Tất tần tật những điều mẹ cần biết khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

Tất tần tật những điều mẹ cần biết khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Biết được nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn.

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi (sổ mũi) chắc chắn không phải là điều dễ chịu, tuy nhiên nó hiếm khi là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng.

Mặc dù rất khó để ngăn ngừa những cơn sụt sịt khiến bé khó chịu, khó ngủ và quấy khóc; nhưng bạn có thể làm một số cách để giúp giảm sự khó chịu của trẻ. Quan trọng là phải xác định được nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi; nên xác định rõ tình trạng trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè hay trẻ sơ sinh bị ho nghẹt mũi.

Việc xác định nguyên nhân đúng sẽ giúp cho quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi - Ảnh 1.

Biết được nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn - Ảnh: connperinatal

Đọc thêm:

- Chuyên gia cảnh báo: Chữa nghẹt mũi bằng nước ép tỏi cho trẻ có thể gây hoại tử niêm mạc mũi

- Trẻ sơ sinh tháng đầu tăng bao nhiêu kg? Cách giúp trẻ 1 tháng tuổi tăng cân

1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

Đừng quá ngạc nhiên khi những chiếc mũi bé xíu của trẻ sơ sinh có thể tạo ra khá nhiều chất thải, bởi vì đây là điều hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể là do các màng nhạy cảm nằm trong khoang mũi bị viêm và thường không có gì đáng lo ngại.

Tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh khá phổ biến, ngay cả khi sức khỏe của trẻ không có gì bất thường. Các chất nhầy có trong mũi họng của trẻ đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của bé đang phát triển tốt.

Một số nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là do virus đường hô hấp trên, chẳng hạn như: cảm lạnh thông thường, cúm, dị ứng, thời tiết lạnh và vô tình tiếp xúc với các chất kích thích từ môi trường như thuốc lá. Đôi khi, trẻ sơ sinh bị ho nghẹt mũi hoặc trẻ sơ sinh nghẹt mũi khò khè đi kèm.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi - Ảnh 2.

Một số nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là do virus đường hô hấp trên - Ảnh: healthline

2. Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khi nào cần nhập viện?

Việc trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thường không phải là điều đáng lo ngại nếu như nguyên nhân là do thời tiết.

Tuy nhiên, nếu tình trạng nghẹt mũi của con bạn đi kèm với biểu hiện sốt, đau tai, đau họng, sưng hạch, khò khè nặng hoặc bạn nghi ngờ có dị vật kẹt trong mũi của trẻ, hãy gọi cho bác sĩ để tham khảo ý kiến hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ nhi khoa thăm khám kịp thời.

Thêm một vấn đề nhiều cha mẹ lo lắng đó là trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè, vậy nguyên nhân hơi thở khò khè ở trẻ là gì và có thật sự đáng lo ngại hay không?

Có một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè. Lý do phổ biến nhất có thể là do hen suyễn, đây là một căn bệnh mãn tính trong đó đường thở của em bé phản ứng nhạy cảm hơn với một số thứ. Khi trẻ gặp các tác nhân kích thích này, đường thở phản ứng bằng cách thắt lại và viêm. Một số tác nhân phổ biến như viêm đường hô hấp trên, phấn hoa, khói thuốc…

Việc siết chặt các cơ xung quanh đường thở khiến đường thở bị thu hẹp, từ đó gây ra hiện tượng thở khò khè. Những trường hợp này cần có sự can thiệp của thuốc do bác sĩ thăm khám và kê đơn.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi - Ảnh 3.

Có một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè - Ảnh: healthline

Tuy nhiên, đôi khi virus cảm lạnh cũng có thể khiến trẻ nghẹt mũi và thở khò khè. Nếu trẻ được chẩn đoán là bị viêm tiểu phế quản, tốt nhất bạn nên hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cách cho trẻ bú đủ và không tự ý dùng các loại thuốc không kê đơn cho trẻ sơ sinh. Và nếu tình trạng trẻ sơ sinh nghẹt mũi khò khè nặng hơn, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.

3. Điều trị thế nào khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi?

Việc điều trị nghẹt mũi cho trẻ từ 3 tuổi trở xuống có thể xem là một thách thức. Đối với cha mẹ lần đầu có con nhỏ, không phải lúc nào cũng xác định được đúng nguyên nhân gây ra tình trạng nghẹt mũi. Trẻ nhỏ đôi khi bị cảm lạnh vì cơ thể trẻ mới bắt đầu hình thành khả năng miễn dịch với các loại vi rút thông thường. Vậy trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao?

Đối vơi trẻ sơ sinh, bạn cũng bị hạn chế sử dụng các phương pháp điều trị, không được tùy tiện sử dụng bất kì loại thuốc nào nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa. Do đó, trước tiên bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi. Từ đó sẽ có được kế hoạch điều trị tối ưu nhất.

