Tất tần tật thông tin cần biết về bệnh suy tim ở người già

Tất tần tật thông tin cần biết về bệnh suy tim ở người già
Bệnh suy tim ở người già là một căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Suy tim là một bệnh lý về tim mạch, xảy ra khi tim không thể bơm máu một cách hiệu quả như bình thường, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.

Mặc dù bệnh suy tim ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh suy tim ở người già là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập và có thể dẫn đến tử vong cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây bệnh suy tim ở người già

Bệnh nhân mắc suy tim chủ yếu là người cao tuổi. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân suy tim hầu hết là trên 70 tuổi ở các nước phát triển. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tim ở người già đa phần là do biến chứng của các bệnh lý về tim mạch.

Những bệnh nhân đã mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp tính, phẫu thuật tim… dễ bị tái tạo tâm thất, từ đó có thể mắc suy tim khi lớn tuổi.

So sánh hình ảnh tim khỏe mạnh và tim bị suy tim (Ảnh: Internet)

So sánh hình ảnh tim khỏe mạnh và tim bị suy tim (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

- COPD và suy tim: Hướng dẫn phân biệt các triệu chứng tương đồng

- Tìm hiểu về bệnh suy thận - căn bệnh gây tử vong hàng đầu

Ngoài ra, ngay cả khi không có bất kỳ bệnh tim mạch nào, việc lão hóa khi lớn tuổi cũng có liên quan đến việc giảm các chức năng của động mạch chủ và thất trái (LV), cụ thể là tăng trở kháng động mạch chủ và chức năng tâm trương LV bất thường. Những tình trạng có thể gây ra suy tim ở người cao tuổi.

Một số yếu tố khác có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tim ở người lớn tuổi bao gồm lối sống không khoa học, quản lý tim mạch kém, béo phì hay tiền sử gia đình mắc bệnh suy tim, tăng huyết áp và tiểu đường.

2. Triệu chứng của suy tim ở người cao tuổi

Những người bị suy tim thường sẽ cảm thấy mệt mỏi. Bệnh nhân sẽ thấy rằng họ có thể bị hụt hơi khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo, tắm rửa hoặc thậm chí đi giày. Một số triệu chứng phổ biến của suy tim ở người cao tuổi có thể bao gồm:

- Thở gấp hoặc khó thở, thở khò khè. Người bệnh cũng có thể cần phải gập người để thở dễ dàng hơn;

- Ho và mệt mỏi;

- Sưng phù ở chân và bụng, đặc biệt là bàn chân, mắt cá chân và chân và không cải thiện ngay cả khi đã sử dụng thuốc lợi tiểu thông thường;

Sưng phù ở bàn chân kể cả khi đã uống thuốc lợi tiểu là dấu hiệu của bệnh suy tim ở người già (Ảnh: Internet)

Sưng phù ở bàn chân kể cả khi đã uống thuốc lợi tiểu là dấu hiệu của bệnh suy tim ở người già (Ảnh: Internet)

- Buồn nôn, ăn không ngon;

- Nhịp tim tăng cao;

- Lú lẫn hoặc mất phương hướng;

- Tăng cân không giải thích được.

Các triệu chứng suy tim ở người cao tuổi thường bị nhầm lẫn với những thay đổi bình thường liên quan đến tuổi tác và có thể khó phân biệt với các bệnh lý khác. Mệt mỏi và khó thở thường là những dấu hiệu đầu tiên của suy tim giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng các triệu chứng không điển hình chẳng hạn như lú lẫn, suy giảm trí nhớ, buồn ngủ, các cơn mê sảng, cáu kỉnh, ngất xỉu, mệt mỏi, chán ăn đang dần trở thành các biểu hiện phổ biến của suy tim ở người cao tuổi, đặc biệt là sau 80 tuổi.

3. Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không?

Các biến chứng đầu tiên có thể kể đến khi người cao tuổi mắc suy tim là chất lượng cuộc sống suy giảm. Các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như đau ngực, mệt mỏi, khó thở… sẽ diễn ra thường xuyên.

Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không thì câu trả lời là Có. Nếu bệnh tuy tim ở người già không được điều trị đúng cách, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như suy thận, suy gan, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ, thậm chí là gây tử vong.

4. Chẩn đoán và các lựa chọn điều trị suy tim cho người cao tuổi

Việc chẩn đoán suy tim ở các bệnh nhân nói chung và bệnh nhân cao tuổi nói riêng sẽ bao gồm việc xem xét tiền sử bệnh nhân, khám sức khỏe, xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực, điện tâm đồ và siêu âm tim.

Tùy thuộc vào những kết quả của các xét nghiệm trên, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp mạch vành và đôi khi là chụp MRI tim.

