Tất cả những điều cần biết về u tuyến thượng thận

Tất cả những điều cần biết về u tuyến thượng thận
U tuyến thượng thận là sự phát triển của ung thư hoặc không phải ung thư trên tuyến thượng thận. Tuy nhiên, đa phần các khối u tuyến thượng thận là lành tính.

Nguyên nhân của hầu hết các u tuyến thượng thận thường không xác định được. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ đối với u tuyến thượng thận có thể bao gồm hội chứng Li-Fraumeni, phức hợp Carney, đa sản nội tiết loại 2 và u xơ thần kinh loại 1. Các u tuyến thượng thận có thể được phẫu thuật để loại bỏ.

1. U tuyến thượng thận là gì?

Tuyến thượng thận nằm phía trên thận, được cấu thành bởi 2 phần là tủy thượng thận và vỏ thượng thận. Vỏ thượng thận là nơi tiết ra các hormone bao gồm aldosterone và cortisol; tủy thượng thận tiết ra epinephrine, dopamine và norepinephrine. Có nhiều loại u tuyến thượng thận khác nhau và chúng có thể tiến triển thành ung thư hoặc lành tính.

Tất cả những điều cần biết về u tuyến thượng thận - Ảnh 1.

U tuyến thượng thận là sự phát triển của ung thư hoặc không phải ung thư trên tuyến thượng thận - Ảnh: news-medical

Theo nghiên cứu, hầu hết các u tuyến thượng thận thường lành tính. Thông thường, u tuyến thượng thận không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và chúng thường được phát hiện tình cờ trên kết quả MRI hoặc CT vì những lần khám sức khỏe khác.

Ngoài việc phân loại u tuyến thượng thận là ung thư hoặc không phải ung thư, chúng còn được phân loại ở thể hoạt động hay không hoạt động. Các u tuyến thượng thận thể hoạt động sẽ sản xuất quá nhiều một hoặc nhiều loại hormone tuyến thượng thận bình thường.

Đọc thêm:

U tuyến yên: Cứ 10 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh

U tuyến vú lành tính là gì? Những điều cần biết về u tuyến vú lành tính

2. Những vấn đề gì gây ra bởi u tuyến thượng thận?

Khi có u tuyến thượng thận, cơ thể có thể xảy ra một số vấn đề, bao gồm:

Hội chứng Cushing: Đây là tình trạng khi mà khối u tiết ra quá nhiều cortisol. Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Cushing là do khối u ở tuyến yên trong não và một số ít trường hợp còn lại là do u tuyến thượng thận. Triệu chứng của hội chứng này bao gồm cao huyết áp, tiểu đường, béo phì và rối loạn chức năng tình dục.

Bệnh Conn: Đây là tình trạng khi mà khối u tiết ra quá nhiều aldosterone. Triệu chứng của căn bệnh này là sự thay đổi về tính cách, cao huyết áp, đi tiểu nhiều, suy nhược và táo bón.

Pheochromocytoma: Đây là tình trang khi u tuyến thượng thận khiến cơ thể tiết quá nhiều noradrenaline và adrenaline. Triệu chứng của tình trạng này bao gồm cao huyết áp, đổ mồ hôi, lo lắng, đau đầu, giảm cân và suy nhược cơ thể.

Tất cả những điều cần biết về u tuyến thượng thận - Ảnh 2.

Khi có u tuyến thượng thận, cơ thể có thể xảy ra một số vấn đề - Ảnh: healthline

3. Yếu tố nguy cơ đối với u tuyến thượng thận

Nguyên nhân của hầu hết các u tuyến thượng thận thường là không rõ. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy tính di truyền có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển u tuyến thượng thận. Một số tình trạng di truyền bao gồm:

- Phức hợp Carney

- Hội chứng Li-Fraumeni

- Đa sản nội tiết loại 2

- U sợi thần kinh loại 1

4. Những dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến thượng thận

Một số dấu hiệu và triệu chứng của u tuyến thượng thận có thể nhìn thấy được bao gồm: Cao huyết áp, bầm tím, lượng đường trong máu cao, hạ kali, tóc dài nhanh, đổ mồ hôi, tăng cân hoặc giảm cân, cảm thấy chán nản, rạn da bụng, lo lắng, hoảng loạn, mỡ tích tụ nhiều ở trên cổ và tim đập nhanh.

5. Chẩn đoán u tuyến thượng thận

Tất cả những điều cần biết về u tuyến thượng thận - Ảnh 3.

