Tay chân miệng và thủy đậu: Triệu chứng tương đồng dễ gây nhầm lẫn

Tay chân miệng và thủy đậu: Triệu chứng tương đồng dễ gây nhầm lẫn
Tay chân miệng và thủy đậu là hai loại bệnh đều gây ra các triệu chứng như nổi mụn nước, sốt nhẹ,... Vậy phải làm thế nào để phân biệt được bệnh tay chân miệng và thủy đậu?

1. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây lan qua đường tiêu hoá thông qua một số virus đường ruột. Các loại virus này có khả năng lây trực tiếp từ người sang người thông qua dịch mũi (họng), nước bọt, các vết mụn nước, viêm loét hoặc phân của bệnh nhân. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và bệnh thường bùng phát vào thời điểm từ tháng 3 - tháng 5 hằng năm.

Sau thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu tay chân miệng đầu tiên. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường dễ gây nhầm lẫn giữa bệnh tay chân miệng và thủy đậu, gây khó khăn trong việc điều trị, thậm chí còn làm bệnh trầm trọng hơn và tăng nguy cơ xảy ra biến chứng.

Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ban đầu thường là sốt (thường là sốt nhẹ dưới 38 độ C), đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, chán ăn, nôn mửa,... Đồng thời, trẻ bị sốt có thể kèm theo các đốm nhỏ li ti trong họng, sau đó phát triển thành các vết loét ở lợi, má, niêm mạc họng, chảy máu chân răng gây đau rát,... 

Ảnh 1.

Các vị trí mọc mụn nước do bệnh tay chân miệng gây ra (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, bệnh tay chân miệng còn gây ra các nốt mụn nước ở một số bộ phận trên cơ thể như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối,... và thường không gây ngứa. Ở thể nhẹ, các nốt mụn nước này có thể xuất hiện và biến mất trong vài ngày, khi xẹp mụn thường chỉ để lại thâm và không để lại sẹo.

Bệnh tay chân miệng thường trở nặng với các dấu hiệu như sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ quấy khóc liên tục, vật vã, li bì, giật mình thường xuyên,... Cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu này khi điều trị tay chân miệng cho trẻ để đề phòng các biến chứng nguy hiểm liên quan đến thần kinh và tim mạch.

2. Dấu hiệu bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh là bệnh do virus gây ra, lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Ngoài ra, bệnh còn lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bệnh nhân do virus gây bệnh còn tồn tại trong các nốt thủy đậu. Đối tượng nhạy cảm với bệnh nhất là trẻ nhỏ chưa có miễn dịch với bệnh. Thủy đậu là bệnh thường bùng phát nhiều nhất vào mùa đông - xuân.

Ảnh 2.

Mụn nước do thuỷ đậu gây ra (Ảnh: Internet)

Sau thời gian ủ bệnh từ 14-20 ngày, các dấu hiệu thủy đậu đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Ở thời gian đầu, bệnh thường gây sốt nhẹ, chảy nước mũi, quấy khóc, chán ăn,... Sau đó, cơ thể sẽ xuất hiện những mụn nước trong, chứa dịch hơi ngả vàng. 

Có thể dựa vào các nốt mụn nước để phân biệt bệnh tay chân miệng và thủy đậu. Thông thường, mụn nước thủy đậu thường mọc ở nhiều vùng trên cơ thể với số lượng lớn. Sau khoảng 5-6 ngày, các nốt này sẽ đóng vảy màu nâu sẫm và bong vảy, không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu các nốt mụn nước này bị bội nhiễm thì có nguy cơ để lại sẹo.

Bệnh nhân thủy đậu cần được cách ly tới khi điều trị khỏi hẳn để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần bổ sung vitamin C cho trẻ, giữ cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là không để các nốt mụn nước bị vỡ hoặc nhiễm trùng. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, các nốt mụn này có thể gây ra biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản - phổi, viêm thận,...

Ảnh 3.

Việc điều trị bệnh tay chân miệng và thuỷ đậu là hoàn toàn khác nhau (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nếu việc nhận diện bệnh tay chân miệng và thủy đậu vẫn gặp khó khăn, cha mẹ có thể dựa vào một số dấu hiệu dưới đây để phân biệt hai loại bệnh này.

3. Dấu hiệu phân biệt bệnh tay chân miệng và thủy đậu

3.1. Kích thước của nốt mụn

Cả bệnh tay chân miệng và thủy đậu đều gây ra các nốt mụn nước. Tuy nhiên, trong khi các nốt mụn nước do bệnh tay chân miệng gây ra thường có kích thước đồng đều thì mụn nước ở bệnh thủy đậu lại xuất hiện to nhỏ khác nhau.

Ảnh 4.

Phân biệt bệnh tay chân miệng và thuỷ đậu (Ảnh: Internet)

3.2. Vị trí mọc mụn nước

Các nốt mụn nước do tay chân miệng gây ra thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khớp gối, mông,... Trong khi đó, thủy đậu lại gây ra các nốt mụn nước ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, kể cả bộ phận sinh dục.

3.3. Cảm giác ngứa

Đây là một dấu hiệu tiêu biểu để phân biệt và so sánh bệnh tay chân miệng và thủy đậu. Mụn nước của bệnh tay chân miệng thường không gây ra cảm giác ngứa hoặc đau khi chạm hoặc ấn vào. Ngược lại, bệnh thủy đậu lại gây ra cảm giác ngứa và đau tại các vị trí mọc mụn nước.

Tác giả: Thảo Ngân