Tăng huyết áp có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn gây nguy hiểm cho sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tăng huyết áp thai kỳ thường xảy ra sau tuần thứ 20 kể từ khi mang thai.
Tình trạng tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến tiền sản giật, sản giật, bong nhau, đột quỵ, suy đa tạng,... ở người mẹ. Đối với thai nhi, nó có thể gây chết lưu, sinh non hoặc chậm phát triển.
Về khái niệm tăng huyết áp thai kỳ là hiện tượng huyết áp tăng sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trở về mức bình thường sau 6 tuần kể từ khi sinh em bé. Tăng huyết áp thai kỳ được coi là nhẹ khi chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương đạt từ 140-159/90-109 mmHg. Mức độ tăng huyết áp thai kỳ nặng khi chỉ số huyết áp ≥160/100 mmHg.
Tăng huyết áp thai kỳ cần được phân biệt với:
- Tăng huyết áp mãn tính: Xuất hiện từ trước khi mang thai hoặc ở trước tuần thứ 20 của thai kỳ và kéo dài đến hơn 42 ngày sau sinh.
- Tăng huyết áp phát hiện từ trước, nặng lên khi mang thai và kèm Protein niệu.
- Tiền sản giật: Trường hợp tăng huyết áp thai kỳ kèm Protein trong nước tiểu (>0,3g/24h).
Đọc thêm:
Phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Cao huyết áp ở bà bầu và 6 điều mẹ cần biết
Nguyên nhân gây tăng huyết áp thai kỳ có sự đóng góp của nhiều yếu tố. Đến nay nó vẫn đang được các chuyên gia nghiên cứu, thử nghiệm. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
- Chế độ dinh dưỡng khi mang thai thiếu khoa học.
- Thai phụ ít vận động, nghỉ ngơi không khoa học, căng thẳng, stress khi mang thai.
- Do thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh.
- Mang thai sau tuổi 35 hoặc mắc các bệnh nền như đái tháo đường, béo phì, bệnh thận,...
- Mang đa thai hoặc mang thai kỹ thuật hỗ trợ như thụ tinh trong ống nghiệm.
Tăng huyết áp thai kỳ không có nhiều triệu chứng đăc trưng nên rất khó phát hiện. Thông thường hiện tượng này chỉ được phát hiện khi thăm khám thai định kỳ. Nhiều trường hợp thai phụ chỉ phát hiện bị tăng huyết áp ở giai đoạn nửa sau của thai kỳ.
Sưng phù chân tay, tăng cân đột ngột, nôn mửa, rối loạn thị lực. đau đầu kéo dài, đau vùng thượng vị, khó thở, đau, tức ngực sau xương ức,...là một số dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp thai kỳ thường gặp.
Quá trình điều trị tăng huyết áp thai kỳ cần được chẩn đoán và chỉ định trên cơ sở:
- Sức khỏe tổng thể và lịch sử bệnh lý của thai phụ trước và trong quá trình mang thai.
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng chịu đựng của thai phụ với các phương pháp điều trị.
- Kỳ vọng của thai phụ và gia đình trong quá trình thăm khám và điều trị bệnh.
Một số phương pháp điều trị tăng huyết áp thai kỳ được khuyến cáo thực hiện là sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, căn cứ vào mức độ của bệnh.
- Đối với trường hợp tăng huyết áp nhẹ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn, sau đó sử dụng thuốc hạ huyết áp nếu cần. Một số loại thuốc được dùng thử trước tiên như Methyldopa, thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi.
Tránh sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II hoặc thuốc đối kháng aldosterone cho phụ nữ mang thai.
- Đối với tăng huyết áp vừa và nặng, cần điều trị hạ huyết áp và theo dõi sát sao. Trong quá trình điều trị nếu phát hiện có dấu hiệu tiền sản giật ở mức độ nhẹ thai phụ sẽ được khuyến cáo chấm dứt thai kỳ ở tuần 37.
- Thai phụ cần được điều trị tăng huyết áp ngay khi các chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương cao ≥140/90 mmHg. Trong trường hợp huyết áp tâm thu ≥170 mmHg, huyết áp tâm trương ≥110 mmHg, thai phụ cần được nhập viện ngay để cấp cứu, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Mặc dù tăng huyết áp tăng huyết áp thai kỳ rất khó kiểm soát, tuy nhiên bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để giảm nguy cơ phát triển bệnh.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh ngay khi bắt đầu mang thai. Để kiểm soát cân nặng của mình bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc lên kế hoạch xem xét cân nặng theo chiều cao và lối sống để giữ trọng lượng ở mức an toàn.
- Vận động nhẹ nhàng mỗi ngày bằng cách đi bộ hoặc tập Yoga để giữ cho bản thân luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ bị tăng huyết áp khi mang thai.
- Thường xuyên khám thai để kiểm tra tình trạng phát triển của trẻ, đồng thời kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bà bầu.
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc chất kích thích trong quá trình mang thai để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
- Kiểm soát lượng muối tiêu thụ mỗi ngày để phòng ngừa tăng huyết áp. Bởi lượng muối dư thừa có thể huyết áp tăng nhanh, đồng thời gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Luôn giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái, tránh tình trạng căng thẳng, lo lắng khi mang thai. Điều này sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ bị tăng huyết áp thai kỳ. Khi bạn bị căng thẳng hãy thử hít thở sâu trong vòng 10 phút hoặc 2 - 3 lần mỗi ngày để kiểm soát huyết áp và giữ cho trái tim khỏe mạnh.
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu Kali và Magie trong bữa ăn hàng ngày để duy trì cân bằng chất lỏng và điện giải. Đồng thời hai loại khoáng chất này có tác dụng rất tốt với huyết áp của bà bầu. Do đó bạn hãy lưu ý bổ sung thêm khoai lang, cà chua, nước cam, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua và rau xanh trong bữa ăn hàng ngày.
Trên đây là một vài thông tin về biểu hiện tăng huyết áp thai kỳ bạn cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Bên cạnh đó hãy khám thai thường xuyên để theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi cũng như phát hiện sớm các dấu bất thường để có phương pháp xử lý phù hợp.