Chụp MRI tim đôi khi có thể được chỉ định để chẩn đoán tình trạng suy tim (Ảnh: Internet)

Chụp MRI tim đôi khi có thể được chỉ định để chẩn đoán tình trạng suy tim (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: Triệu chứng suy tim và phương pháp cứu nguy cho người bệnh

Phương pháp điều trị suy tim được chỉ định luôn là kết hợp giữa sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Tuy nhiên một số bệnh nhân suy tim cao tuổi có thể áp dụng các chương trình phục hồi chức năng tim, đặc biệt nếu họ đã trải qua các bệnh về tim mạch khác như đau tim...

Điều trị suy tim bao gồm thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế chặn beta. Các bác sĩ sẽ giải thích nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị. Việc uống thuốc thường xuyên và theo dõi cân nặng mỗi ngày là vô cùng quan trọng. Đối với bệnh nhân suy tim, tăng cân nhanh chóng có thể là một dấu hiệu của việc giữ nước, là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Các lựa chọn phẫu thuật cho người lớn tuổi bị suy tim có thể bị hạn chế. Hầu hết các bệnh nhân cao tuổi không được ưu tiên để cấy ghép tim vì ngưỡng giới hạn để được ghép tim là 70 tuổi.

Tuy nhiên, bệnh nhân ở độ tuổi 80 có thể phẫu thuật để cấy ghép thiết bị trợ giúp thất trái. Một số trường hợp suy tim có thể phòng ngừa được, do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.

5. Quản lý suy tim ở người cao tuổi như thế nào?

Việc quản lý bệnh suy tim ở người già có thể được mô tả bằng cách tuân theo bốn hướng dẫn điều trị cơ bản. Những hướng dẫn này có thể dễ dàng ghi nhớ thông qua từ viết tắt MICE (Medicine - Thuốc, Intake - Lượng dùng, Charting - Biểu đồ, Exercise - Tập thể dục). Trong đó:

- Thuốc:

Cần tuân thủ việc uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nên bổ sung lại đơn thuốc ngay lập tức khi gần hết để tránh bỏ sót bất kỳ liều nào. Nếu không thể sử dụng thuốc vì lý do nào đó, hãy gọi cho bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.

- Lượng dùng:

Số lượng natri và thuốc sử dụng mỗi ngày nên được hạn chế theo đơn của bác sĩ. Thông thường, bệnh nhân suy tim được khuyến cáo nên tiêu thụ ít hơn 2000 mg natri mỗi ngày và dưới 2 lít chất lỏng một ngày.

Người cao tuổi mắc suy tim cần hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể mỗi ngày (Ảnh: Internet)

Người cao tuổi mắc suy tim cần hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể mỗi ngày (Ảnh: Internet)

- Biểu đồ:

Một biểu đồ của các chỉ số huyết áp và cân nặng nên được lập hàng ngày để theo dõi chặt chẽ sức khỏe tim mạch. Những biểu đồ này nên được mang theo tới các buổi thăm khám với bác sĩ định kỳ.

- Bài tập:

Tập thể dục mỗi ngày là điều cần thiết để giữ cho trái tim khỏe mạnh. Bệnh nhân suy tim nên vận động hàng ngày đồng thời cẩn thận không làm việc quá sức. Đi bộ là một hình thức tập thể dục hiệu quả cho người già bị suy tim.

6. Những câu hỏi thường gặp về bệnh suy tim ở người già

Người già sống một mình có thể ảnh hưởng đến bệnh tim không?

Câu trả lời là có. Tình trạng cô đơn có thể đẩy nhanh tiến triển của các bệnh mãn tính và có tác động tiêu cực đến tim, thậm chí dẫn đến bệnh tim, tiền thân của suy tim. Người già sống một mình có thể không ăn uống hay chăm sóc bản thân hợp lý.

Để tránh bị cô lập, người lớn tuổi có thể sử dụng các nhóm hỗ trợ để giúp họ hòa nhập với xã hội. Kết nối với những người khác giúp giảm bớt trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và có niềm vui trong cuộc sống.

Dùng quá nhiều thuốc có thể dẫn đến bệnh suy tim ở người già không?

Khi con người già đi, cơ thể không hấp thụ thuốc theo cùng một cách với khi còn trẻ. Chính vì vậy, việc dùng quá nhiều thuốc có thể có ảnh hưởng đến người già và gây ra suy tim. Điều này là do khi già, gan và thận không hoạt động tốt được như trước, vì vậy thuốc đôi khi có thể tích tụ trong cơ thể.

