Bệnh lao là một căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis. Các vi khuẩn thường tấn công phổi, nhưng chúng cũng có thể làm hỏng các bộ phận khác của cơ thể, chỉ trừ lông, tóc và móng.
Lao ảnh hưởng đến tất cả các nhóm tuổi và tất cả các nơi trên thế giới. Lao rất thường gặp, nó ảnh hưởng đến 2 tỷ người trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm có khoảng 9 triệu người mắc mới bệnh lao, gây 1,5 triệu người tử vong. Tuy nhiên, căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến người trẻ tuổi và những người sống ở các nước đang phát triển. Lao là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi.
Mặc dù lao là bệnh truyền nhiễm, nhưng không phải ai nhiễm vi khuẩn lao cũng phát bệnh. Vi khuẩn có thể tồn tại trong cơ thể dạng bất hoạt. Do đó, có 2 dạng lao là bệnh lao hoạt động (gọi chung là bệnh lao) và bệnh lao tiềm ẩn.
Có đến 90% các trường hợp nhiễm vi khuẩn lao nhưng không phát triệu chứng. Khoảng 10% bệnh nhân lao tiềm ẩn có nguy cơ tiến triển thành lao hoạt động, tỷ lệ này sẽ tăng lên nếu người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Lao hoạt động là tình trạng vi khuẩn lao đang nhanh chóng nhân lên và xâm chiếm phổi, cũng như các cơ quan khác nhau của cơ thể. Các triệu chứng điển hình của bệnh lao hoạt động thường bao gồm ho, đờm, đau ngực, yếu, sụt cân, sốt, ớn lạnh và đổ mồ hôi vào ban đêm.
Một người mắc bệnh lao phổi hoạt động có thể truyền bệnh lao sang người khác bằng cách đưa vi khuẩn lao vào trong không khí khi ho hoặc hắt hơi.
Bệnh lao hoạt động cần được điều trị sớm và kéo dài để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Thông thường, phương pháp điều trị bệnh lao hoạt động là sử dụng thuốc kháng sinh.
Đa số mọi người nhiễm lao mà không bị phát bệnh. Khoảng 1/3 dân số thế giới được cho là mắc bệnh lao tiềm ẩn. Họ không có triệu chứng và X-quang ngực có thể bình thường. Muốn xác định lao tiềm ẩn thì cần thực hiện xét nghiệm da tuberculin (TST) hoặc xét nghiệm giải phóng interferon-gamma (IGRA).
Nhiễm trùng liên tục có thể khiến bệnh lao tiềm ẩn được kích hoạt trở thành bệnh lao hoạt động. Nguy cơ tăng lên do các bệnh khác như HIV hoặc sử dụng thuốc làm tổn hại hệ thống miễn dịch.
Bệnh lao tiềm ẩn sẽ không gây triệu chứng. Nhưng lao hoạt động gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến hệ hô hấp như:
- Ho kéo dài trên 3 tuần, ho ra đờm hoặc máu.
- Đau ngực khi ho. Trong trường hợp nghiêm trọng, đau ngực có thể xảy ra ngay cả khi thở bình thường.
- Mệt mỏi thường xuyên dù đã nghỉ ngơi đủ.
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Đổ mồ hôi vào ban đêm.
- Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng.
- Giảm cân trầm trọng mà không rõ nguyên do.
Vì bệnh lao có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài phổi như thận, cột sống, tủy xương và não nên có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác. Ví dụ như đi tiểu ra máu, đau khớp, đau đầu, loạn nhịp tim,... Các triệu chứng sẽ thay đổi tùy thuộc vào cơ quan nào bị nhiễm bệnh.
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân gây bệnh lao. Đây là loại vi khuẩn hiếu khí, phân chia khá chậm, mỗi 16 - 20 giờ. Nó có thể tồn tại nhiều tuần trong đờm, rác ẩm và tối, dễ mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời.
Mọi người có thể bị lây nhiễm Mycobacterium tuberculosis từ người sang người qua đường không khí. Bệnh nhân lao có thể giải phóng vi khuẩn vào không khí khi nói, hát, ho, hắt xì. Các hạt dịch tiết chứa vi khuẩn lơ lửng trong không trung sẽ khiến người gần đó có thể hít phải chúng và lây bệnh.
Những người có hệ thống miễn dịch có thể không gặp phải các triệu chứng bệnh lao, mặc dù họ bị nhiễm vi khuẩn.