Tuy nhiên, bạn cũng có thể áp dụng một số phương cách điều trị an toàn tại nhà như:

3.1. Dùng nước muối sinh lý

Một trong những cách an toàn và hiệu quả để giúp bé bớt nghẹt mũi là dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi. Loại nước muối này an toàn cho trẻ sơ sinh nên bạn có thể dùng mà không cần toa của bác sĩ.

Nếu dùng cách nhỏ nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ, bạn hãy thực hiện nhỏ 2 giọt vào mỗi lỗ mũi của bé để làm lỏng chất nhầy bên trong. Sau đó, dùng dụng cụ hút để rút nước muối và cả chất nhầy ra bên ngoài. Nếu sợ dụng cụ hút không đảm bảo được lực hút, cha mẹ có thể cuộn một miếng khăn giấy và thấm nhẹ nhàng chất nhầy ra. Lưu ý dùng thoại giấy không tan trong nước.

Ngoài ra, hiện nay có dụng cụ bầu hút rất tiện lợi cho việc hút chất nhầy từ mũi của em bé. Bạn chỉ cần bóp bầu hút trước khi đặt vào mũi em bé. Khi bạn thả bóng bầu ra, nó sẽ hút chất nhầy từ bên trong mũi của bé ra bên ngoài một cách nhẹ nhàng.

Nên thực hiện điều này khoảng 15 phút hoặc trước khi bạn cho trẻ bú. Điều này sẽ giúp bé dễ thở hơn khi bú mẹ, bú bình hoặc ngủ ngon hơn.

Tuy nhiên, một số dung dịch muối cũng chứa thành phần thuốc nên cha mẹ cần lưu ý và tránh sử dụng. Chỉ nên dùng nước muối sinh lý là đủ và nên đảm bảo vệ sinh bầu hút mũi của bé sau mỗi lần sử dụng.

Tất tần tật những điều bạn cần biết về trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi - Ảnh 4.

Một trong những cách an toàn và hiệu quả để giúp bé bớt nghẹt mũi là dùng nước muối sinh lý - Ảnh: healthline

3.2. Tạo độ ẩm cho không gian của bé

Một cách khác giúp trẻ vượt qua được tình trạng nghẹt mũi, đó là cung cấp độ ẩm đủ cho đường thở của bé. Bạn có thể dùng máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm phun sương trong phòng ngủ, miễn là phải để xa tầm tay của bé. Hãy đặt máy phun sương gần nơi trẻ ngủ hoặc không gian mà bé nằm chơi đùa.

Để tránh nấm mốc và vi khuẩn phát triển, hãy thay nước hàng ngày và làm sạch máy bù ẩm theo hướng dẫn của máy. Lưu ý không sử dụng nước nóng trong máy tạo độ ẩm vì có thể gây bỏng.

3.3. Một số mẹo giúp trẻ đỡ nghẹt mũi

Ngoài ra, cha mẹ có thể thực hiện một số cách sau để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn khi bị nghẹt mũi:

- Cho trẻ gối cao hơn một chút, điều này giúp các chất nhầy có thể thoát ra khỏi các xoang. Tuy nhiên, nếu trẻ nằm nôi thì không nên cho trẻ nằm gối. Lưu ý đối với trẻ sơ sinh, không nên cho trẻ nằm gối cứng và quá cao. Đặc biệt đã có những khuyến cáo liên quan tới việc trẻ dưới 1 tuổi thì không cần nằm gối, mẹ nên lưu ý.

- Nên cho trẻ bú nhiều hơn, nếu trẻ trên 6 tuổi, bạn có thể cho trẻ uống thêm một ít nước.

4. Làm cách nào để ngăn ngừa nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh?

Thật không may, nghẹt mũi là một phần của cuộc sống đối với trẻ sơ sinh và bạn không thể làm điều gì để ngăn chặn tình trạng này. Những gì bạn có thể làm là cố gắng giảm thiểu nguy cơ khiến trẻ bị cảm lạnh và cảm cúm bằng cách vệ sinh tay cho con bạn.

Hãy đảm bảo những ai tiếp xúc với em bé của bạn đều phải vệ sinh tay trước khi bế hoặc chơi đùa với bé. Đảm bảo em bé sơ sinh của bạn tránh được những nguồn truyền nhiễm càng nhiều càng tốt.

Hạn chế tối đa việc cho bé tiếp xúc các loại chất gây mùi hay khói thuốc lá, nó không tốt cho hệ hô hấp lẫn sức khỏe tổng thể của trẻ.

Nguồn dịch: https://www.webmd.com/children/features/help-child-stuffy-nose


Tác giả: Tiểu Quyên