Phong tục Tết Hàn thực (Tết ăn đồ lạnh) bắt nguồn từ Trung Quốc, xưa kia dịp này người ta thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó. Mỗi gia đình đều chuẩn bị bánh trôi, bánh chay dâng lên bàn thờ, tưởng nhớ ân đức tổ tiên.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Tết Hàn thực ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường. Do giao lưu văn hóa lâu đời với Trung Hoa nên ở một số gia đình người Việt Nam cũng có thói quen cúng Tết Hàn thực.
Ở Việt Nam, Tết Hàn thực mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên. Ở nhiều nơi, người dân làm bánh trôi, bánh chay cúng thần hoàng.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn. Bánh trôi, bánh chay cũng là cách tưởng nhớ về "bọc trăm trứng" của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con đi theo mẹ Âu Cơ lên đất liền để sinh sống.
Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng, nở ra thành 50 người con đi theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Chính vì thế, những chiếc bánh nhỏ có hình trong và màu trắng để trong giống trăm quả trứng.
Đọc thêm:
- Bún gạo lứt chứa bao nhiêu calo?
- Cơm nếp bao nhiêu calo? Giải đáp những thắc mắc liên quan đến cơm nếp không phải ai cũng biết
Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên. Hai loại bánh này thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn tròn đầy, tinh khiết trong cuộc sống.
Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Số lượng bát bánh trôi và bánh chay trên mâm cũng thường là 3 hoặc 5, tùy theo từng gia đình.
Tết Hàn thực cũng là một dịp hướng về tổ tiên. Vì thế mâm cúng tết Hàn thực ngoài bánh trôi, bánh chay thì không thể thiếu hoa tươi, trầu cau, hương để bày trên ban thờ. Nhiều gia đình bày biện thêm 1 đĩa quả để mâm cúng được đầy đặn và tươm tất.
Bánh trôi, bánh chay được đánh giá là món ăn tốt cho sức khỏe. Cụ thể, giá trị dinh dưỡng của 100 gam gạo nếp bao gồm:
74.9g glucid, 8.6g protid, 1.5g lipid, 14g nước, 0.6g xeluloza, 0.8g tro, 32mg canxi, 98mg photpho, 1.2mg sắt và một số vitamin như B1, B2, PP.
Theo y học cổ truyền, gạo nếp vị ngọt, tính ấm, vào được ba đường kinh tỳ, vị và phế; có công dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, ích phế chỉ hãn, thường được dùng để chữa các chứng hư lao, tiết tả do tỳ vị hư nhược, vị quản thống, tự hãn, đạo hãn và đa hãn, tiêu khát, huyễn vựng do huyết hư.
Gạo nếp giàu chất bột là dưỡng chất chính trong khẩu phần bữa ăn của người Việt. Nếu thiếu chất bột khi ăn dễ bị hạ đường huyết, người mệt mỏi, chân tay bủn rủn, làm việc khó tập trung, bụng đói cồn cào...
Mặc dù là món ăn truyền thống nhưng vào ngày Tết Hàn thực, một số người không nên ăn nhiều bánh trôi, bánh chay:
- Người bị đái tháo đường : Do nhân bánh trôi chứa đường, chứa nhiều chất ngọt nên những người bị đái tháo đường không nên ăn món này để tránh chỉ số đường trong máu vượt ngưỡng quá cao.
- Người béo phì : Người thừa cân, béo phì cần hạn chế tinh bột. Bánh trôi lại làm hoàn toàn bằng bột gạo nên đây cũng là món ăn không dành cho người béo phì.
- Người bị tim mạch, dạ dày : Nếu ăn quá nhiều bánh trôi có thể làm tăng gánh nặng cho việc lưu thông máu khiến tim mệt. Bánh trôi còn thúc đẩy bài tiết acid dạ dày làm cho bệnh tình của bệnh nhân bị đau dạ dày thêm trầm trọng.
- Người có hệ tiêu hóa kém: Bánh trôi làm chủ yếu từ bột nếp, nếu ăn nhiều có thể gây nóng, đầy bụng, ợ hơi, không phù hợp với người có hệ tiêu hóa kém như người cao tuổi và trẻ nhỏ.
*Nguyên liệu làm 1 bát bánh chay và 1 đĩa bánh trôi nhỏ
- Bột nếp : 200 gram
- Đường làm bánh trôi: khoảng 12-14 viên nhỏ
- Đậu xanh đã ngâm bỏ vỏ: 30 gram
- Vừng trắng
- Nước cốt dừa, dừa nạo sợi nhỏ (không bắt buộc)
- Bột năng/ bột đao hoặc bột sắn
*Cách làm:
Bước 1: Chuẩn bị bột bánh trôi
- Cho bột vào bát to, đổ từ từ 1 cốc nước ấm vào bát bột, lấy đũa khuấy rồi dùng tay nhào đều đến khi khối bột dẻo quánh, cầm chắc tay, không bị quá nhão và không bị quá khô.
- Dùng màng bọc thực phẩm gói khối bột cho khỏi bị khô để đi chuẩn bị hai loại nhân và vừng rắc mặt bánh.
Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh chay
- Nhân bánh chay: Đậu xanh ngâm với nước ấm trước khoảng 2-3 tiếng hoặc qua đêm. Cho đậu xanh vào nồi, đổ nước xâm xấp, để lửa vừa. Sau khi nước sôi một lúc thì hạ nhỏ lửa, cho đường và chút xíu muối, nêm sao cho vừa ngọt, đun tiếp đến khi cạn nước. Vừa đun vừa lấy thìa hoặc muôi lớn nghiền và đánh đậu xanh cho nhuyễn và tơi. Nếu nước cạn quá nhanh mà đậu xanh chưa chín mềm & chưa nhuyễn thì cho thêm nước.
Đậu xanh sau khi chín và nghiền nhuyễn thì nắm lại thành từng nắm nhỏ cỡ quả trứng chim cút. Bạn nên nắm đậu lúc đậu còn ấm nóng, đậu kết dính sẽ tốt hơn, có thể trộn thêm dừa nạo vào trong nhân, tùy thích.
- Vừng rắc mặt bánh: Rang chín khoảng 2-3 thìa vừng trắng, để riêng ra bát.
Bước 3: Nặn bánh trôi, bánh chay
- Chia khối bột ra làm nhiều phần nhỏ đều nhau và vừa với lượng nhân đã chuẩn bị. Ấn dẹt từng khối bột, đặt nhân vào giữa và gói lại, vo tròn. Cố gắng vo sao cho khít, đừng để không khí lọt vào bên trong nhân, khi đun bánh sẽ dễ bị vỡ.
Bước 4: Luộc bánh trôi, bánh chay
- Thả bánh đã nặn vào nồi nước sôi, luộc đến khi bánh nổi và trong thì vớt ra thả vào bát nước lạnh. Sau đó, dùng muôi thủng vớt ra đĩa sao cho đẹp rồi trang trí vừng đã rang lên phía trên mặt bánh.
- Cách nấu nước bánh chay: Hòa tan bột sắn dây với 100g đường và nước, đặt lên bếp đun sôi sao cho hỗn hợp sắn dây sánh, lỏng thì tắt bếp, thêm nước hoa bưởi vào để tạo mùi thơm.
- Bánh chay múc ra bát, thêm nước sắn dây. Có thể rắc thêm vài hạt đậu đã đồ chín hoặc vài sợi dừa nạo (nếu muốn).
Lưu ý : Để tạo món bánh trôi, bánh chay nhiều màu, hấp dẫn, bạn có thể dùng màu tự nhiên từ một số loại lá dứa, trà xanh, củ dền…
- Tạo bột màu đỏ từ gấc: Bạn cho 100gr bột nếp vào âu, thêm 40gr đường cát trắng, 30gr bột bắp. Cơm gấc sau khi ngâm với chút rượu và chút nước thì bóp nhuyễn lấy phần thịt gấc tiết ra đổ vào âu bột, nhào qua thấy bột còn khô thì thêm 60 – 70ml nước ấm khoảng 40oC, đổ từ từ, vừa đổ vừa nhào. Không nên đổ hết nước vào một lần để tránh hỏng bột.
Nếu bột đủ nước thì bạn dừng lại, lấy tay nhào, nếu bột còn ướt thì thêm bạn chút bột khô vào nhào đến khi bột dẻo mịn không dính tay là được (nên gói bột trong màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô).
- Tạo màu xanh cho bột bằng matcha: Cho bột trà xanh vào bát rồi thêm 50ml nước nóng, hòa tan bột rồi lọc qua một lần rây để bỏ bớt cặn trà xanh. Đổ 100gr bột nếp ra âu, thêm 30gr bột bắp, 40gr đường cát trắng rồi trộn đều các nguyên liệu với nhau.
Đổ từ từ nước trà xanh vào âu bột; vừa đổ vừa dùng thìa khuấy cho đến khi đủ nước dừng lại, thiếu nước thì thêm chút nước ấm khoảng 40oC vào nhào đến khi bột dẻo mịn không bị dính tay là được. Nếu bột khô thì thêm nước, nhão thêm bột cứ thế chúng ta làm cho đến khi có được khối bột dẻo mịn, không dính tay là đạt chuẩn.
- Tạo màu vàng từ hạt dành dành: Hạt dành dành cho ra bát, thêm chút nước nóng để một lúc cho hạt ra màu vàng như ý muốn rồi đổ vào phần bột đã chuẩn bị sẵn, nhào đến khi dẻo mịn không dính tay, bọc màng bọc thực phẩm để tránh bột khô. Nếu không có hạt dành dành thì thay bằng bí đỏ. Xay sống bí đỏ, thêm chút nước để dễ xay, sau đó lọc thật kỹ qua rây sẽ thu được phần nước cốt bí đỏ màu vàng óng.
- Tạo màu tím từ lá cẩm: Lá cẩm rửa sạch, cho vào nồi nước đun khoảng 15 phút cho ra màu thì tắt bếp, chắt lấy phần nước màu rồi lọc qua rây một lần nữa (nếu không có lá cẩm tím thì thay thế bằng lá bắp cải tím và cho thêm một chút vani để khử mùi hăng).
Cho 100gr bột nếp, 40gr đường cát, 30gr bột bắp vào âu rồi trộn đều các nguyên liệu. Từ từ đổ nước cốt lá cẩm tím hoặc nước cốt bắp cải tím vào, vừa đổ vừa dùng thìa khuấy đến khi đủ nước dừng lại, tiếp tục nhào đến khi bột dẻo mịn, nếu bột khô thêm nước, ướt thì thêm một nếp, sau đó bọc vào màng bọc thực phẩm tránh bột bị khô.