- Những người sống ở nước kém phát triển và đang phát triển. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hơn 95% các trường hợp tử vong do lao là xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
- Sống trong điều kiện đông đúc. Có tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
- Những người nghiện rượu hoặc hút thuốc lá trong thời gian dài có nhiều khả năng bị nhiễm lao hoạt động.
- Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Nó có thể bao gồm trẻ sơ sinh, người già, bệnh nhân bị tiểu đường, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh ung thư, nhiễm HIV, suy dinh dưỡng, hoặc bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc ngừa thải ghép nội tạng,... Theo thống kê, lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người bị nhiễm HIV.
- Khách du lịch đi đến những nơi có tỷ lệ mắc bệnh lao cao như: Ấn độ, châu Phi cận Sahara, Mexico và các nước Mỹ Latinh khác, đảo Đông Nam Á, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, Nga và các nước khác của Liên Xô cũ, Micronesia,....
Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp xét nghiệm dẫn xuất protein tinh khiết (PPD) để xác định xem bạn có bị nhiễm vi khuẩn lao hay không. Bạn sẽ được tiêm 0,1 ml PPD (một lượng nhỏ protein) vào dưới lớp trên cùng của da sau đó đi về nhà. Sau 2 - 3 ngày, bạn cần quay lại bệnh viện để bác sĩ kiểm tra vị trí tiêm và kết luận kết quả.
Nếu xuất hiện 1 nốt sưng cứng trên da có kích thước trên 5mm ở vị trí tiêm, thì bạn có thể dương tính với vi khuẩn lao. Xét nghiệm này sẽ cho bạn biết bạn có bị nhiễm vi khuẩn lao hay không, nó không cho bạn biết bạn bị lao tiềm ẩn hay lao hoạt động. Nếu nốt sưng có kích thước từ 5 đến 15mm thì bạn có nguy cơ nhiễm lao trung bình, còn tùy thuộc vào các yếu tố rủi ro, sức khỏe và tiền sử bệnh. Nếu nốt sưng có kích thước trên 15mm được coi là âm tính với vi khuẩn lao.
Tuy nhiên, độ chính xác của xét nghiệm này không được đánh giá cao. Trong nhiều trường hợp, kết quả xét nghiệm không khớp với tình trạng bệnh thực tế. Những người đã tiêm vacxin lao có thể có kết quả dương tính nhưng không bị nhiễm lao.
Hai xét nghiệm máu được sử dụng phổ biến để chẩn đoán lao là Quantiferon và T-Spot. Đây là 2 loại xét nghiệm giúp đo sự phản ứng của hệ miễn dịch với vi khuẩn lao, qua sự phóng thích interferon-gamma hoặc IGRAs.
- Nếu IGRA dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã bị nhiễm vi khuẩn lao, nhưng không biết bệnh ở dạng tiềm ẩn hay hoạt động, cần có các xét nghiệm bổ sung để xác định.
- Nếu IGRA âm tính chứng tỏ bệnh nhân không khả năng bị nhiễm lao tiềm ẩn hoặc hoạt động.
Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán lao phù hợp với những người đã tiêm vacxin lao, hoặc không có nhiều thời gian quay lại bệnh viện lần 2.
Nếu xét nghiệm da và máu cho kết quả dương tính, thì bác sĩ sẽ chỉ định bạn đi chụp X-quang ngực để tìm các đốm nhỏ trong phổi. Những đốm này là dấu hiệu của nhiễm trùng lao và cho thấy cơ thể bạn đang cố gắng phân lập vi khuẩn lao. Nếu X-quang ngực của bạn bình thường, bạn có khả năng bị lao tiềm ẩn. Cũng có thể kết quả kiểm tra của bạn không chính xác và cần thực hiện các xét nghiệm khác.
Nếu xét nghiệm cho thấy bạn mắc bệnh lao hoạt động, bạn sẽ bắt đầu phác đồ điều trị. Nếu xét nghiệm cho thấy bạn mắc lao tiềm ẩn, bạn vẫn cần được điều trị để ngăn vi khuẩn bị kích hoạt, và ngăn ngừa lây lan vi khuẩn cho người khác.
- Xét nghiệm đờm hoặc chất nhầy ở sâu bên trong phổi của bệnh nhân để kiểm tra vi khuẩn lao.
- Các xét nghiệm khác như chụp CT ngực, nội soi phế quản hoặc sinh thiết phổi có thể được yêu cầu nếu kết quả các xét nghiệm vẫn chưa rõ ràng.
