Tất tật về Sa tử cung: Căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng chị em

Tất tật về Sa tử cung: Căn bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng chị em
Sa tử cung sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Vậy làm sao để nhận biết và xử lý đúng, hạn chế những hậu quả xấu có thể xảy ra?

1. Sa tử cung là gì?

Sa tử cung là hiện tượng xảy ra khi tử cung rơi xuống và vào trong ống âm đạo, thậm chí ra ngoài âm đạo do cơ sàn chậu và dây chằng căng ra, không thể nâng đỡ tử cung. Bệnh sa tử cung được chia bệnh thành 3 cấp độ như sau:

Cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất. Lúc này, tuy tử cung sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo

Cấp độ 2: Tử cung bị đã tụt xuống ngoài cửa âm đạo và có thể nhìn thấy khi làm việc nặng hoặc hoạt động nhiều

Cấp độ 3: Toàn bộ tử cung bị tụt xuống và ra ngoài âm đạo, có thể nhìn thấy bằng mắt, dạ con màu hồng, to bằng quả trừng gà. Đây là trường hợp nguy hiểm nhất bởi lúc này tử cung rất có khả năng sẽ bị viêm nhiễm và phải cắt bỏ do không có khả năng tự co lên.

2. Đối tượng nào có thể mắc bệnh?

Sa tử cung là một căn bệnh có thể bắt gặp ở bất kì người phụ nữ nào, tuy nhiên căn bệnh này thường xảy ra ở những đối tượng sau:

- Phụ nữ sau sinh, đặc biệt đối với những người sinh con bằng đường âm đạo, thai nhi lớn hoặc thời gian chuyển dạ quá nhiều.

- Phụ nữ phải vận động hoặc mang vác nặng sau khi sinh mà không kiêng cữ. Điều này khiến đáy bụng phải co bóp quá nhiều, gây ra tổn thương và dẫn tới sa tử cung.

- Phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ lớn tuổi.

Bên cạnh đó, khi thấy cơ thể xuất hiện những hiện tượng sau thì rất có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc sa tử cung khi mang thai ở phụ nữ gồm:

- Thai đôi hoặc đa thai.

- Thai phụ tuổi cao.

- Thai nhi quá lớn.

- Thai phụ mang thai nhiều lần.

- Khó sinh dẫn đến co thắt tử cung quá dài.

- Nhau thai có dấu hiệu bất thường.

- Thực hiện phẫu thuật tử cung.

3. Triệu chứng bệnh

Tùy thuộc vào cấp độ bệnh, triệu chứng xuất hiện ở mỗi người sẽ có sự khác nhau đáng kể. Tuy nhiên đối với bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh rất khó có thể phát hiện các dấu hiệu bệnh do những biểu hiện này không rõ ràng cũng như không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, triệu chứng ở từng cấp độ như sau:

- Cấp độ 1: Cấp độ này bệnh nhân thường có dấu hiệu nặng bụng vào trước kỳ kinh, đau bụng dưới có dấu hiệu đau lưng khi đứng lâu hoặc lao động nặng, muốn đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu không nhiều.

Ảnh 2.

Đau bụng nặng vào kỳ kinh - dấu hiệu sa tử cung cấp độ 1

- Cấp độ 2: Các triệu chứng trở nên nặng nề hơn: đại tiện đau đớn, khó khăn; khí hư có màu trắng loãng hoặc có nhầy; âm đạo có máu chảy bất thường,…Đặc biệt, khi quan hệ, người phụ nữ sẽ có cảm giác phần tử cung xệ xuống ngoài miệng âm đạo.

- Cấp độ 3: Ở mức độ này sẽ có những biểu hiện nặng nề và rất nguy hiểm như tử cung xuất hiện tình trạng phù, sưng loét, mưng mủ, thậm chí chảy dịch màu vàng. Khi bệnh nặng hơn người bệnh có thể bị sốt cao, táo bón và nhiều triệu chứng khác.

Khi người bệnh gặp phải các triệu chứng kể trên, họ thường dễ nhầm lẫn với một số căn bệnh khác như u nang buồng trứng hay nhân xơ tử cung. Vì vậy để điều trị kịp thời và hiệu quả, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín hoặc bệnh viện để có được kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

4. Nguyên nhân của sa tử cung

Sa tử cung là một căn bệnh đến nay vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân chính. Tuy nhiên, dựa vào các trường hợp thực tế, có thể nhận thấy những nguyên nhân cơ bản sau đây:

- Thai phụ bị chấn thương cơ đáy xương chậu, các mô nâng đỡ tử cung hoặc cổ tử cung trong khi sinh, đặc biệt khi sinh con quá to hoặc thời gian chuyển dạ lâu.

- Thai phụ lao động nặng sau khi sinh bởi lúc này tử cung chưa thể co lại hoàn toàn sau khi sinh và các cơ, dây chằng nâng đỡ tử cung cũng chưa phục hồi. Việc lao động quá sức khiến những bộ phận này bị tổn thương và khiến tử cung bị sa xuống.

- Dị tật bẩm sinh ở tử cung cũng có thể gây ra bệnh: tử cung 2 buồng, cổ và eo tử cung có độ dài không bình thường,…

- Phụ nữ bị táo bón hoặc khó khăn về đại tiện sau sinh, khiến áp lực trong ổ bụng tăng và dẫn đến bệnh.