Để chẩn đoán chính xác u tuyến thượng thận, bác sĩ sẽ phải chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm - Ảnh: smanewstoday

Để chẩn đoán chính xác u tuyến thượng thận, bác sĩ sẽ phải chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:

- Xét nghiệm máu

- Bài kiểm tra về mức độ cortisol

- Kiểm tra nước tiểu trong 24 giờ

- Kiểm tra sinh thiết khối u để xác định u lành tính hay ác tính

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để cho hình ảnh chính xác

- Một số xét nghiệm khác có thể bao gồm quét metaiodobenzylguanidine hoặc lấy mẫu tĩnh mạch thượng thận.

- Nếu u tuyến thượng thận được xác định là ác tính, khối u sẽ được phân giai đoạn dựa trên vị trí và kích thước; xác định xem nó đã lan đến các hạch bạch huyết chưa và liệu rằng nó có lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể hay không.

Tùy theo từng trường hợp, kích thước và vị trí khối u mà bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác nhau để có kết luận chính xác nhất.

6. Điều trị u tuyến thượng thận

Cũng giống như nhiều loại khối u khác, u tuyến thượng thận cũng có thể được phẫu thuật để loại bỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến khích người bệnh thực hiện phẫu thuật đối với các khối u đang hoạt động, bất kể kích thước nhỏ hay lớn.

Đối với các khối u nhỏ và không hoạt động, người bệnh có thể được theo dõi bằng chụp CT định kỳ; nếu kết quả kích thước không tiến triển thì có thể theo dõi mà chưa cần điều trị ngay.

Đối với khối u không hoạt động và phát triển kích thước lớn nhanh hơn dự kiến hoặc đạt đến kích thước tối đa, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.

Tất cả những điều cần biết về u tuyến thượng thận - Ảnh 4.

Việc điều trị u tuyến thượng thận còn phụ thuốc vào phân loại khối u - Ảnh: uclahealth

Đối với khối u lành tính và kích thước nhỏ, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp mổ nội soi để thực hiện loại bỏ.

Đối với u tuyến thượng thận lớn hơn hoặc khối u có thể ác tính, phương pháp mổ hở với vết rạch ở lưng sẽ được ưu tiên thực hiện. Trong một số trường hợp, toàn bộ tuyến thượng thận của người bệnh có thể phải cắt bỏ.

Đối với trường hợp u tuyến thượng thận ác tính, hóa trị và xạ trị có thể được sử dụng.

7. Một số biến chứng của việc điều trị u tuyến thượng thận

Tình trạng mất máu có thể xảy ra đối với việc phẫu thuật cắt bỏ u tuyến thượng thận. Ngoài ra, cơ thể người bệnh có thể tiết ra các hormone gây nên tình trạng căng thẳng.

Tác dụng phụ của hóa trị liệu bao gồm rụng tóc, mệt mỏi, nôn ói, nguy cơ mắc nhiễm trùng và chán ăn có thể xảy ra với người bệnh sau qua trình điều trị. Xạ trị có thể gây mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn và một số phản ứng trên da người bệnh.

Nếu nhận thấy các phản ứng trên cơ thể sau điều trị u tuyến thượng thận, người bệnh nên trao đổi kỹ càng với bác sĩ để được hướng dẫn hoặc có biện pháp hạn chế mệt mỏi, căng thẳng.

8. Khối u thượng thận có thể ngăn ngừa được không?

Tất cả những điều cần biết về u tuyến thượng thận - Ảnh 5.

Thật không may, u tuyến thượng thận không thể ngăn ngừa được - Ảnh: istockphoto

Thật không may, u tuyến thượng thận không thể ngăn ngừa được. Bởi các yếu tố nguy cơ gây ra khối u tuyến thượng thận này là các tình trạng không thể ngăn ngừa và thường liên quan đến di truyền.

9. Tiên lượng lâu dài sau khi điều trị u tuyến thượng thận

Tiên lượng về sau đối với u tuyến thượng thận còn phụ thuộc vào việc khối u có phải là ung thư hay lành tính. Đối với khối u ác tính, bác sĩ sẽ xem xét về kích thước và vị trí của khối u, có di căn đến bộ phận nào của cơ thể hay chưa.

Dù khối u lành tính hay ác tính thì việc thăm khám định kỳ để theo dõi hoạt động hoặc sự tái phát là vô cùng cần thiết. Việc phát hiện sự bất thường sớm sau khi điều trị loại bỏ khối u tuyến thượng thận sẽ góp phần giúp việc điều trị tiếp theo dễ dàng hơn.

Nguồn tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17769-adrenal-tumors


Tác giả: Tiểu Quyên