Hơn thế nữa, việc dùng nhiều loại thuốc có thể dẫn đến các thành phần kết hợp không tốt với nhau và gây ra tác dụng phụ. Thuốc giảm đau không kê đơn đôi khi có thể rất nguy hiểm ở người lớn tuổi vì chúng có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho thận. Chúng cũng có thể có tác dụng an thần và gây mê sảng.

Cấy ghép tim có tác dụng như thế nào?

Cấy ghép không phải lúc nào cũng là phương pháp điều trị tốt nhất cho những bệnh nhân lớn tuổi, và trên thực tế thì nhu cầu về trái tim hiến tặng luôn vượt cung. Nhưng những ca cấy ghép tim thành công đang có những cải thiện lớn về tỷ lệ sống sót.

Tỷ lệ sống trung bình hiện nay là hơn 11 năm sau khi được ghép tim mặc dù chỉ hai mươi năm trước, ý tưởng rằng ai đó có thể sống 20 hoặc 30 năm với một trái tim cấy ghép là một điều hoàn toàn không thể.

Người lớn tuổi mắc suy tim có thể hồi phục được không?

Dù cho bạn ở lứa tuổi nào thì bệnh tim cũng là một căn bệnh không thể được loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện nay có thể làm cho tình trạng tốt hơn. Dù cho không thể chữa khỏi nhưng có thể làm chậm tiến triển của bệnh.

7. Chế độ ăn uống cho người cao tuổi mắc suy tim

Chế độ ăn uống của người cao tuổi khi bị suy tim rất nghiêm ngặt nhưng vẫn cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Một số nguyên tắc chính trong ăn uống của bệnh nhân cao tuổi mắc suy tim bao gồm:

Chế độ ăn nhiều rau xanh cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng có lợi cho bệnh nhân suy tim (Ảnh: Internet)

Chế độ ăn nhiều rau xanh cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng có lợi cho bệnh nhân suy tim (Ảnh: Internet)

7.1. Nên bổ sung các thực phẩm nào cho người cao tuổi bị suy tim?

- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ:

Các loại thực phẩm giàu chất xơ gồm: các loại rau xanh, ngũ cốc, trái cây tươi... Những thực phẩm này không chỉ chứa nhiều chất xơ mà còn rất giàu chất chống oxy hóa tự nhiên, có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chúng cũng có thể góp phần kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu.

- Bổ sung thêm kali:

Cần bổ sung kali vì đây là chất quan trọng nhất để duy trì hoạt động của tim. Ngoài ra, khi điều trị suy tim, bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc lợi tiểu nên sẽ làm giảm đáng kể lượng kali trong cơ thể. Kali có thể được tìm thấy nhiều trong chuối, bông cải xanh, bơ, nho...

- Nên ăn cá, thịt nạc và ưu tiên các món luộc, hấp.

7.2. Người cao tuổi bị suy tim nên hạn chế ăn các loại thực phẩm nào?

- Cần hạn chế các thực phẩm giàu natri:

Điều này là do nếu ăn nhiều muối cơ thể sẽ tăng tình trạng giữ nước, làm tăng gánh nặng cho tim và sẽ có tác động ảnh hưởng xấu đến tình trạng suy tim. Bên cạnh đó, việc hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể cũng có thể giúp kiểm soát huyết áp, tránh phù nề, giảm tình trạng khó thở.

- Nên hạn chế chất béo và các đồ ăn dầu mỡ như đồ chiên, xào:

Chất béo là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạnh, làm gia tăng các loại bệnh tim mạch.

- Hạn chế các loại thịt đỏ, mỡ động vật.

- Tránh sử dụng các loại thực phẩm dễ sinh hơi như trứng, đậu và thức ăn lên men.

- Kiểm soát lượng nước đưa vào cơ thể mỗi ngày cũng là một yếu tố đáng quan tâm đối với bệnh nhân suy tim. Khi suy tim, chức năng của cơ thể hoạt động không tốt, lượng nước đưa vào cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị giữ lại gây nên tình trạng phù nề và tăng gánh nặng cho tim.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe khi mắc bệnh suy tim ở người già thì người bệnh nên giảm lượng nước nạp vào khi gặp triệu chứng khó thở, phù nề. Tốt nhất chỉ nên uống khi cảm thấy khát.

Nguồn tham khảo:

1. https://academic.oup.com/eurheartj/article/30/4/391/415496

2. https://www.uchicagomedicine.org/forefront/heart-and-vascular-articles/older-adults-with-heart-failure

3. https://www.agingcare.com/articles/elderly-heart-failure-and-heart-attack-110500.htm

4. https://www.baptist-health.com/what-you-need-to-know-about-heart-failure-treatment-for-the-elderly/

5. https://irishheart.ie/news/heart-failure-is-common-but-not-inevitable-in-old-age/


Tác giả: Anh Dũng