Tay chân miệng gia tăng, cần nắm rõ nguyên tắc phòng chống lây nhiễm

Tay chân miệng gia tăng, cần nắm rõ nguyên tắc phòng chống lây nhiễm
Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 09 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Bệnh tay chân miệng có tên tiếng anh là Hand, foot and mouth disease- HFMD. Đây là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với các dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết như sốt, đau họng, loét miệng hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng do đó cần phòng chống lây nhiễm tay chân miệng một cách triệt để nhằm hạn chế bùng phát thành dịch.

1. Các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm tay chân miệng

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó việc chủ động thực hiện các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm bệnh là vô cùng cần thiết.

Dựa trên các con đường lây lan của bệnh tay chân miệng như qua tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, tiếp xúc với phân nhiễm virus. Bộ Y tế đã đưa ra các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm tay chân miệng như sau:

- Phát hiện càng sớm càng tốt các trường hợp mắc bệnh để xử lý và điều trị kịp thời.

- Thực hiện cách ly triệt để và nhanh chóng với các trường hợp mắc bệnh, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng để bảo vệ cơ thể chống lại virus gây bệnh.

Những thời điểm cần rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y Tế (Ảnh: Internet)

Những thời điểm cần rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y Tế (Ảnh: Internet)

- Làm sạch bề mặt và khử trùng sạch sẽ các dụng cụ sinh hoạt, nhà cửa, môi trường sống.

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến công tác phòng dịch ở các địa điểm như:

1.1. Phòng bệnh tại các nhà trẻ, mẫu giáo

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các ca nhiễm ngày một nhiều lên. Việc phòng chống lây nhiễm tay chân miệng tại các nhà trẻ, mẫu giáo là vô cùng quan trọng. Điều này là do đây là nơi tiếp xúc của nhiều trẻ em trong 1 thời gian dài. Do đó nhà trường cần thực hiện những biện pháp như:

- Theo dõi tình trạng của các trẻ trong lớp một cách cẩn thận. Hằng ngày cần lưu ý các biểu hiện sốt, các vết loét, phỏng nước để kịp thời cách ly.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho từng trẻ và người lớn. Trẻ cần được vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc trẻ cần rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, đặc biệt là sau mỗi lần thay tã cho trẻ.

- Làm sạch các dụng cụ, đồ chơi của trẻ, lau sàn bằng chloramin B 2% pha loãng.

- Thường xuyên làm thông gió lớp học, hạn chế để trẻ bôi các chất tiết mũi họng ra ngoài các vật dụng dùng chung.

1.2. Tại gia đình và cộng đồng

Mỗi cá nhân cần có nhận thức tốt và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả. Trong đó, phụ huynh cần lưu ý bổ sung chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hằng ngày. Thực hiện ăn chín, uống sôi và ngâm tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống trước khi sử dụng.

Khử trùng các địa điểm, môi trường xung quanh khu vực có khả năng lây nhiễm tay chân miệng cao (Ảnh: Internet)

Khử trùng các địa điểm, môi trường xung quanh khu vực có khả năng lây nhiễm tay chân miệng cao (Ảnh: Internet)

Cần tuyệt đối không mớm thức ăn cho trẻ, không để trẻ mút tay, ngậm các đồ vật chưa được khử trùng. Bên cạnh đó, cần lau rửa sàn nhà, khu vực sinh hoạt chung của gia đình 2 lần mỗi ngày với nước lau sàn chuyên dụng để hạn chế virus bám vào các bề mặt như sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, mặt ghế...

Hơn nữa, phụ huynh cũng cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ và cả gia đình. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học và đi khám sớm để có biện pháp điều trị, cách ly kịp thời.

Hạn chế đến những nơi công cộng trong thời điểm dịch bùng phát, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và dùng khăn giấy che miệng, mũi khi hắt hơi, ho cũng là một trong những điểm cần lưu ý trong công tác phòng chống lây nhiễm bệnh ở cộng đồng. Việc rửa tay cũng nên tuân thủ các quy tắc thường quy đã được Bộ Y Tế quy định để đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

2. Có nên đi thăm trẻ đang mắc bệnh tay chân miệng hay không?

Đây là một câu hỏi được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Khi trẻ đang mắc bệnh tay chân miệng liệu có nên đi thăm hay không và liệu sau khi thăm, nếu đã rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thì có thể phòng bệnh?

Trên thực tế, theo các chuyên gia y tế đã khuyến cáo, để hạn chế việc lây nhiễm, phụ huynh và trẻ không nên đi thăm người bị bệnh. Kể cả những nhân viên y tế sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh cần phải tắm với xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh, thay quần áo cẩn thận mới đảm bảo không mang mầm bệnh trên cơ thể.

Do đó, để thực hiện tốt công tác phòng chống lây nhiễm tay chân miệng, không nên đi thăm người đang mắc bệnh.


https://suckhoehangngay.vn/tay-chan-mieng-gia-tang-can-nam-ro-nguyen-tac-phong-chong-lay-nhiem-20201213143215753.htm
Tác giả: Anh Dũng