Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng các chất từ dạ dày trào lên thực quản. Thông thường, các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản là hiện tượng sinh lý ở mỗi người. Tuy nhiên, khi trào ngược gây ra triệu chứng hoặc gây tổn thương thực quản thì sẽ được gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Bệnh có thể làm người bệnh bị các biến chứng như loét, hẹp, chảy máu thực quản và dẫn tới ung thư.
Các triệu chứng thường gặp đối với người mắc bệnh trào ngược dạ dày chủ yếu là ợ nóng, ợ chua, nuốt khó và thường bị ho khan, khàn giọng. Khi có những triệu chứng trên, người bệnh cần được chẩn đoán sớm để được điều trị kip thời.
Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh. Khi các các thành phần có trong dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, người bệnh sẽ cảm thấy vùng thượng vị bị nóng rát, rồi lan đến phía sau xương ức và lên tới tận cổ họng gây ra ợ nóng. Bệnh nhân sẽ bị ợ nóng nhiều sau khi ăn, khi nằm xuống và khi vươn người về phía trước.
Ợ chua xuất hiện ở người bệnh là do hiện tượng các acid có trong dịch dạ dày hoặc thực quản trào ngược lên vùng hầu họng.
Đối với một người bị bệnh trào ngược dạ dày, khi họ ăn uống thì đồ ăn họ nuốt vào sẽ dừng lại phía sau xương ức ngay lập tức. Đây là triệu chứng có ở 1/3 số bệnh nhân trào ngược. Nuốt khó hay nghẹn là tín hiệu thông báo khả năng người bệnh bị ung thư thực quản.
Khi dịch acid trong dạ dày trào ngược lên lâu ngày sẽ làm cho niêm mạc hầu họng bị viêm, gây ho, khàn giọng. Nhiều người do không nghĩ rằng bị bệnh trào ngược dạ dày gây ho nên không đi khám và tự ý mua thuốc ho, trị đau họng để uống. Chính vì vậy mà tình trạng ho không giảm, thậm chí người bệnh còn bị nhờn thuốc do uống quá nhiều thuốc.
Ngoài ra bệnh còn có một số triệu chứng điển hình khác, đó là: nôn, ợ hơi, tăng tiết nước bọt, khò khè, hen phế quản, mòn răng do acid; nhiều người còn bị viêm xoang, viêm tai giữa do trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày…
Nóng rát vùng trước ngực là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày (nguồn: Internet)
Nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là do cơ vòng nối thực quản và dạ dày hoạt động kém. Áp lực đóng yếu hơn bình thường, van mở vào những thời điểm không phù hợp làm cho các chất chứa trong dạ dày dễ dàng đi ngược lên thực quản. Một số nguyên nhân khác dẫn tới bệnh là béo phì, thoát vị dạ dày qua khe thực quản, thức ăn nằm lâu trong dạ dày, hút thuốc lá, rượu bia…
Cơ vòng nối thực quản với dạ dày bị hở sẽ dẫn tới trào ngược dạ dày (nguồn: Internet)
Để phòng tránh căn bệnh này, người bệnh có thể ghi nhớ một số lưu ý sau:
Tinh thần: luôn giữ cho mình một tinh thần thoải mái, tránh bị căng thẳng.
Thức ăn: Người bệnh nên lựa chọn những thực phẩm có lợi cho dạ dày. Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá và nước uống có gas; hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, đồ chua, đồ ăn cay nóng. Mỗi bữa không ăn quá no, không ăn tối muộn và không được nằm trong 2 giờ sau khi ăn; tránh nằm ngửa sau khi ăn xong và mặc đồ quá chật khi bụng đã no.
Thể dục: Nên thể dục thường xuyên và đúng cách để duy trì trạng thái "nhân cường bệnh nhược". Đối với người bị thừa cân, béo phì cũng nên tập thể dục giảm cân để phòng tránh bệnh.
Tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh được nhiều bệnh tật (nguồn: Internet)
Thuốc: Lựa chọn thực phẩm chức năng hỗ trợ chức năng tiêu hóa, giúp dạ dày khỏe mạnh hơn, ngưng sử dụng các loại thuốc có hại cho dạ dày., từ đó tránh xa được bệnh trào ngược.
Khi mắc bệnh, người bệnh nên nhờ bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp với tình trạng của mình. Căn cứ vào trạng thái bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị riêng. Đó thường là các phương pháp: thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt; sử dụng thuốc, phẫu thuật. Bệnh nhân trước tiên cần xây dựng một thói quen sinh hoạt hàng ngày hợp lí.
Người bệnh cần thay đổi cắt giảm các thực phẩm sau trong thực đơn của mình: cà phê, rượu bia, đồ uống có gas; gia vị cay nóng như hạt tiêu, ớt cay, giấm, nước sốt cay, tỏi và hành tây; các món chiên hoặc dầu mỡ; thực phẩm có tính acid cao như cà chua, quả cải, xoài xanh,..
Chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày giúp giảm áp lực cho hệ tiêu hóa (nguồn: Internet)
Khi ăn nhiều bữa trong ngày, hệ thống tiêu hóa của bệnh nhân sẽ hoạt động hiệu quả hơn, giúp hạn chế áp lực cho dạ dày và ổn định việc điều tiết acid trong dạ dày.
Ở người béo phì, lượng mỡ tập trung nhiều tại vùng bụng làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của cơ thắt thực quản, đồng thời tạo áp lực lên dạ dày thực quản và gây trào ngược acid. Do đó, người mắc bệnh trào ngược dạ dày nếu bị thừa cân thì cần cân nhắc việc giảm cân. Việc này không những giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả mà còn tránh nguy cơ mắc một số bệnh như bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ, tiểu đường...
Rượu và các đồ uống có chất caffeine sẽ làm nới lỏng cơ vòng kiểm soát việc lưu thông các chất qua thực quản vào dạ dày, cho phép acid chảy ngược lên thực quản. Người bệnh nên hạn chế tuyệt đối những thứ này để tránh bệnh bị nặng thêm.
Không hút thuốc lá sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng (nguồn: Internet)
Hút thuốc lá gây trở ngại cho hệ tiêu hóa và có thể gây hại niêm mạc của thực quản. Ngoài ra, thuốc lá cũng gây bệnh cho phổi và các cơ quan khác trong cơ thể. Người bị trào ngược dạ dày nên tránh xa thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Việc mặc quần áo quá chật sẽ chèn ép các cơ quan trong hệ tiêu hóa và có thể làm hạn chế quá trình tiêu hóa của cơ thể. Bệnh nhân nên chọn mặc những bộ trang phục co dãn, rông rãi để mặc.
Nếu phần thân phía trên thực quản của bạn cao hơn so với dạ dày sẽ hạn chế acid trào ngược lên trên. Hãy nâng cao đầu khoảng 15 - 20 cm so với giường khi nằm để tránh bị acid trào ngược lên thực quản. Nhưng cũng nên lưu ý là không nằm gối cao vì gập người sẽ làm tăng sức ép vào dạ dày và gây hại cho cột sống của bạn.
Nội soi là cách hiệu quả nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh trào ngược dạ dày. Không chỉ giúp chẩn đoán căn bệnh này mà nội soi còn có thể chỉ ra các tổn thương niêm mạc khác như: viêm thực quản nhiễm trùng, loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý khác về đường tiêu hóa.
Nội soi dạ dày - thực quản là cách hiệu quả nhất chẩn đoán trào ngược dạ dày (nguồn: Internet)
Phương pháp này được sử dụng cho bệnh nhân bị khó nuốt nặng do chít hẹp thực quản, nhằm xác định vị trí bị chít khẹp. Tuy nhiên, chỉ chụp thực quản sẽ không đánh giá trào ngược dạ dày cũng như phát hiện các tổn thương niêm mạc. Sau đó, bệnh nhân vẫn cần nội soi. Đây là biện pháp hỗ trợ để nội soi được hiệu quả hơn. Các trường hợp không bị khó nuốt không cần chụp X quang.
Theo dõi độ pH giúp khảo sát các triệu chứng của hiện tượng trào ngược, phương pháp này rất hữu ích cho các trường hợp chẩn đoán không rõ sau khi điều trị thử và nội soi. Đối với trường hợp đã chẩn đoán ra kết quả thì không cần thiết thực hiện phương pháp này.
Bệnh Trào ngược dạ dày cần điều trị lâu dài và có sự theo dõi của bác sĩ. Bệnh nhân nên tuân thủ chế độ ăn uống, ngủ nghỉ khoa học và dùng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ. Người bệnh nên thăm khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Nhiều trường hợp sử dụng thuốc không trị được bệnh và các triệu chứng có thể xuất hiện trở lại sau một thời gian ngưng thuốc. Ngoài ra, tuy dùng thuốc có thể hạn chế những triệu chứng do tác động của acid gây ra nhưng những tổn thương ở niêm mạc thực quản có thể vẫn tiếp tục phát triển. Do vậy, một số bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản (Nissen fundoplication) là phương pháp phẫu thuật được áp dụng đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Cơ chế của nó là nhằm tăng áp suất cơ thắt thực quản dưới, do đó có thể ngăn acid trào ngược lên thực quản. Kỹ thuật Nissen fundoplication được đưa vào phẫu thuật, có thể mổ mở hoặc mổ nội soi.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản cần được phòng tránh và điều trị kịp thời, tránh dẫn tới ưng thư thực quản. Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn nên đi khám để chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị phù hợp.
Tổng hợp