Gừng không những là một loại gia vị mà còn được sử dụng cho mục đích y học. Gừng có nhiều tác dụng như hỗ trợ điều trị cảm lạnh, giảm lượng đường trong máu, phòng ngừa ung thư. Đặc biệt, gừng có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa nên rất hữu ích trong việc điều trị bệnh xương khớp.
Gừng có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh viêm khớp do đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
Gừng chứa nhiều loại chất dinh dưỡng, bao gồm: vitamin C, vitamin B6, các khoáng chất magie, kali và đồng, gingerols, shogaols, paradols, các dưỡng chất thực vật và polyphenol khác. Điều đáng chú ý là gingerol, shogaol và paradol trong gừng đều có đặc tính chống oxy hóa, gingerol và paradol cũng có tác dụng chống viêm. Chất chống oxy hóa giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do, có thể dẫn đến tổn thương tế bào và viêm.
Đau và viêm là những yếu tố của viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và một số loại viêm khớp khác. Tiêu thụ chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào liên quan đến những tình trạng này.
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra gừng như một phương pháp tiềm năng dùng để điều trị viêm khớp hiệu quả. Chẳng hạn một nghiên cứu nhỏ năm 2019 (1), có 70 bệnh nhân viêm khớp dạng thấp được chọn ngẫu nhiên dùng 1.500 mg bột gừng hoặc giả dược trong 12 tuần. Các kết quả chỉ ra rằng gừng dường như cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Ngoài ra, gừng còn có thể giúp giảm đau cơ. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy rằng tiêu thụ gừng sống hoặc gừng nóng sẽ làm giảm mức độ đau sau chấn thương (2).
Đọc thêm:
- Cách để giảm đau chân khi viêm khớp dạng thấp vào mùa
- Cây ngải cứu có giúp giảm đau khớp do thay đổi thời tiết không?
Người bị viêm khớp, đau nhức xương khớp thường xuyên nên bổ sung gừng vào chế độ ăn uống như làm gia vị cho món ăn, uống trà gừng,... nhưng không nên tiêu thụ quá 4 gam gừng mỗi ngày. Ngoài ra, mọi người có thể sử dụng gừng để hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp bằng một số bài thuốc dân gian:
Ngâm chân trong nước gừng và muối là cách giúp giảm đau khớp vừa đơn giản lại hiệu quả. Ngoài ra, ngâm chân với nước gừng còn có nhiều lợi ích nổi bật khác như giúp ngủ ngon, điều trị cao huyết áp, giúp khí huyết lưu thông,...
Cách thực hiện:
- Đun 2 lít nước đến khoảng 50 – 60 độ C.
- Giã 30g gừng tươi và 20g muối hạt cho vào nồi nước và khuấy đều
- Sau đó, để nước hạ nhiệt xuống khoảng 38 - 43 độ C thì sử dụng để ngâm chân, ngâm trong khoảng 15 – 30 phút trước khi đi ngủ.
Ngoài cách sử dụng gừng và muối để ngâm chân, những người bị đau khớp, viêm khớp có thể kết hợp gừng và muối để chườm nóng. Cách làm này sẽ đem lại hiệu quả tức thì, tức là đem lại cảm giác giảm đau ngay thời điểm đó.
Cách thực hiện:
- Gừng đem đập nát sau đó cho lên chảo rang cùng với một chút muối
- Khi đã nóng, bạn cho hỗn hợp gừng muối vào một chiếc khăn sạch và chườm nên vùng xương khớp bị đau. Lưu ý, nên thử độ nóng của gừng và muối để tránh trường hợp bị bỏng. Khi thử chạm nhẹ vào da và bạn cảm thấy nóng rát thì nên để hỗn hợp nguội bớt rồi bắt đầu chườm.
Sử dụng rượu gừng để xoa bóp cũng là phương pháp hỗ trợ điều trị tình trạng viêm khớp, đau nhức xương khớp phổ biến.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1kg gừng và thái lát mỏng, để ráo nước hoặc cũng có thể băm nhuyễn gừng.
- Cho gừng vào hũ thuỷ tinh hoặc hũ cốm và đổ 2 lít nước vào.
- Đậy kín nắp và ủ trong khoảng 15 ngày, đem ra xoa bóp những vùng bị đau nhức, chẳng hạn như khớp gối, khớp tay, thắt lưng,...
Mặc dù được chứng minh có tác dụng trong việc điều trị viêm khớp nhưng mọi người nên lưu ý một số vấn đề khi áp dụng các bài thuốc từ gừng:
- Các phương pháp điều trị bệnh xương khớp từ gừng chỉ mang tính hỗ trợ điều trị, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ.
- Nếu bổ sung gừng vào chế độ ăn uống, những nhóm người sau nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng: dùng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc huyết áp, rối loạn đông máu, sỏi mật, mắc bệnh tiểu đường.
Tuỳ vào tình trạng bệnh, mọi người nên sử dụng thuốc hoặc tư vấn điều trị từ bác sĩ. Ngoài ra, để kiểm soát và tăng hiệu quả trong quá trình điều trị, mọi người nên lưu ý:
- Hoạt động thể chất phù hợp: Khi bị xương khớp, người bệnh thường có xu hướng lười vận động hoặc tập thể dục hơn. Tuy nhiên, tập thể dục vừa phải sẽ giúp tình trạng được cải thiện, mọi người có thể tập yoga hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Người bị bệnh xương khớp nên xây dựng chế độ ăn ít thực phẩm chế biến sẵn, chất béo không lành mạnh, đường bổ sung và bổ sung nhiều trái cây và rau quả tươi - những thực phẩm này có thể giúp giảm viêm.
Các loại gia vị khác cũng tốt cho người bị xương khớp như nghệ, quế, ớt bột, đinh hương và hạt nhục đậu khấu. Đây là nguồn thực phẩm giàu polyphenol - chất này có tác dụng chống viêm. Các loại thực phẩm khác có chứa polyphenol bao gồm trà xanh, nho và đậu nành.
Nguồn tham khảo:
1. Can ginger help with arthritic pain?
2. Ginger for Arthritis: Should I Give It a Try?