, sữa và đường. Rang, sấy hạt cacao trong quá trình chế biến socola có thể khiến nó mất đi lớp epicathecin ở bên ngoài. Trong khi đó, chính lớp epicathecin mới là nguyên nhân khiến socola có tác dụng bảo vệ,phòng tránh bệnh tim mạch.

Vì thế, chỉ có socola đen mới là loại socola có khả năng cải thiện chức năng nội mô ở những người hút thuốc. Tác dụng bảo vệ, phòng tránh bệnh tim mạch này đã được chứng minh nhờ các thí nghiệm trên thực tế. Người ta đã sử dụng thử nghiệm áp lạnh để kiểm tra vận động mạch máu.

Thận trọng khi dùng rượu, socola, cà phê để phòng tránh bệnh tim mạch - Ảnh 2.

Chỉ có socola đen mới có thể giúp phòng tránh bệnh tim mạch - Ảnh: Internet

Ngoài ra, sử dụng socola còn được biết đến với nhiều lợi ích khác như tác động tích cực đến huyết áp, tình trạng đề kháng insulin, chức năng tiểu cầu. Đồng thời cũng đã có một số bằng chứng cho thấy, socola có khả năng làm giảm các biến cố tim mạch lớn và giúp cải thiện chức năng não bộ.

Tuy nhiên, nhược điểm của socola chính là trong thành phần của nó có chứa nhiều đường, sữa và chất béo. Vì thế rất dễ làm tăng trọng lượng cơ thể khi sử dụng.

3. Phòng tránh bệnh tim mạch nhờ uống cà phê vừa phải

Cà phê đã được phát hiện từ rất lâu trước kia. Những người chăn dê Kaddi đã phát hiện ra một loại quả có thể khiến những con dê hưng phấn đến mức không ngủ. Lâu dần loại quả này đã được chế biến thành một thứ đồ uống phổ biến. Cho tới ngày nay, uống cà phê đã thực sự trở thành thói quen của nhiều người.

Với những người mới uống cà phê, nó sẽ gây kích thích thần kinh giao cảm, tăng cảm giác hồi hộp và làm tăng huyết áp. Còn khi đã sử dụng thành thói quen, cơ chế điều hòa thần kinh giao cảm sẽ bảo vệ cơ thể khỏi kích thích tim mạch.

Hầu hết mọi người cho rằng, tác dụng này là do caffein gây ra. Nhưng theo các nhà khoa học, caffein không phải là nguyên nhân gây ra kích thích thần kinh giao cảm. Mà một thành phần khác chưa được biết rõ có trong cà phê mới chính là nguyên nhân của hiện tượng này.

Ngoài ra, cà phê cũng có thể làm gia tăng sự đáp ứng của hệ tim mạch với các căng thẳng về tinh thần ở những người mới sử dụng. Cụ thể, nó khiến cho huyết áp tâm thu trở nên tăng cao. Nhưng nếu dùng cà phê càng thường xuyên, tác dụng kích thích này sẽ ngày càng giảm bớt.

Vì thế người ta cho rằng, sử dụng cà phê vừa phải hằng ngày có thể làm giảm nguy cơ suy tim. Tác dụng lớn nhất thu được khi sử dụng khoảng 4 tách cà phê mỗi ngày. Điều này có thể là do uống cà phê vừa phải thường xuyên đã làm giảm sự kích thích hệ thần kinh giao cảm. Từ đó đưa đến tác dụng bảo vệ và phòng tránh bệnh tim mạch.

Thận trọng khi dùng rượu, socola, cà phê để phòng tránh bệnh tim mạch - Ảnh 3.

Uống 4 tách cà phê mỗi ngày có thể giúp phòng tránh bệnh tim mạch - Ảnh: Internet

Một nghiên cứu tại Đức trên 42 659 người tham gia đã kết luận rằng, nguy cơ mắc bệnh mãn tính nói chung không bị ảnh hưởng sau 9 năm sử dụng cà phê liên tục. Nhưng nếu sử dụng 4 tách cà phê mỗi ngày sẽ có thể làm giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường tuýp 2 xảy ra.

Còn trong một nghiên cứu khác do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ thực hiện đã phát hiện, khi uống 4-5 tách cà phê mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ và giúp phòng tránh bệnh tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, nhiễm trùng, chấn thương, tai nạn,...

Nguồn tham khảo:

https://academic.oup.com/eurheartj/article/42/44/4520/6409460?fbclid=IwAR2hUwCiq3NyHDQ2js6XOKQtupCBmnBiMpPXPKcnaMWMMIreyMMCFuHrbbM

Tác giả: QN