- Can thiệp y khoa trong khi sinh cũng là một nguyên nhân của bệnh: nội soi, sinh mổ, bỏ nhau thai bằng tay hoặc dùng thuốc oxytocin.

5. Sa tử cung có nguy hiểm không?

Có rất nhiều người phụ nữ lo lắng và bất an khi mắc phải bệnh này. Theo nguyên tắc, nếu được phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên các bạn cũng nên cảnh giác với một số biến chứng nguy hiểm của bệnh như:

5.1 Loét âm đạo

Biến chứng này sẽ xảy ra khi người bệnh mắc bệnh ở mức độ cao nhất. Lúc này, tử cung sa xuống kéo theo một phần của lớp lót âm đạo nhô ra bên ngoài âm đạo và gây ra cọ xát với quần. Điều này có thể gây ra tình trạng lở loét âm đạo và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.

5.2. Sa cơ quan khác ở vùng chậu

Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ có thể gặp phải tình trạng sa các cơ quan khác ở vùng chậu, bao gồm trực tràng và bàng quan. Tình trạng sa các cơ quan vùng chậu có thể gây ra khó khăn trong việc bài tiết và nặng hơn là tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

6. Điều trị sa tử cung như thế nào?

Sau khi đã chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, dựa vào mức độ bệnh, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như những vấn đề khác, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp nhất dành cho bạn:

6.1. Trường hợp bệnh nhẹ

Đối với những bệnh nhân có mức độ nhẹ, những dấu hiệu bệnh không gây quá nhiều ảnh hướng đến sinh hoạt thì điều trị không phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất. Đây cũng là một phương pháp điều trị thích hợp với những người bệnh lớn tuổi hoặc sức khỏe kém không thể phẫu thuật.

Ngoài ra, người bệnh cần chú trọng nghỉ ngơi, không hoạt động quá sức và luôn giữ tinh thần thoải mái.

Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống cân bằng, không ăn quá nhiều chất béo dẫn đến thừa cân béo phì và tăng cường chất xơ nhằm chống táo bón.

Thực hiện các bài tập giúp nâng tử cung, trong đó phổ biến nhất là bài tập Kegel giúp tăng độ dẻo dai, khiến cơ quan sinh dục khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh.

6.2. Trường hợp sa tử cung nặng

Ở trưởng hợp này, cần áp dụng liệu pháp estrogen âm đạo tại chỗ nhằm giúp các cơ và dây chằng khỏe hơn.

Cố định tử cung ở đúng vị trí bằng phương pháp dùng vòng tròn nhỏ hỗ trợ âm đạo.

Nếu xuất hiện tình trạng tử cung viêm loét và gây ra các biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung một phần hoặc toàn phần.

7. Phòng chống như thế nào là hiệu quả?

Sa tử cung tuy là một căn bệnh thường gặp nhưng cũng có thể dễ dàng ngăn ngừa nếu có phương pháp đúng cách. Sau đây là những cách phòng chống bệnh cực kì hiệu quả mà các bạn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

7.1. Chế độ nghỉ ngơi sau sinh hợp lý

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đó là tổn thương các cơ và dây chằng hỗ trợ tử cung. Vì vậy để ngăn ngừa điều này, thai phụ sau khi sinh cần thực hiện những lưu ý sau:

Tuyệt đối không được xuống giường vận động mạnh hoặc lao động quá sức ngay khi sau sinh, phải đảm bảo việc giữ gìn sức khỏe sau khi sinh.

Sau khi đã phục hồi sức khỏe, không nên nằm trên giường quá nhiều mà nên vận động nhẹ nhàng, hạn chế tình trạng táo bón sau sinh.

Ảnh 3.

Bà bầu nên vận động nhẹ nhàng để phòng tránh bệnh

Nếu gặp khó khăn khi đại tiện, không nên dùng sức rặn. Sản phụ nên có chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước hoặc ăn các món ăn giúp nhuận tràng. Chú ý giữ ấm cho sản phụ, đề phòng cảm ho.

7.2. Thực hiện các bài tập phù hợp

Đối với những người phụ nữ sau sinh, các bài tập tăng cường co bóp cơ hông và cơ hậu môn là rất cần thiết. Bởi những bài tập này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe người mẹ mà còn ngăn ngừa sa hậu môn rất hiệu quả. Trong đó bài tập Kegel là một bài tập chữa phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho các chị em phụ nữ:

Có thể thực hiện bài tập khi ngồi trên ghế hoặc nằm dưới sàn. Thả lòng vùng cơ phần mông và bụng, duỗi thẳng lưng, hai cánh tay đặt song song đồng thời hai đầu gối co lên.

Bắt đầu bài tập bằng cách thít chặt cơ sàn chậu và nâng hông lên trong vòng 2- 5 giây. Sau khi thít chặt cơ, thả lỏng 10 giây nhằm giúp các cơ có thể thư giãn, sau đó lặp lại động tác thít chặt. Lặp lại các động tác 10 lần. Bạn có thể tăng số giây sau khi đã quen với bài tập.

Sa tử cung là một căn bệnh đưa lại nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt của người phụ nữ, đặc biệt là những thai phụ sau sinh. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp các bạn hiểu hơn về hiện tượng sa tử cung và có thể phát hiện, chữa trị hiệu quả khi gặp phải.

Tác giả: DNA