Tập luyện cho tiền đình và người bị rối loạn tiền đình

Tập luyện cho tiền đình và người bị rối loạn tiền đình
Đối với người bị rối loạn tiền đình, việc tập luyện giúp người bệnh hạn chế cảm giác chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi. Ngoài yếu tố rèn luyện thể chất thì việc tập luyện còn có hiệu quả đối với những người đang bệnh mạn tính.

1/ Vì sao cần tập luyện cho tiền đình?

Đa phần chúng ta đều nghĩ tiền đình nằm trong não nhưng thực ra hệ thống này nằm trong tai. Cấu tạo gồm các ống bán khuyên và hệ thống túi. Chúng giúp cảm thụ không gian và gia tốc thông qua các nội dịch và thạch nhĩ bên trong. Tiền đình “kết thân” với hệ thống não, hệ thống thần kinh thực vật và đặc biệt là mắt để duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể.

Người bị rối loạn tiền đình thường dễ bị chóng mặt, đứng lên ngồi xuống hoặc lao động, ngồi lâu một chỗ cũng xảy ra hiện tượng chóng mặt.

Tập luyện cho tiền đình và người bị rối loạn tiền đình - Ảnh 2.

Đối với người bị rối loạn tiền đình, ngoài phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì một trong những phương pháp giúp đẩy lùi triệu chứng đó là tập thể dục cho tiền đình. Điều này nghe có vẻ mới vì chúng ta thường nói đến tập tay, tập chân, tập eo, tập bụng…, chẳng ai đi luyện tập cho tiền đình cả. Nhưng sự thật là có và ngày càng cấp thiết vì nhịp độ cuộc sống ngày nay quá quay cuồng, đặc biệt ở những đô thị lớn.

Mật độ giao thông ngày càng lớn với đa hướng di chuyển, tốc độ di chuyển ngày càng cao, di chuyển bằng thang máy lên xuống nhanh, ban ngày mắt làm việc với màn hình máy tính, ban đêm mắt phải điều tiết liên tục khi gặp nhiều ánh điện nhấp nháy loạn xạ từ các bảng hiệu bên đường… Tất cả tạo lên cho tiền đình một áp lực ngày càng khủng khiếp, khiến chóng mặt như một căn bệnh thời đại mà bác sĩ nào cũng nghe người bệnh than khi thăm khám định kỳ hay đột xuất.

2/ Hướng dẫn tập luyện cho tiền đình

Sau khi hiểu rõ tầm quan trọng của việc tập luyện cho tiền đình, chúng ta cần biết cách tập luyện cho đúng thể trạng sức khỏe của mỗi người.

- Đối với người lớn, luyện tập thể dục những môn như yoga, thể dục nhịp điệu, vũ đạo, võ thuật hay các môn xà đơn, xà kép đều giúp cho hệ thống thần kinh và cơ bắp phối hợp nhịp nhàng để ngăn chóng mặt. Thực tế cho thấy, phi công hoặc các vũ công ba lê thường không bị chóng mặt khi ở thay đổi không gian do họ đã được luyện tập nhiều.

- Đối với người cao tuổi, cách tốt nhất là tập luyện ngoài trời, các bài vận động nhẹ nhàng như đi bộ hít thở sâu, thái cực quyền cũng rất tốt cho việc giữ thăng bằng.

Tập luyện cho tiền đình và người bị rối loạn tiền đình - Ảnh 3.

- Trẻ nhỏ cũng nên tập luyện ngay từ bé bằng cách cho nằm võng hoặc đu tay nhưng với biên độ vừa phải. Lớn hơn có thể cho chơi cầu trượt, xích đu, bập bênh...để trẻ thích nghi với những sự thay đổi trong không gian.

Các chuyên gia về tiền đình cũng lưu ý, dù các bài thể dục cho tiền đình phát huy nhiều tác dụng nhưng vẫn không thể tránh hệ thống này lão hóa theo thời gian. Những nghiên cứu giải phẫu đã khẳng định rằng, từ 55 tuổi, số lượng tế bào thần kinh trong tiền đình và lưu lượng máu đến tai trong sẽ bắt đầu giảm dần. Dù có chăm chỉ luyện tập tiền đình, người có tuổi cũng nên chủ động vận động nhẹ nhàng, chậm rãi để tránh những té ngã do chóng mặt.

Người bị chóng mặt khi vận động nên chú ý điều chỉnh cường độ tập luyện. Ban đầu không nên tập quá nặng hoặc quá nhanh, bạn cần tập dần dần và nâng cường độ theo từng ngày để cơ thể kịp thích nghi. Nếu vội vàng trong tập luyện, bạn có nguy cơ bị chấn thương và gặp tình trạng mệt mỏi, đau nhức cơ bắp vào ngày hôm sau, khiến bạn dễ bỏ cuộc.

Tập luyện ngoài ý nghĩa cải thiện chỉ số hình thể mà nó còn là bí quyết giúp bạn kéo dài tuổi thọ. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, người thường xuyên tập luyện có sức đề kháng tốt hơn và nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, bệnh về máu cũng giảm đi đáng kể.

Tác giả: Minh Ngọc