Tập thể dục nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân ung thư xương

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tập thể dục nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân ung thư xương
Tập luyện thể dục góp phần duy trì sức khỏe và cải thiện sức mạnh của hệ xương - là một phần quan trọng trong quá trình trước và sau điều trị ung thư xương.

1. Những lợi ích của tập thể dục khi bị ung thư xương

Đối với các bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư xương nói riêng, tập luyện thể dục thể thao mang lại rất nhiều lợi ích khác nhau. Một số lợi ích có thể kể đến của việc luyện tập trên bệnh nhân ung thư như:

- Trong quá trình điều trị ung thư xương bằng các phương pháp khác nhau, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như chán ăn, mệt mỏi, đau nhức cơ thể,... Tập luyện thể dục sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt các tác dụng phụ này.

- Những bệnh nhân ung thư xương thường cảm thấy quá lo lắng, cô đơn, trầm cảm, thậm chí tuyệt vọng về tình trạng của bản thân. Tập thể dục có thể phần nào giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn, giảm nhẹ các áp lực tâm lí.

- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân ung thư xương cải thiện tốt chức năng các hệ cơ quan như tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, cơ xương khớp,... Điều này khiến bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn và đáp ứng tốt hơn với điều trị.

2. Một số lưu ý cho bệnh nhân ung thư xương khi tập thể dục

Tuy việc luyện tập thể dục thường xuyên mang đến rất nhiều lợi ích khác nhau cho bệnh nhân ung thư xương, tuy nhiên việc luyện tập không đúng cách có thể gây nên các tổn thương khác nhau cho bệnh nhân. Để có hiệu quả tốt khi luyện tập thể dục, bệnh nhân ung thư xương nên chú ý một số điều sau đây:

- Tập luyện các bài tập có cường độ vừa phải, tránh các bài tập cường độ cao như cử tạ, chạy nhanh,... để phòng ngừa các tổn thương cho hệ xương khớp.

- Trong quá trình luyện tập bệnh nhân ung thư xương luôn phải chú cẩn thận bởi khi tránh xảy ra các chấn thương.

- Nên luyện tập các bài tập theo mức độ tăng dần, thực hiện các động tác dễ trước rồi đến các động tác khó.

- Bệnh nhân ung thư xương không nên cố gắng gượng ép thực hiện các động tác vượt quá khả năng của bản thân.

- Cần kiên trì việc luyện tập đều đặn mỗi ngày.

- Bệnh nhân ung thư xương nên luyện tập thể dục cùng với người thân để có thể tập luyện vui vẻ hơn và kiên trì hơn.

3. Một số bài tập tốt cho bệnh nhân ung thư xương

Bài tập đầu-mặt-cổ

- Bệnh nhân dùng hai tay nắm lấy hai vành tai tương ứng mỗi bên, sau đó kéo nhẹ vành tai theo các hướng khác nhau lên trên, xuống dưới, ra ngoài. Lạp lại động tác khoảng ba lần thì chuyển động tác khác.

- Bệnh nhân sử dụng các đầu ngón tay của hai bàn tay đặt hai bên gò má tương ứng, sau đó massage xoay vòng tại chỗ, khi thực hiện được vài lần đổi chiều xoay theo chiều ngược lại. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng hai ngón tay trỏ đặt ở hai bên gò má sau đó miết xuống đến hai bên quai hàm dưới.

- Để luyện tập vùng cổ, bệnh nhân hãy ngồi ngay ngắn trên ghế, đầu cúi từ từ xuống dưới và dùng hai tay đặt sau gáy để hỗ trợ ấn vùng cổ. Cố gắng đưa cằm xuống càng gần ngực càng tốt, giữ nguyên tư thế trong khoảng 3 đến 5 giây rồi thả lỏng về vị trí ban đầu.

Bài tập cho cột sống

- Bệnh nhân ung thư xương ngồi, dùng tay phải đặt lên gối chân trái và tay trái vòng ra sau lưng đặt ở phần eo. Dùng sức xoay người sang trái càng nhiều càng tốt, giữ tư thế xoay tối đa mà bệnh nhân có thể thực hiện được trong 3 đến 5 giây rồi thả lỏng trở về vị trí ban đầu rồi thực hiện tiếp tục với bên đối diện.

Bài tập phần chân

- Người bệnh đứng bằng một chân, trong khi đó chân còn lại của bệnh nhân có thể nâng cao lên khỏi mặt đất hoặc chạm đất nhẹ bằng mũi chân, nếu bệnh nhân để chân chạm đất nhẹ có thể kết hợp với xoay cổ chân. Động tác này nhằm rèn luyện khả năng giữ thăng bằng cho bệnh nhân ung thư xương do vậy, hãy cố gắng giữ động tác càng lâu càng tốt. Sau đó thực hiện với bên còn lại.

- Người bệnh ngồi trên ghế, dùng sức cố gắng gập mu bàn chân về phía cẳng chân và gập các ngón chân về phía lòng bàn chân. Giữ nguyên tư thế khoảng 3 đến 5 giây rồi thả lỏng bình thường.

Bài tập phần tay

- Bệnh nhân ung thư xương duỗi thẳng tay trái (kể cả bàn tay) sau đó cố gắn gập hết cỡ khớp cổ tay. Tay phải nắm lấy bàn tay trái hỗ trợ bàn tay trái khi luyện tập. Khi đã đến tư thế gập tối đa, giũ nguyên vị trí rồi thực hiện lại tương tự với bên phải.

- Bệnh nhân để hai lòng bàn tay áp sát rồi đan hai tay vào nhau, sau đó từ từ xoay đồng thời hai cổ tay sao cho lòng bàn tay hướng ra phía ngoài. Dùng sức cánh tay và phần vai đẩy hai tay về phía trước, làm cổ tay căng ra nhiều nhất khi luyện tập. Giữ nguyên tư thế trong vài giây rồi thả lỏng bình thường.

Trên đây là một số lợi ích của tập thể dục đối với bệnh nhân ung thư xương và những bài tập có thể luyện tập để nâng cao sức khỏe mà bệnh nhân có thể luyện tạp hằng ngày.


Tác giả: QN