Tật khúc xạ là gì? Tìm hiểu chung về tật khúc xạ

Tật khúc xạ là gì? Tìm hiểu chung về tật khúc xạ
Tật khúc xạ là nguyên nhân phổ biến nhất khiến mọi người đến gặp bác sĩ nha khoa. Vậy tật khúc xạ là gì? Chúng ta có thể phòng tránh chúng hay không?

Nhiều người thắc mắc liệu tật khúc xạ có phải bệnh về mắt. Mọi thông tin về tật khúc xạ sẽ được giải đáp tại thông tin trong bài viết dưới đây!

1. Tật khúc xạ là gì?

Chúng ta nhìn thế giới xung quang qua cách mắt chúng ta bẻ cong (khúc xạ) ánh sáng. Ở người khỏe mạnh, các tia sáng đi vào sẽ được giác mạc và thủy tinh thể hội tụ trên võng mạc, tạo ra hình ảnh sắc nét truyền đến não.

Thủy tinh thể có tính đàn hồi, có thể điều chỉnh hình dạng nhãn cầu để lấy nét đúng hình ảnh. Ở người mắc tật khúc xạ, do mắt có kích thước và hình dạng không đúng, các tia sáng không hội tụ trên võng mạc dẫn đến hình ảnh các vật thể bị nhòe mờ.

Tóm lại, tật khúc xạ là một rối loạn mắt, trong đó mắt không bẻ cong ánh sáng một cách chính xác, dẫn đến mắt nhìn các vật thể bị mờ, không rõ ràng.

2. Phân loại tật khúc xạ như thế nào?

Có 4 loại tật khúc xạ phổ biến nhất:

- Cận thị:

Xảy ra khi giác mạc quá cong hoặc chiều dài trục của mắt quá dài khiến cho ánh sáng hội tụ trước võng mạc, mà không phải là trên võng mạc. Điều này khiến mắt nhìn các đối tượng ở xa bị mờ, nhưng có thể nhìn rõ các đối tượng ở gần.

Trong khi đó, cận thị còn được chia ra nhiều loại như cận thị đơn thuần, cận thị thoái hóa hoặc Cận thị giả: Chỉ là rối loạn thoáng qua nhưng nhầm lẫn trong chẩn đoán có thể gây cận thị thật,...

- Viễn thị:

Xảy ra khi giác mạc quá phẳng hoặc chiều dài trục của mắt quá ngắn khiến cho ánh sáng hội tụ sau võng mạc, mà không phải là trên võng mạc. Điều này khiến mắt nhìn các đối tượng ở gần bị mờ, nhưng có thể nhìn rõ các đối tượng ở xa.

- Loạn thị:

Là tình trạng giác mạc có độ cong bất thường làm cho các tia sáng có hướng khác nhau hội tụ tại các điểm khác nhau. Điều này làm cho các đối tượng dù ở gần hay ở xa đều có vẻ bị mờ.

- Lão thị:

Thường gặp ở người trên 35 tuổi, mắt bị thoái hóa, trung tâm của thấu kính mắt bị cứng lại. Điều này khiến cho mắt rất khó nhìn các vật ở gần. Đây được coi là 1 dạng của viễn thị.

4 loại tật khúc xạ

Các loại tật khúc xạ phổ biến nhất bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị. (Ảnh Internet).

3. Triệu chứng

Triệu chứng phổ biến nhất và dễ nhận biết nhất của tật khúc xạ là nhìn mờ. Các triệu chứng khác bao gồm:

- Nhìn đôi.

- Tầm nhìn mơ hồ.

- Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc vầng hào quang xung quanh nguồn sáng như bóng đèn, mặt trời.

- Nheo mắt khi nhìn.

- Nhức đầu.

- Mỏi mắt.

- Khó tập trung khi đọc hoặc nhìn vào máy tính.

Các triệu chứng của tật khúc xạ có thể khó nhận biết ở giai đoạn sớm. Điều quan trọng là bạn nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời các vấn đề của mắt.

4. Nguyên nhân gây ra tật khúc xạ

Tật khúc xạ gây ra bởi khả năng tập trung ánh sáng của mắt trên võng mạc. Điều này thường xảy ra do:

- Chiều dài nhãn cầu quá dài hoặc quá ngắn.

- Độ cong của giác mạc không hoàn hảo.

- Sự lão hóa của thủy tinh thể.

