Táo bón có phải là một triệu chứng của COVID-19 không?

Táo bón có phải là một triệu chứng của COVID-19 không?
Táo bón không phải là một triệu chứng của Covid-19 phổ biến, nhưng vẫn có những người gặp phải. Thuốc, chế độ ăn uống, hệ khuẩn đường ruột thay đổi,... là những nguyên nhân gây ra táo bón chủ yếu.

Hầu hết những người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều có những triệu chứng của Covid-19 cổ điển bao gồm sốt, ho khan, mệt mỏi, khó thở từ nhẹ tới trung bình. Vậy khi nào táo bón có thể là dấu hiệu nhiễm virus Covid-19? Ngoài táo bón, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng tiêu hóa nào khác phổ biến hơn không?

1. Táo bón có phải là triệu chứng của COVID-19 không?

Các chuyên gia cho biết, thông qua một loại các báo cáo thì táo bón không phải là một triệu chứng của Covid-19 điển hình. Nhưng Covid-19 có thể dẫn tới táo bón ở người bệnh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Các báo cáo (1), (2) được đăng tải trên NCBI hồi năm ngoái cho thấy, khi bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19 họ còn gặp phải triệu chứng tiêu hóa (GI) khác nhau chẳng hạn như chứng táo bón, hệ vi sinh vật đường ruột bị thay đổi hay thậm chí là tắc ruột (colonic ileus), các cơ ruột ngừng co bóp.

Táo bón có phải là một triệu chứng của COVID-19 không? - Ảnh 2.

Táo bón có phải là triệu chứng của COVID-19 không? (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

+ Ho do Covid-19 thường kéo dài bao lâu? So sánh với các cơn ho khác

+ Hắt hơi, đau mắt đỏ có phải triệu chứng của virus corona (COVID-19)

Trong một nghiên cứu vào tháng 2/2021 (3) những nhà khoa học đã kiểm tra tác động của việc cấy ghép hệ vi sinh vật tiêu hóa lên một nhóm 11 người mắc Covid-19 đã xuất viện có GI và 3/11 bị táo bón. Cấy ghép hệ vi sinh vật có thể hiểu là việc chuyển các vi khuẩn khỏe mạnh vào ruột. 3 người bị táo bón này đều đã được cải thiện tình hình sau thủ thuật này.

Thuốc dẫn tới táo bón

Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị Covid-19 có thể dẫn tới táo bón chẳng hạn như famotidine và bevacizumab (4). Ngoài ra thì có khoảng 14% người điều trị bằng thuốc kháng virus remdesivir (5) cũng bị táo bón.

Bên cạnhk đó thì Iopinavir (6), ribavirin và một số thuốc giúp ổn định hệ miễn dịch cũng có thể gây ra táo bón ở những bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Táo bón do căng thẳng và lo lắng

Căng thẳng và lo lắng gia tăng có thể làm tăng nguy cơ bị táo bón ở những người bị hội chứng ruột kích thích.

Trong một nghiên cứu vào tháng 3/2021 (7) được công bố trên Tạp chí Clinical Gastroenterology thì khoảng 44% người bị hội chứng ruột kích thích kèm lo lắng hoặc trầm cảm báo cáo rằng họ bị táo bón nhiều hơn.

Táo bón có phải là một triệu chứng của COVID-19 không? - Ảnh 3.

Lo lắng và căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới táo bón (Ảnh: Internet)

Sự gia tăng này được cho là ảnh hưởng từ tâm lý do đại dịch Covid-19 gây ra chứ không phải do nhiễm Covid-19.

2. Các triệu chứng tiêu hóa phổ biến hơn của Covid-19

Những triệu chứng ảnh hưởng của nhiễm Covid-19 lên hệ tiêu hóa được báo cáo chiếm tới 74% trong một nghiên cứu (8). Trong đó các triệu chứng tiêu hóa phổ biến nhất của Covid-19 bao gồm:

- Tiêu chảy: chiếm tỷ lệ từ 2% - 50% và dường như phổ biến hơn ở nhóm người có triệu chứng của Covid-19 nặng (9)

- Nôn mửa: chiếm tỷ lệ từ 3,6% - 15,9% người lớn và 6.5% - 66.7% ở trẻ em (10)

- Chán ăn: dựa trên đánh giá của 60 nghiên cứu thì tỷ lệ vào khoảng 26,8% (11)

- Buồn nôn: chiếm tỷ lệ 1% - 29,4% (12), nghiên cứu được công bố trên Alimentary Pharmacology & Therapeutics

- Đau bụng: chiếm 2,2% - 6% (13).

Mối liên hệ giữa Covid-19 và các triệu chứng tiêu hóa là gì?

Nghiên cứu (14) cho thấy virus gây ra Covid-19 có thể xâm nhập vào hệ tiêu hóa của bạn thông qua các thụ thể trên bề mặt tế bào gọi là ACE2. Các thụ thể này phổ biến ở hệ tiêu hóa gấp 100 lần so với đường hô hấp.

Nếu như bạn là người có tiền sử rối loạn tiêu hóa

Những người có tiền sử rối loạn tiêu hóa chẳng hạn như viêm ruột (IBD) thì có thể tăng rủi ro phát triển một số loại virus hơn. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào chắc chắn rằng người bị viêm ruột thì có nguy cơ cao mắc Covid-19 hơn so với nhóm người khác.

Táo bón có phải là một triệu chứng của COVID-19 không? - Ảnh 4.

Nếu có tiền sử rối loạn tiêu hóa cần nâng cao hệ miễn dịch và tự phòng ngừa nhiễm khuẩn (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: Lời khuyên trong mùa Covid-19: Ho và hắt xì cũng cần phải đúng cách!

Nhìn chung, để giảm nguy cơ lây nhiễm virus thì người bị IBD vẫn nên rửa tay thường xuyên, che mặt khi ho, hắt xì; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng/đang nghi ngờ bị bệnh như cúm,... và ở nhà khi có thể.

3. Cần làm gì khi bị táo bón trong mùa dịch Covid-19?

Mặc dù Covid-19 không thường gây ra táo bón, nhưng những yếu tố có liên quan tới nhiễm trùng có thể gián tiếp dẫn tới táo bón.

Khi nhu động ruột giảm, phân sẽ gặp khó khăn trong việc được đẩy qua và đi ra ngoài một cách bình thường. Vận động ít, ngồi nhiều cũng có thể khiến ruột kết bị chèn ép và dẫn tới táo bón.

Ngoài ra, các thay đổi trong chế độ ăn uống kèm theo mức độ căng thẳng gia tăng, uống ít nước cũng khiến táo bón xảy ra thường xuyên hơn.

Vì thế, bạn nên vận động tại nhà bằng các bài tập rèn luyện sức khỏe đơn giản khi phòng gym chưa mở cửa lại; tìm cách giảm căng thẳng; theo một chế độ ăn uống lành mạnh và uống đủ nước để giảm các triệu chứng táo bón.

Đừng quên theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bất thường của cơ thể ngoài dấu hiệu táo bón. Chẳng hạn như sốt, ho khan, ho có đờm, mệt mỏi, khó thở,... thì bạn cần nhanh chóng tự cách ly tại nhà và liên hệ với cơ sở y tế để được hỗ trợ sớm nhất có thể.

Nguồn dịch:

1. https://www.healthline.com/health/covid-constipation#seeking-medical-help

2. https://www.healthline.com/health/coronavirus-diarrhea#gastrointestinal-link


Tác giả: Kim Phụng