Không giống như những căn bệnh nhiễm khuẩn khác chỉ cần điều trị kháng sinh trong 1 - 2 tuần. Điều trị nhiễm khuẩn lao cần kéo dài 6 - 9 tháng. Quá trình điều trị cần được duy trì khắt khe và hoàn thành phác đồ. Mặt khác, bệnh lao có khả năng tái phát khá cao. Khi tái phát, nó có thể kháng các loại thuốc trước đó. Do vậy, việc điều trị bệnh lao là vô cùng khó khăn.
Thông thường, để điều trị lao, cần kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau vì một số chủng lao kháng với một số loại thuốc. Sự kết hợp phổ biến nhất của các loại thuốc điều trị bệnh lao hoạt động bao gồm:
- Isoniazid
- Ethambutol (Myambutol)
- Rifampin (Rifadin, Rimactane)
- Rifapentine
Tác dụng phụ của các loại thuốc này là ảnh hưởng đến gan. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, nước tiểu sậm màu, vàng da hoặc mắt, nôn hoặc buồn nôn, đau bụng, sốt trên 3 ngày,... thì cần thông báo ngay cho bác sĩ. Bạn cũng nên đi kiểm tra chức năng gan thường xuyên trong khi dùng các loại thuốc này.
Nếu bạn bị bệnh lao tiềm ẩn, bác sĩ có thể chỉ định một đợt kháng sinh ngắn hơn để ngăn nó phát triển thành bệnh lao hoạt động. Các loại thuốc phổ biến cho bệnh lao tiềm ẩn bao gồm isoniazid, rifampin và rifapentine. Thuốc có thể cần dùng trong 3 - 9 tháng, tùy thuộc tình trạng và loại thuốc.
Vi khuẩn lao tấn công và phá hủy mô phổi, nên phổi sẽ bị suy yếu nhanh chóng. Nếu không can thiệp kịp thời có thể gây suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, giãn phế quản, tràn khí màng phổi, u nấm phổi,...
Vi khuẩn lao chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nó sẽ theo đường máu tấn công các bộ phận khác, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng có thể gặp là:
- Đau cột sống, khớp bị cứng và thoái hóa chức năng.
- Vi khuẩn lên não gây viêm màng não, có thể dẫn đến tử vong.
- Làm suy giảm chức năng lọc và đào thải độc tố của gan và thận.
- Làm suy yếu khả năng bơm máu của tim, loạn nhịp tim, thậm chí là suy tim.
- Phương pháp phòng tránh lao hiệu quả nhất là tiêm vacxin lao ngay từ khi còn nhỏ. Vacxin được gọi là Bacillus Calmette-Guerin, hoặc BCG, và chỉ bảo vệ chống lại một số chủng lao.
- Luôn giữ vệ sinh thân thể và nơi ở sạch sẽ. Tạo thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài.
- Hạn chế đến nơi đông người. Không nên đi du lịch ở những nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh lao cao.
- Vì mọi người có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn lao rất cao, nên các tốt nhất là tăng cường hệ miễn dịch để tránh vi khuẩn lao bị kích hoạt. Cần ăn uống cân bằng dinh dưỡng, nghỉ ngơi đủ, không làm việc quá sức, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc...
- Thường xuyên hoạt động dưới ánh nắng mặt trời. Đồ đạc, quần áo cũng nên phơi ở nơi có nhiều nắng thường xuyên.
- Những người đã được chẩn đoán mắc bệnh lao hoạt động nên tránh đám đông cho đến khi không còn nguy cơ truyền nhiễm. Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, không ngủ chung hoặc tiếp xúc gần gũi với người khác. Những người mắc lao tiềm ẩn cũng nên điều trị để ngăn kích hoạt và phát tán vi khuẩn.
- Ưu tiên các thực phẩm kháng khuẩn, thực phẩm giàu các chất chống oxy hóa như rau củ quả nhiều màu sắc, tỏi, trà xanh, dầu oliu,...
- Người bị bệnh phổi thường có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, do đó cần ăn uống cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin như: ngũ cốc, sinh tố hoa quả, rau xanh, sữa, thịt gia cầm,...
- Hầu hết các bệnh nhân lao đều giảm cân do mất cảm giác ngon miệng. Do đó, trong chế độ ăn uống, người bệnh có thể bổ sung thêm kẽm để tăng cảm giác thèm ăn. Thực phẩm giàu kẽm có thể là lòng đỏ trứng, củ cải, các loại đậu đỗ, hến, sò, thịt lợn nạc,.... Thay đổi món ăn liên tục để kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn.
- Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị lao, gan của người bệnh có thể bị tổn thương, nên bệnh nhân có thể lựa chọn thêm các thực phẩm bổ gan như rau cải, củ dền, bưởi, quả bơ, hạnh nhân, quả óc chó, trà atiso,... Người bệnh cũng cần ăn nhạt, ít dầu mỡ và gia vị để giảm tải cho gan.
- Đồ ăn cay nóng hoặc quá cứng có thể kích thích các cơn ho thêm trầm trọng, gây tình trạng ho ra máu.
- Rượu bia, thực phẩm có chứa chất kích thích có thể làm tồi tệ hơn các triệu chứng của bệnh lao, khiến người bệnh kiệt sức. Ngoài ra, rượu cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc điều trị lao.
- Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều đường - muối và gia vị, thức ăn chiên rán,... có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến gan hoạt động quá tải.
Lao có thể được điều trị thành công nhưng rất khó khăn, cần thời gian dài, khả năng tái phát cao. Thời gian uống thuốc thường kéo dài 6 - 9 tháng nên bệnh nhân cần kiên nhẫn theo hết phác đồ. Bởi việc bỏ dở điều trị hoặc dùng thuốc không đúng cách có thể gây kháng thuốc, bệnh sẽ khó điều trị hơn rất nhiều.
- Tiên lượng tốt, điều trị có thể thành công nếu như bệnh nhân được điều trị sớm và thực hiện nghiêm ngặt phác đồ bác sĩ đưa ra.
- Khi không được điều trị, 50% bệnh nhân lao sẽ tử vong, do vi khuẩn lao đi theo đường máu tấn công các cơ quan khác.
- Nếu bệnh nhân lao bị nhiễm đồng thời các bệnh khác thì việc điều trị bệnh lao có thể khó khăn hơn. Các bệnh nhiễm trùng, bệnh tật và tình trạng sức khỏe khác có thể làm biến chứng nhiễm trùng lao, vì bệnh nhân không thể tiếp cận hết các loại thuốc điều trị lao hiệu quả, do lo ngại làm trầm trọng thêm các bệnh đồng mắc.
Lao là bệnh truyền nhiễm, là tác nhân gây bệnh trong không khí, có nghĩa là vi khuẩn gây bệnh lao có thể lây lan qua không khí từ người sang người. Theo Tổ chức Y tế thế giớ WHO, những người mắc bệnh lao hoạt động có thể lây nhiễm cho 10 đến 15 người thông qua tiếp xúc gần gũi mỗi năm nếu họ không đề phòng.
Lao tiềm ẩn không phải là bệnh truyền nhiễm, nhưng theo thời gian nó có thể được kích hoạt, trở thành bệnh lao hoạt động và có khả năng gây truyền nhiễm.
Lao là bệnh lý do vi khuẩn gây ra nên nó không di truyền. Nhưng trong gia đình có người thân bị bệnh lao thì rất dễ bị lây nhiễm, do đó cần hết sức đề phòng, thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh thật tốt.
Nếu bạn tiếp xúc với người nhiễm lao dạng tiềm ẩn thì không cần phải làm các xét nghiệm kiểm tra. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp xúc với người nhiễm lao dạng hoạt động, có các triệu chứng của lao thì cần tới bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán.
Nhiễm lao tiềm ẩn vẫn cần điều trị để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa kích hoạt lao hoạt động và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.
Quyết định có điều trị lao tiềm ẩn hay không đôi khi cũng phụ thuộc và tình trạng và nguy cơ phát bệnh. Những đối tượng cần điều trị lao tiềm ẩn thường là người có hệ miễn dịch kém như người nhiễm HIV, những người có một số bệnh lý nội khoa, người sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch,...
Hình ảnh vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis dưới kính hiển vi. (Ảnh: Internet)
Xét nghiệm da để chẩn đoán bệnh lao. (Ảnh: Internet)
Hình ảnh X-quang bệnh lao phổi. (Ảnh: Internet)
Các tổn thương lao kích thước nhỏ (1–5 mm) xuất hiện trên phim chụp x-quang là các đốm nhỏ rải rác khắp phổi, giống như các hạt kê. (Ảnh: Internet)
Hình ảnh chụp CT lao hang phổi phải, thành hang dày, bờ nham nhở. (Ảnh: Internet)