Cận thị chỉ là tật khúc xạ, không phải bệnh về mắt. Tuy nhiên, Biến chứng cận thị có thể gây đục thủy tinh thể vô cùng nguy hiêm

Khi hình dạng của mắt thay đổi, nó cũng thay đổi cách các tia sáng uốn cong và hội tụ. Và điều đó có thể gây ra mờ mắt. Các nguyên nhân có thể khiến hình dạng của mắt thay đổi là:

- Di truyền, bẩm sinh.

- Do ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt xấu. Như ngồi học và làm việc sai tư thế, đọc sách nơi không đủ ánh sáng, mắt làm việc căng thẳng ít được nghỉ ngơi,...

- Do lão hóa.

tật khúc xạ

Thói quen sinh hoạt có thể là nguyên nhân dẫn đến mắc các tật khúc xạ. (Ảnh Internet).

5. Yếu tố nguy cơ

Theo thống kê, trên toàn thế giới có tới trên 153 triệu người bị mắc tật khúc xạ, khiến cho thị lực bị suy giảm. Tật khúc xạ có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở bất cứ lứa tuổi nào. Bạn sẽ có nguy cơ cao bị mắc tật khúc xạ nếu gặp phải những điều kiện sau:

- Tiền sử gia đình có người thân bị các vấn đề về mắt. Đặc biệt, nếu bạn có bố mẹ bị mắc các tật khúc xạ thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc chúng.

- Bạn bị một số rối loại di truyền kết hợp như hội chứng Stickler, hội chứng Knobloch, hội chứng Marfan.

- Mối tương quan giữa các yếu tố môi trường và nguy cơ phát triển cận thị đã được các nghiên cứu khẳng định. Lối sống với các thói quen như ngồi sai tư thế, sinh hoạt nơi có ánh sáng không thích hợp, làm việc căng thẳng,.... làm tăng nguy cơ mắc các tật khúc xạ.

6. Chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bạn có bị mắc các tật khúc xạ hay không, bạn cần đi tới bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ sẽ thực hiện một bài kiểm tra gọi là khúc xạ. Điều này được tiến hành với máy đo thị lực tự động hoặc thủ công. Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện đo khúc xạ tự động bằng công cụ máy tính, sau đó bác sĩ sẽ tinh chỉnh và xác minh kết quả bằng đo khúc xạ thủ công qua từng thấu kính.

Đo khúc xạ mắt có thể cho kết quả một hoặc nhiều loại tật khúc xạ. Ví dụ, bạn bị mờ mắt có thể do cả cận thị và loạn thị.

chẩn đoán tật khúc xạ

Đo khúc xạ mắt giúp chẩn đoán chính xác các tật khúc xạ. (Ảnh Internet)

5. Điều trị

Các khiếm khuyết tật khúc xạ có thể được điều trị bằng các phương pháp như:

- Đeo kính gọng:

Đây là phương pháp đơn giản, nhanh chóng và an toàn nhất. Bác sĩ sẽ xác định loại tật khúc xạ và mức độ bạn mắc phải để lựa chọn kính đúng số độ, giúp điều chỉnh tầm nhìn tối ưu.

Tuy nhiên, đeo kính gọng chỉ mang tính chất khắc phục thị lực. Nó không có tác dụng điều trị. Đồng thời bạn phải đi thăm khám định kỳ, hoặc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát mức độ của tật khúc xạ. Nếu mức độ thay đổi thì bạn cũng cần thay đổi kính.

- Đeo kính áp tròng:

Nguyên tắc hoạt động giống như đeo kính gọng. Nhưng nó thuận lợi và thoải mái hơn. Hiện nay cũng có một số loại kính áp tròng được đeo vào ban đêm khi ngủ để điều chỉnh độ cong của nhãn cầu. Vào ban ngày, bạn không cần đeo kính nhưng vẫn duy trì được tầm nhìn tối ưu. Tuy nhiên bạn cần chú ý sử dụng và vệ sinh kính đúng cách để tránh nguy cơ tổn thương và nhiễm trùng mắt. Trong trường hợp bị một số bệnh về mắt thì bạn không thể đeo kính áp tròng.

- Phẫu thuật:

Là phương pháp điều trị các tật khúc xạ hiệu quả và triệt để nhất. Tuy nhiên, phẫu thuật mắt chỉ áp dụng cho người đã trưởng thành. Đây là đối tượng mắt đã ổn định, ít có sự thay đổi. Có nhiều loại phẫu thuật điều trị tật khúc xạ. Do đó, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn loại hình phù hợp nhất với bạn.


Tác giả: Mai Nhung